Đầu bếp gốc Việt vực dậy chuỗi nhà hàng gia đình danh tiếng ở Mỹ
Không lựa chọn từ đầu nhưng số phận đã đẩy anh Hai Truong quay trở lại với truyền thống ẩm thực trong gia đình, tạo nên thương hiệu Ngon Vietnamese Bistro.
Bỏ việc- bước ngoặt của anh Hai Truong
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh nhà hàng, nhưng anh Hai Truong lại quyết định theo học kinh tế và nghệ thuật tại Đại học Minnesota, sau đó làm việc trong ngành tài chính.
Ngày 1/4/2002 đã trở thành một ngày đặc biệt trong ký ức của Hai Truong, anh bỏ việc, rời đi trước sự ngỡ ngàng của ông chủ.
Anh Hai Truong, người sáng lập nên thương hiệu Ngon Vietnamese Bistro. (Ảnh: Star Tribune)
Anh Hai Truong tâm sự: “Đó là bởi vì tôi không thể tiếp tục sống một cuộc sống rập khuôn nhàm chán thêm một chút nào nữa. Nó ăn mòn tâm hồn của tôi. Không có một chút sáng tạo nào trong tôi”.
Nhìn lại, anh Hai Truong cho rằng đây là một trong những quyết định tốt nhất mà anh từng làm. Năm năm tiếp theo sau khi bỏ việc, anh Hai Truong đã trải nghiệm qua nhiều ngành nghề khác nhau: máy tính, chụp ảnh, thợ mộc.
Anh Hai Truong cũng quay trở lại với công việc kinh doanh nhà hàng của gia đình, đồng thời biến chuỗi nhà hàng từ chỗ kém phát triển trở thành một nơi kinh doanh phát đạt.
Trong một khoảng thời gian ngắn, Hai Truong cùng với vợ Jessica Ainsworth, đã mua lại cả chuỗi nhà hàng từ người dì và đổi tên nơi này thành Ngon Vietnamese Bistro, báo hiệu một chương mới thú vị trong nền ẩm thực của vùng Twin Cities.
Điều gì khiến cho Ngon Vietnamese Bistro khác biệt với hàng chục nhà hàng Việt Nam khác? Đấy chính là phương pháp hầm bằng nồi đúc (melting- pot) từ kinh nghiệm của bà và mẹ Hai Truong, những người chịu ảnh hưởng từ sự giao thoa giữa ẩm thực Pháp và Việt Nam truyền thống.
Anh Hai Truong phân tích: “Khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, ảnh hưởng của Pháp lên ẩm thực Việt rất mạnh mẽ. Tôi thường tự hỏi: Những đầu bếp Pháp khi ở Việt Nam họ đã nấu ăn như thế nào? Có lẽ họ đã tận dụng mọi kỹ thuật mà mình có với các thành phần nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam”.
Muốn Phở ngon phải kỳ công
Một nồi nước dùng 140 lít đặt ở giữa căn bếp của nhà hàng Ngon chính là điểm khởi đầu cho những món ăn đậm đà và tuyệt vời tại đây.
Khi nói đến Phở- một món ăn Việt truyền thống với nước dùng, thịt bò, và bánh phở- Hai Truong kỹ tính trong từng khâu chế biến.
Hai Truong thường tự tay lựa chọn xương, ninh chúng trong 36 tiếng đồng hồ với tỉ lệ “đặc biệt” giữa xương với nước là 40/60, để cho ra đời một nồi nước dùng mà hương vị của nó sẽ tràn đầy sự mê hoặc, thơm lừng khi được bê ra bàn.
Ông chủ của nhà hàng Ngon Vietnamese Bistro cũng đã sáng tạo thêm công thức Phở vịt (nước dùng hầm từ xương vịt), ngon không kém gì món Phở thông thường.
Một món ăn được trình bày đẹp mắt của anh Hai Truong. (Ảnh: Star Tribune).
Bên cạnh đó, trong các món ăn khác của nhà hàng, Hai Truong đã khéo léo lồng hương vị Đông Nam Á vào những món ăn quen thuộc của phương Tây: đậu đen lên men với thịt cừu nướng; sò điệp áp chảo sốt gừng, sả, hoa hồi; cá hồi hun khói hoặc thịt lợn hun khói ngấm gia vị dùng trong Phở.
Nhà hàng Ngon của Hai Truong cũng là địa điểm được yêu thích với món nem cuốn đậm chất Việt: chả giò mềm mịn gói cùng với rau xanh tươi mát.
Hoặc, bạn cũng có thể lựa chọn thưởng thức một bữa tối ngon miệng cùng gà nướng, cơm tấm và dưa muối. “Đó là những món đã gắn liền với tuổi thơ tôi”, đầu bếp đa năng Hai Truong chia sẻ.
Câu chuyện khi đến Mỹ
Anh Hai Trương bây giờ đã 40 tuổi. Anh cùng gia đình đến định cư ở bang Minnesota, Mỹ vào năm 1979, khi anh 5 tuổi.
Ký ức tuổi thơ của anh tràn ngập hình ảnh căn bếp trong nhà, lúc anh phụ giúp bà gói bánh và làm những món ăn truyền thống.
Vào giữa những năm 1980, cha anh, ông Tang Truong mở nhà hàng Carvelle, một trong những nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở Twin Cities. Sau đó, một loạt các nhà hàng Carvelle được mở ra.
Qua nhiều năm làm việc vất vả, đứa con út cũng đã tốt nghiệp đại học, ông Tang Truong quyết định nghỉ hưu, nhượng lại chuỗi nhà hàng cho họ hàng- bà Anh Truong.
Khi bà Anh Trương muốn bán lại chuỗi nhà hàng, Hai Truong đã mua lại nó. Với số vốn ít ỏi trong tay, Hai Truong cùng với vợ tự tay cải tạo nhà hàng.
Anh Hai Truong, cùng với vợ Jessica và con trai Khanh Truong, 4 tuổi. (Ảnh: Star Tribune)
Chị Jessica, vợ anh Hai Truong, đã áp dụng mọi kiến thức được học từ Viện Nghệ thuật Quốc tế Minnesota, để thiết kế lại phong cách mới của nhà hàng.
Còn chồng chị, là người thực hiện những thiết kế trên. Anh xây dựng bảng hiệu, lắp đặt cửa sổ, xây dựng tường… bằng chính kỹ năng thợ mộc của mình. Hai vợ chồng trở thành một cặp đôi ăn ý.
Một đầu bếp đa tài
Khi không nấu ăn, Hai Truong có niềm đam mê với việc sửa chữa từ xe cộ cho đến dụng cụ. Anh thường dành thời gian để nâng cấp, sửa chữa xe đạp, xe máy, thậm chí là ô tô cũ.
Thỉnh thoảng, anh cũng bán được một vài món đồ do chính tay anh làm ra thông qua trang bán hàng trực tuyến eBay và Craigslist.
Chiếc xe gắn máy Norton là một sản phẩm mà Hai Truong ưa thích, được đặt tên là “Margaret Thatcher” (cựu Thủ tướng Anh).
Anh Hai Truong trong gara xe của mình. (Ảnh: Star Tribune)
Khi được hỏi tại sao anh lại đặt lên cho một chiếc xe gắn máy, anh Hai Truong đã cười lớn trả lời: “Vì bà ấy được mệnh danh là Người đàn bà thép”.
Thậm chí, anh Hai Truong còn mang cả tình yêu cơ khí, máy móc của ông vào bếp. Không có gì đáng ngạc nhiên khi anh có cả máy làm bia ở trong nhà.
Một lần du lịch đến London, anh Hai Truong bị ám ảnh với hương vị bia tươi ngon ở đây và thôi thúc anh đem các loại bia vào thực đơn của Ngon Vietnamese Bistro. Với máy làm bia riêng, nhà hàng của anh Hai Truong đã trở thành nơi đầu tiên cung cấp bia tươi ở bang Minnesota.
Ngoài ra, bạn còn có thể thấy trong căn bếp nhà hàng này, có những thiết bị tự chế để làm bếp rất hữu ích: máy xông khói, máy nấu nước Phở…
“Tôi làm tất cả những gì tôi thích… Tôi luôn muốn thử những điều mới… Đó là tất cả về tôi”, anh Hai Truong chia sẻ./.
Theo Phương Chi/VOV.VN/Star Tribune