Gia hạn hiệu lực của thông tư để gỡ khó cho doanh nghiệp thép không gỉ?

(Dân trí) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đang kiến nghị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét gia hạn hiệu lực của thông tư 15 trong việc triển khai thực hiện quy chuẩn QCVN 20:2019/BKHCN.

Thông tin này được ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TĐC chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra vào chiều 8/7.

Trước thông tin phản ánh của báo Dân trí về việc thông tư của Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) gây khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp có thể dẫn đến bị phá sản, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay: Vừa rồi một số doanh nghiệp có phản ánh gặp khó khăn trong quá trình triển khai quy chuẩn QCVN 20:2019/BKHCN, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục TĐC đã mời tất cả các doanh nghiệp đến để trao đổi, thảo luận nhằm hiểu rõ hơn về việc thực hiện QCVN 20:2019/BKHCN.

Gia hạn hiệu lực của thông tư để gỡ khó cho doanh nghiệp thép không gỉ? - 1

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TĐC chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ. 

Tại buổi làm việc này có 8 vấn đề được nêu ra liên quan đến QCVN 20:2019/BKHCN. Tổng cục TĐC và ban soạn thảo cùng các đơn vị liên quan đã tham gia giải đáp, 7 vấn đề đã được giải đáp một cách triệt để. Vấn đề duy nhất hiện nay còn vướng đó là kiến nghị cho phép chấp nhận mặt hàng thép theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất tự công bố hoặc do doanh nghiệp tự công bố thay vì hiện nay quy định tối thiểu phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Theo thông lệ chung thì tất cả các quy chuẩn quốc gia của các nước trên thế giới được ban hành phải có hội đồng chuyên gia, các ban kỹ thuật, các bên liên quan đại diện cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, đại diện cho người tiêu dùng, đại diện cho cơ quan quản lý… cùng nhau thảo luận trước khi đưa ra quyết định có tính chất hài hòa và đồng thuận cao.

Còn tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự công bố hay nhà sản xuất tự công bố là do nhà sản xuất, người kinh doanh tự đặt ra quy định như thế nào là quyền của họ. Điều này dẫn đến hiện trạng rất nguy hiểm cho người dân khi sử dụng bởi người dân không thể tự đi kiểm tra được chất lượng thép không gỉ, thành phần hóa như thế nào, cơ lý ra sao... Nếu để cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn cơ sở thì rất dễ có khả năng dẫn đến trường hợp họ không quy định các thành phần hóa học hoặc quy định rất thấp so với thực tế. Gọi là thép không gỉ nhưng chất lượng không tốt gây nguy cơ mất an toàn, nguy cơ gian lận thương mại, nguy cơ “nhái” tên các mác thép được quy định bởi các tiêu chuẩn nổi tiếng…

Gia hạn hiệu lực của thông tư để gỡ khó cho doanh nghiệp thép không gỉ? - 2

Trái với sự lo lắng của ông Hoàng Linh, một số doanh nghiệp thép không gỉ đã cung cấp chỉ số thành phần hóa học chi tiết của sản phẩm theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất. 

“Một số kiến nghị mà chúng tôi tiếp tục nghiên cứu khi đánh giá có điểm hợp lý đó là có các sản phẩm hoặc sử dụng nguyên liệu từ thép không gỉ để làm ra thành phẩm mà chúng ta không kiểm soát chặt thì dẫn đến sản phẩm kém chất lượng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam tới tay người tiêu dùng”, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Linh nói.

“Mặc dù các quy chuẩn này được công bố công khai trên cổng thông tin, gửi ra cả quốc tế theo đúng quy định của Luật, nhưng rất tiếc vào thời gian đó không nhận được phản hồi của một số doanh nghiệp trong nhóm kiến nghị”

Ông Linh cũng chia sẻ lý do kiến nghị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem gia hạn hiệu lực của Thông tư 15 đó là qua các phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt trong thời gian qua dịch bệnh Covid đã làm ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Việc gia hạn nhằm mục đích hướng dẫn các doanh nghiệp có cách thức thực hiện tốt hơn cũng như việc các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm thép từ các thị trường khác thì hoàn toàn có thể yêu cầu các nhà máy thép tối thiểu phải nâng cao chất lượng sản phẩm thép bằng tiêu chuẩn quốc gia của chính nước họ, hoặc bằng tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn quốc gia của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Trao đổi với Dân trí, đại diện các doanh nghiệp thép không gỉ cho biết đã gửi đầy đủ thông tin cho Tổng cục TĐC sản lượng nhập khẩu thép không gỉ theo tiêu chuẩn J1; J2; J3; J4 vào Việt Nam năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020; Hợp đồng xuất khẩu, tờ khai Hải quan của hàng J1; J2; J3; J4 sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu khác. 

Bảng so sánh tiêu chuẩn, thành phần hoá học của thép không gỉ tiêu chuẩn J1; J2; J3; J4 và TCVN: 409; 410; 430.

Đây là các thông số mà Tổng cục TĐC đề nghị các doanh nghiệp thép không gỉ cung cấp trong buổi đối thoại và làm việc ngày 24/6 vừa qua. 

Các doanh nghiệp bày tỏ quan điểm: Các nước Hàn Quốc hay một số nước châu Âu vẫn chấp nhận cả tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất thì việc Việt Nam "loại" ra khỏi danh mục QCVN 20:2019/BKHCN liệu có hợp lý. 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của sự việc này. 

Nguyễn Hùng