Vướng thông tư của Bộ Khoa học, nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản?

(Dân trí) - Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành hàng Thép không gỉ (inox) tại Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ khoa học nghiên cứu lại Thông tư 15/2019 có hiệu lực từ ngày 1/6/2020.

Trong văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp inox cho biết: Thông tư 15 Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” (QCVN 20:2019/BKHCN) không bao quát hết dẫn đến tình trạng “siết” đầu vào nguyên liệu thép không gỉ nhưng “thả nổi” chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp được sản xuất từ thép này nhập vào Việt Nam. Chính điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi không thể cạnh tranh được nguồn hàng từ Trung Quốc nhập sang.

Vướng thông tư của Bộ Khoa học, nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản? - 1

Văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp inox Việt tới các đơn vị chức năng. 

Trao đổi với Dân trí, các doanh nghiệp inox phân tích: Thép không gỉ là loại mặt hàng nguyên liệu, vật liệu dùng để sản xuất ra tất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Với chủng loại đa dạng, thép không gỉ có thể thích nghi với môi trường của các vùng khí hậu khác nhau. Tuy theo mục đích sử dụng, môi trường ứng dụng và điều kiện kinh tế mà người tiêu dùng và nhà sản xuất lựa chọn chủng loại thép không gỉ phù hợp để áp dụng.

Tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường thép không gỉ, không chỉ vì giá thành phù hợp với khả năng kinh tế của đại đa số người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam, mà còn do loại thép này hoàn toàn phù hợp với đa số môi trường và mục đích sử dụng, ở những nơi mà điều kiện khí hậu và môi trường không nhất thiết phải dùng đến sản phẩm có giá thành cao hơn – các sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.

Như vậy, việc chỉ cho phép lưu thông trên thị trường các chủng loại thép Không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực… mà dừng lưu thông các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở - không những làm mất đi tính đa dạng của các loại sản phẩm thép không gỉ để có thể đáp ứng đúng và đủ nhu cầu trong nước, làm mất khả năng cạnh tranh và xuất khẩu mặt hàng thép không gỉ của Việt Nam ra nước ngoài, mà còn làm thị trường thép không gỉ dạng nguyên liệu, thị trường các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp làm từ thép không gỉ sẽ mất hẳn đi mảng sản xuất trong nước và chuyển sang nhập siêu từ Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia khác đang áp dụng đồng thời hai tiêu chuẩn chất lượng về thép không gỉ.

 “Các nhà sản xuất thép không gỉ dạng nguyên liệu, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp đang phải dùng thép không gỉ làm nguyên liệu tại thị trường Việt nam, hiện nay vẫn đang đủ năng lực và công nghệ để đáp ứng trên 90% nhu cầu về thép không gỉ trong nước, khi không có nguyên liệu đầu vào chắc chắn sẽ khoanh tay đứng nhìn, và thị trường lúc đó đương nhiên nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài. Còn các doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản”, đại diện của nhiều doanh nghiệp chia sẻ.

Bộ Khoa học nắm bắt thông tin để tháo gỡ

Ngay sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TDC) gặp gỡ các doanh nghiệp inox trong nước để làm rõ một số nội dung và giải đáp thắc mắc.

Vướng thông tư của Bộ Khoa học, nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản? - 2

Giấy mời họp hỏa tốc gửi các doanh nghiệp của TDC sau khi nhận được kiến nghị về bất cập của QCVN 20:2019/BKHCN. 

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp inox mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng TDC khẳng định: Với phương diện là người làm chính sách thì bất kì quy định nào được đưa ra cùng nhằm mục đích tốt hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Cũng theo ông Linh, người xây dựng chính sách sẽ rất buồn nếu chính sách được ban hành mà lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì thế TDC sẵn sàng lắng nghe chia sẻ và giải đáp thắc xung quanh QCVN 20:2019/BKHCN. Nếu thông tư 15 còn có chỗ chưa tốt thì sẽ xin tiếp thu để điều chỉnh, tháo gỡ ngay. 

Vướng thông tư của Bộ Khoa học, nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản? - 3

Nhiều doanh nghiệp inox Việt tham gia buổi đối thoại với TDC  vào ngày 24/6 và kiến nghị hướng tháo gỡ thông tư 15 về QCVN 20:2019/BKHCN.

Trong buổi “đối thoại” được đánh giá là cởi mở, các doanh nghiệp inox đã thẳng thắn nêu thực trạng TDC trong quá trình soạn thảo thông tư đã không có có văn bản xin ý kiến góp ý của nhiều doanh nghiệp inox dẫn đến tình trạng khi thông tư có hiệu lực thì nhiều doanh nghiệp... ngỡ ngàng.

Đại diện Ban soạn thảo Thông tư 15, các vụ liên quan thừa nhận thiếu sót này với lý do không có đầu mối để chuyển thông tin. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng giải đáp một số khúc mắc liên quan đến việc nhập khẩu; đăng ký thông tin trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia;...

Vấn đề nổi cộm nhất của cuộc “đối thoại” được các doanh nghiệp chỉ ra đó là trong bảng Danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 20:2019/BKHCN, đã liệt kê mã HS của hầu hết các mặt hàng thép không gỉ (tấm, cuộn, dây, cây đặc thép không gỉ) nhưng không có mã HS của chủng loại thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông, hộp chữ nhật – trong khi những chủng loại này lại đang được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường và cũng là sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại các nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.

Như vậy là khi Thông tư 15 có hiệu lực, khi tất cả các loại thép không gỉ tại Việt Nam đều phải áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN thì riêng chủng loại ống, hộp thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở sẽ vẫn được lưu thông trên thị trường. Đây sẽ là cơ hội vàng cho các nhà sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Trung Quốc đưa hàng vào thị trường Việt Nam và toàn bộ các nhà máy sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Việt Nam sẽ phải đóng cửa vì không nhập được nguyên liệu.

Các doanh nghiệp inox cũng chỉ ra rằng, khi áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN thì không chỉ các nhà sản xuất ra nguyên liệu như ống, hộp, tấm, cuộn, dây, cây thép không gỉ mới chịu ảnh hưởng, mà toàn bộ các nhà sản xuất hàng thành phẩm cũng phải bó tay chịu trận vì toàn bộ hàng tiêu dùng Trung Quốc vốn không nằm trong danh mục mã HS phải áp dụng dụng QCVN 20:2019/BKHCN sẽ phủ kín thị trường. Lúc đó, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng thép không gỉ sẽ buộc phải đóng cửa và hậu quả chắc chắn là hàng triệu người Việt Nam sẽ thất nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp cũng khẳng định, việc Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” là cần thiết nhưng phải đảm bảo yếu tố công bằng và bao quát hết tránh việc doanh nghiệp trong nước thì bị “siết” nguồn nguyên liệu còn hàng nhập khẩu vào Việt Nam lại chưa có quy chuẩn.

Tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định sẽ nghiên cứu, xem xét một cách kỹ càng. Nếu vướng mắc là đúng thì sẽ nghiên cứu tháo gỡ nhanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Trao đổi thêm với Dân trí vào ngày 2/7, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định đang giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu và sớm có kết quả để phản hồi cho doanh nghiệp.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Tiêu chuẩn cơ sở nhà sản xuất còn “chất lượng” hơn cả tiêu chuẩn quốc gia?

Tại cuộc đối thoại vừa qua, các doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng thực tế: tiêu chuẩn cơ sở của các nhà cung cấp như WUHAN, TsingSan  cho các chủng loại hàng hóa đang được cung cấp vào thị trường Việt Nam như hàng thép không gỉ dạng cuộn: áp dụng tiêu chuẩn J1, J2, J3, WHJ4...; hàng thép không gỉ dạng dây: áp dụng tiêu chuẩn 669, CU200... so với TCVN 410; 409; 430 là tương đương, thậm chí còn cao hơn.

Về vấn đề này ông Hoàng Linh cho biết sẽ cho kiểm tra để đánh giá

Nguyễn Hùng