1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vụ Formosa: Đang xác định hàm lượng độc tố còn tồn dư dưới đáy biển

(Dân trí) - TS. Vũ Đức Lợi, Phó chủ tịch Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ Phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung cho biết: Các nhà khoa học đang tiến hành khảo sát 13 mặt cắt từ biển Vũng Áng cho tới tỉnh Thừa Thiên - Huế để xác định hàm lượng độc tố còn tồn dư dưới đáy biển các khu vực này.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) một lần nữa khẳng định, ngay khi xảy ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 04 tỉnh ven biển miền Trung, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau. Thêm vào đó, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc Formosa
Thứ trưởng Phạm Công Tạc trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc Formosa

Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ô-xy, nhất là các loài cá tầng đáy. Tại phiên họp báo Chính phủ chuyên đề diễn ra chiều 30/6/2016, thông tin về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 04 tỉnh miền Trung đã được công bố.

Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng nhận định, các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong suốt thời gian qua. Kết quả và bằng chứng đó thể hiện nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học trong nước, đồng thời là minh chứng về trình độ, năng lực của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp như diễn biến của sự cố này.

Đang xác định hàm lượng độc tố còn tồn dư dưới đáy biển
Đang xác định hàm lượng độc tố còn tồn dư dưới đáy biển

Trong buổi họp báo này, một trong những vấn được các báo chí đặc biệt quan tâm đó chính là việc khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường sẽ được thực hiện như thế nào?

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tác cho biết: Chức năng quản lý vấn đề này là của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học chỉ hỗ trợ cho Bộ TNMT, Cơ quan điều tra, … trong việc thu thập và tìm kiếm chứng cứ.

Chia sẻ thêm, TS Vũ Văn Lợi - cho hay, Hội đồng khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung cũng đã được thành lập do Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân là chủ tịch hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng là Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Bộ KH&CN cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ cũng là thành viên của hội đồng này và sẽ hoàn thành các công việc liên quan tới phần khoa học công nghệ trong công tác khôi phục môi trường biển miền Trung được giao.

TS. Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - Phó chủ tịch Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ Phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung
TS. Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - Phó chủ tịch Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ Phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung

Cũng theo TS Lợi, Hội đồng KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì cũng đang tiến hành khảo sát 13 mặt cắt từ biển Vũng Áng cho tới tỉnh Thừa Thiên - Huế để xác định hàm lượng độc tố còn tồn dư dưới đáy biển các khu vực này. Công việc lặn biển lấy các mẫu đang được tiến hành 15 ngày nay với nhiều kỹ thuật khác nhau. Các dữ liệu cũng đang được tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm. Khi nào có kết quả, Hội đồng khoa học sẽ công bố kết quả.

Sở dĩ cần phải tiến hành khảo sát các mặt cắt là do khi hình thành dạng phức sắt keo có chứa độc tố thì nó có quá trình hấp thụ và giải hấp thụ. Chúng ta phải xác định hàm lượng độc tố đã hấp phụ bao nhiêu, phân hủy tự nhiên bao nhiêu, chuyển hóa thành chất gì và còn lại bao nhiêu, … Chẳng hạn, cần có các dữ liệu khoa học cụ thể xem Phenol và Xyanua trong nước biển còn lại bao nhiêu, phân hủy bao nhiêu … Phải có tất cả dữ liệu này thì mới có thể đánh giá một cách đầy đủ được.

TS Lợi cũng cho biết: Công việc này là Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đang làm và cố gắng đến cuối tháng 7 sẽ có kết quả để thông tin đến với người dân.

Nguyễn Hùng