1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Vụ Formosa: Nguy cơ tái ô nhiễm gây ảnh hưởng đến phục hồi hệ sinh thái biển

(Dân trí) - Trao đổi với <i>Dân trí</i> xung quanh vấn đề Formosa thừa nhận gây ô nhiễm môi trường dẫn đến việc cá chết hàng hoạt ở miền Trung, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa (ĐHKHTN-ĐHQGHN) bày tỏ: “Vấn đề quan trọng nhất ở đây đó là nguy cơ tái ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến việc phục hồi hệ sinh thái biển”

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết: Sự kiện cá chết ở miền Trung đã được các nhà khoa học giải thích và đưa ra bằng chứng cụ thể. Ở đây cần nói rõ hơn về quá trình gây cá chết hàng loạt xuất phát từ việc thải phenol, xyanua, sắt hóa trị 2 (còn gọi là khí yêu), … Tất cả các chất này đều dễ dàng hòa tan ở trong nước, khi sắt hóa trị 2 ra môi trường nước biển thì do có oxy hòa tan nên bị oxy hóa lên sắt hóa trị 3. Lúc này sắt hóa trị 3 bị thủy phân nên tạo thành kết tủa đó chính là hydroxit sắt.

PGS.TS Trần Hồng Côn
PGS.TS Trần Hồng Côn

Hydoxit sắt có khả năng hấp thu các chất độc như xyanua, phenol, … Khi hấp thụ nó lại được mang đi theo dòng nước và sa lắng xuống đáy biển.

PGS có thể cho biết, thời điểm cá chết nhanh và hàng loạt sẽ diễn ra vào lúc nào?

PGS. TS Trần Hồng Côn: Thời điểm cá chết nhiều là lúc sắt hóa trị 2 lấy mất oxy hòa tan trong nước biển để thành sắt hóa trị 3. Khi nước có hóa trị sắt 2 đi đến đâu thì toàn bộ vùng đó coi như là hết oxy và lúc này cá bị chết ngạt, những con mà chưa chết (vùng vẫy ra khỏi vùng đó để đi ra ngoài) thì lại gặp phải xyanua là chất kịch độc, phenol là chất kích ứng rất mạnh và làm cho nó phải vùng vẫy mạnh hơn nên càng thiếu oxy dẫn đến bị chết. Hai tác động này diễn ra đồng thời nên cá mới chết nhanh như vậy.


Sắt hóa trị 2 đã lấy mất oxy hòa tan trong nước biển cộng với việc kéo thêm các chất kịch độc là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở biển miền Trung

Sắt hóa trị 2 đã lấy mất oxy hòa tan trong nước biển cộng với việc kéo thêm các chất kịch độc là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở biển miền Trung

Đối với bùn sắt (hydroxit sắt hấp thụ các chất độc) thì nó là huyền phù nên được mang đi rất là xa và lắng xuống đáy biển, do nó hấp thụ chất độc nên các loại động vật biển ở tầng đáy tiếp tục chết, thậm chí là cả san hô.

Vấn đề lớn nhất ở đây sau sự việc Formosa gây ô nhiễm môi trường sẽ là gì thưa PGS?

PGS. TS Trần Hồng Côn: Vấn đề lớn nhất ở đây đó là sau khi làm hàng loạt sinh vật biển chết thì làm cho cả hệ sinh thái đó bị hủy diệt. Chúng ta giả sử, sau khi bị hủy diệt, sau một thời gian nào đó nó có thể phục hồi lại nhưng chắc chắn không thể được như ban đầu bởi đây là môi trường mới. Những sinh vật nào thích ứng tốt thì nó sẽ phát triển rất là nhanh, những sinh vật nào thích ứng kém thì nó sẽ chậm chứ không được như ban đầu. Khả năng có thể sẽ xuất hiện một loạt các loại sinh vật mới mà nó không phải là sinh vật đặc trưng, nổi trội của vùng biển trước khi nó bị hủy diệt.


Khôi phục hệ sinh thái biển là vấn đề vô cùng lớn sau khi Formosa gây ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa)

Khôi phục hệ sinh thái biển là vấn đề vô cùng lớn sau khi Formosa gây ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa)

Trước mắt các ngư dân ở vùng biển bị ô nhiễm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc hệ sinh thái biển bị hủy diệt đồng nghĩa sinh vật biển sẽ không còn và việc đánh bắt sẽ không còn được duy trì nữa.

Vấn đề được dư luận quan tâm đó là có thể xử lý ô nhiễm ở tầng đáy hay không? Chúng ta phải làm gì để giải quyết vấn đề đó?

PGS. TS Trần Hồng Côn: Đối với việc ô nhiễm tầng đáy thì rất khó xử lý (gần như là không thể) bởi chúng ta không thể đi dọc biển miền Trung để vét bùn sắt được. Bên cạnh đó nó lại phân tán rất là nhanh nên có thể chui vào ngóc ngách, các cụm san hô, …

Chính vì thế những vùng nào bị hủy diệt nhẹ nhàng thôi thì hệ sinh thái có thể để tự tái sinh. Còn đối với những vùng bị hủy diệt nặng hơn thì cần phải có sự tác động của con người để tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển lại. Muốn biết ta phải làm gì, mức độ thiệt hại đến đâu thì cần có một cuộc khảo sát, đánh giá cụ thể.

Đối với một hệ sinh thái biển bị hủy diệt như vừa qua thì thời gian phục hồi có thể kéo dài đến vài chục năm. Việc kéo dài bao lâu thì phải có sự khảo sát, đánh giá ở từng vùng bị ô nhiễm.

Thưa PGS, chất bùn sắt ở tầng đáy liệu có còn nguy cơ lớn ảnh hưởng đến môi trường biển hay không?

PGS. TS Trần Hồng Côn: Chắc chắn là có. Sau sự cố thì vấn đề tái ô nhiễm cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Hydroxit sắt sau khi hấp thụ thì nó sẽ giải hấp, quá trình này diễn ra chậm nên việc tái ô nhiễm sẽ diễn ra từ từ chứ không như lúc Formosa xả thải trực tiếp. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là việc tái ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc phục hồi hệ sinh thái biển

Xin cảm ơn PGS!

Nguyễn Hùng (Thực hiện)