1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vụ Thông tư gây khó cho doanh nghiệp: Gia hạn hiệu lực đến đầu năm 2022

(Dân trí) - Sau khi nhận được tờ trình từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, lãnh đạo Bộ KH&CN đã đồng ý chủ trương gia hạn hiệu lực Thông tư 15 đến 1/1/2022. Dự kiến đầu tuần sau sẽ có văn bản chính thức.

Vụ Thông tư gây khó cho doanh nghiệp: Gia hạn hiệu lực đến đầu năm 2022 - 1

Như Dân trí đã phản ánh, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành hàng Thép không gỉ (inox) tại Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) nghiên cứu lại Thông tư 15/2019 có hiệu lực từ ngày 1/6/2020.

Trong văn bản gửi Bộ KH&CN, các doanh nghiệp inox cho biết: Thông tư 15 Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” (QCVN 20:2019/BKHCN) không bao quát hết dẫn đến tình trạng “siết” đầu vào nguyên liệu thép không gỉ nhưng “thả nổi” chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp được sản xuất từ thép này nhập vào Việt Nam. Chính điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi không thể cạnh tranh được nguồn hàng từ Trung Quốc nhập sang.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Bộ KH&CN đã yêu cầu Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) gặp gỡ các doanh nghiệp inox trong nước để làm rõ một số nội dung và giải đáp thắc mắc.

Tại cuộc gặp gỡ ngày 24/6, nhiều doanh nghiệp thép inox khẳng đinh, khi Thông tư 15 có hiệu lực, khi tất cả các loại thép không gỉ tại Việt Nam đều phải áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN thì riêng chủng loại ống, hộp thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở sẽ vẫn được lưu thông trên thị trường. Đây sẽ là cơ hội vàng cho các nhà sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Trung Quốc đưa hàng vào thị trường Việt Nam và toàn bộ các nhà máy sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Việt Nam sẽ phải đóng cửa vì không nhập được nguyên liệu.

Các doanh nghiệp inox cũng chỉ ra rằng, khi áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN thì không chỉ các nhà sản xuất ra nguyên liệu như ống, hộp, tấm, cuộn, dây, cây thép không gỉ mới chịu ảnh hưởng, mà toàn bộ các nhà sản xuất hàng thành phẩm cũng phải bó tay chịu trận vì toàn bộ hàng tiêu dùng Trung Quốc vốn không nằm trong danh mục mã HS phải áp dụng dụng QCVN 20:2019/BKHCN sẽ phủ kín thị trường. Lúc đó, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng thép không gỉ sẽ buộc phải đóng cửa và hậu quả chắc chắn là hàng triệu người Việt Nam sẽ thất nghiệp.

Sau khi nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp thép inox, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI) cũng đã có văn bản  đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp, đặc biệt là tác động của Quy chuẩn đến hoạt động sản xuất trong nước. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ vào Điều 153.1.b của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyết định ngưng hiệu lực của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN để điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN vào chiều 8/7, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TĐC cho biết cơ quan này đang kiến nghị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét gia hạn hiệu lực của Thông tư 15 trong việc triển khai thực hiện quy chuẩn QCVN 20:2019/BKHCN.

Tuy nhiên lý do gia hạn được nêu ra là do các doanh nghiệp phản ánh khó khăn, đặc biệt trong thời gian qua dịch bệnh Covid đã làm ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp chứ chưa có một đánh giá chi tiết về Thông tư 15 có bất cập hay khiếm khuyết gì hay không.

Nguyễn Hùng