Cuộc sống của người Việt vẫn ổn định sau vụ thảm sát ở Séc

Theo ông Nguyễn Danh Lan, Phó Chủ tịch Chi hội Người Việt Nam tại tỉnh Zlin, tinh thần của gần 300 người Việt tại tỉnh và ngay tại thị trấn Uhersky Brod rất vững vàng sau những giờ phút xáo động ban đầu.

Người Việt ở Uhersky Brod cũng như ở Séc nói chung gần đây chuyển nhiều sang bán hàng thực phẩm
Người Việt ở Uhersky Brod cũng như ở Séc nói chung gần đây chuyển nhiều sang bán hàng thực phẩm

Trong khi Giám đốc Cảnh sát tỉnh Zlin Jaromír Tkadleček tuyên bố cần khoảng một tháng để điều tra vụ thảm sát ngày 24/2 làm 9 người chết thì cuộc sống và việc kinh doanh của người Việt ở Cộng hòa Séc nói chung, tỉnh Zlin và thị trấn Uhersky Brod vẫn diễn ra bình thường.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho biết: "Chúng tôi xác định sự kiện bi thảm ở Uhersky Brod một vụ việc cá biệt, không phải là hành động khủng bố và rất ít có khả năng dẫn dắt tới sự vụ tiếp theo. Séc là đất nước thanh bình, an ninh tốt. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Hội vẫn lưu ý các chi hội và đoàn thể hội viên lưu ý bà con trên khắp đất nước nêu cao cảnh giác nhưng không hoang mang để ảnh hưởng đến công việc làm ăn."

Ông Hoàng Đinh Thắng nói rằng với tư cách là dân tộc thiểu số thứ 14 ở Cộng hòa Séc, đại diện cộng đồng người Việt có đủ tư cách kiến nghị với các cơ quan chức năng rà soát tình trạng sử dụng hỏa khí cá nhân và siết chặt việc cấp giấy phép dùng súng đối với công dân.

Thông tin trong cộng đồng người Việt cho biết, thời gian gần đây vấn đề an ninh có một số biểu hiện xấu đi dù chưa xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Hiện tượng mất cắp trong cửa hàng có chiều hướng tăng, đây đó đã xảy ra tình trạng thanh niên càn quấy "lấy cắp công khai" rượu, thuốc lá, thậm chí cả tiền trong quầy của người Việt với số lượng nhỏ.

Những người bán hàng Việt nhận xét rằng việc làm ăn mấy năm gần đây trở nên khó khăn do những người về hưu - thị phần khách hàng chính của họ - siết chặt chi tiêu. Chính những người về hưu và lớp thanh niên chưa có việc làm nằm ở "tốp dưới" của xã hội Séc và họ thường có biểu hiện không hài lòng với thực tại.

Theo ông Nguyễn Danh Lan, Phó Chủ tịch Chi hội Người Việt Nam tại tỉnh Zlin, tinh thần của gần 300 người Việt tại tỉnh và ngay tại thị trấn Uhersky Brod rất vững vàng sau những giờ phút xáo động ban đầu.

Những cửa hàng vải, hàng thực phẩm, quán ăn nhanh, hiệu sơn móng tay của nhóm người Việt gồm 30 thành viên ở trung tâm thị trấn, gần với nhà hàng Druzba, nơi xảy ra thảm sát, vẫn mở cửa bình thường vào sáng 25/2.

Ông Lan nhận xét rằng vụ thảm sát gây sốc với người bản địa. còn cộng đồng người Việt tại tỉnh và thị trấn vốn sống đoàn kết với nhau, nhưng khá khép kín, tách biệt với xã hội Séc nên ít chịu tác động tâm lý hơn.

Những người Việt bận rộn bán hàng từ sáng sớm đến tối mịt, sau đó về thẳng nhà để nghỉ ngơi lấy sức, rất ít xuất hiện tại các địa điểm công cộng của thành phố, thị trấn. Bà con chỉ tụ họp với nhau mỗi năm mấy lần vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, Trung Thu... nhưng không chọn địa điểm ở Uhersky Brod vì thị trấn này rất nhỏ bé, có chưa tới 17.000 dân.

Uhersky Brod rất yên bình và các hộ kinh doanh người Việt thường không phải lo lắng về tình trạng mất cắp trong cửa hàng, thanh niên hư gây rối... như ở một vài địa phương khác.

Chi hội Người Việt Nam tại tỉnh Zlin được đánh giá là đơn vị hoạt động khá tích cực, tham gia thường xuyên các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam, Hội Người Việt Nam và các đoàn thẻ khác phát động.

Đặc biệt, Câu lạc bộ Phụ nữ Zlin hoạt động năng nổ, có phong trào văn nghệ sôi nổi, có nhiều sáng kiến trong việc dạy con em giữ gìn văn hóa dân tộc. Vào đúng ngày 8/3 tới Câu lạc bộ Phụ nữ Zlin sẽ tổ chức cuộc gặp mặt, vừa để kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ vừa để nhắc nhở chị em lưu tâm hơn tới vấn đề an ninh sau sự kiện ngày 24/2.

Thành phố công nghiệp Zlin của tỉnh cùng tên với khoảng cách khoảng 250km đến thủ đô Praha được coi là "vùng sâu vùng xa" của Séc. Còn người Việt gọi đây là "Thung lũng tình yêu" vì vào những thập niên 80 của thế kỷ trước Zlin, lúc đó gọi là thành phố Gottwaldov, đây là nơi có số lượng công nhân nữ Việt Nam lớn nhất Tiệp Khắc./.
 
Tin và ảnh theo Trần Quang Vinh/Praha (Vietnam+)
 
http://www.vietnamplus.vn/cuoc-song-cua-nguoi-viet-van-on-dinh-sau-vu-tham-sat-o-sec/309199.vnp