Ai chịu trách nhiệm trong việc thẩm định công nghệ Formosa?
(Dân trí) - Trong buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều phóng viên đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong việc thẩm định công nghệ của Formosa. Vậy Bộ khoa học và Công nghệ đã nói gì về vấn đề này?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, công đoạn luyện cốc trong tổ hợp sản xuất của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nơi phát thải các chất độc gây thảm họa hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Do đó, công nghệ luyện cốc của tổ hợp này cần được thay đổi. Trước thông tin này, báo chí đã có cuộc “chất vấn” Bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi họp báo thường kỳ quý II.
Nhiều phóng viên cho rằng, việc thẩm định công nghệ là nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vừa qua của Formosa khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Việc thẩm định này được thực hiện như thế nào?
Đi vào thẳng vấn đề, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Vụ ĐTG) cho biết: Theo quy định Luật đầu tư 2005, Bộ Kế hoạch Đầu tư không cấp giấy chứng nhận đầu tư mà Ủy ban Nhân dân các tỉnh trực thuộc trung ương mà sau này là Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, kinh tế sẽ cấp. Đối với dự án thuộc thẩm quyền xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư phải hỏi ý kiến các Bộ ngành có liên quan. Việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Formosa (xin cấp phép vào năm 2008 nên thực hiện theo Luật đầu tư 2005 -PV) được tỉnh Hà Tĩnh gửi cho các bộ, ngành trong đó có Bộ KH&CN và chỉ là báo cáo đầu tư, theo thuật ngữ của Luật đầu tư năm 2005, đó là dự án nghiên cứu tiền khả thi. Ở giai đoạn này tất cả mọi thứ còn sơ bộ, chưa có nội dung cụ thể, ngay cả vấn đề về công nghệ.
Khi nhận được báo cáo đầu tư của Hà Tĩnh, trong đó có nói đến việc sử dụng công nghệ lò cao thì Bộ KH&CN đã phản hồi: Công nghệ này được sử dụng phổ biến ở các nhà máy luyện thép trên thế giới. Đây không phải là công nghệ mới.
Giải thích thêm về việc đồng ý với báo cáo đầu tư của Hà Tĩnh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay: Sở dĩ Bộ KH&CN đồng ý là bởi công nghệ của dự án không bị cấm, còn dự án có gây ô nhiễm môi trường hay không thì đến giai đoạn tiếp theo cũng chưa rõ. Cần phải thẩm định dự án đầu tư mới biết đầu vào như nào, đầu ra như nào, kiểm soát môi trường khí thải ra sao, chất thải rắn như nào, tiếng ồn và bụi ra sao…
Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Cần phải thẩm định dự án đầu tư mới biết đầu vào như nào, đầu ra như nào
Tiếp tục trao đổi về vấn đề này, Vụ trưởng Hoài Nam cho biết: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án đến phần thiết kế cơ sở thì Bộ Công thương theo chức năng quản lý chuyên ngành sẽ duyệt thiết kế đó. Theo quy định thì Bộ Công thương chủ trì có thể mời các cơ quan liên quan để tham gia vào việc phê duyệt. Họ có thể mời hoặc không mời và họ là cơ quan chịu trách nhiệm.
Cũng theo Vụ trưởng Nam thì sở dĩ Bộ KH&CN không thể tiếp tục tham gia thẩm định công nghệ của Formosa do những quy định của thời điểm đó. Thậm chí, sắp tới đây, việc Formosa bị yêu cầu phải thay đổi công nghệ vẫn phải chịu sự giám sát của Bộ Công thương chứ không phải Bộ KH&CN.
Điều này có nghĩa là việc đưa công nghệ vào Việt Nam chúng ta không thể kiểm soát được và như vậy đây là một trong những kẽ hở về mặt văn bản. Bộ KH&CN giữ vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, vậy sau sự kiện Formosa thì Bộ sẽ kiến nghị như thế nào?
Giải đáp câu hỏi này, ông Nam cho biết: Với xu thế hiện nay, theo Luật đầu tư mới năm 2015, các dự án đầu tư sẽ được tăng cường về hậu kiểm, giảm bớt các thủ tục tiền kiểm. Các dự án cần phải thẩm định về mặt công nghệ thì theo quy định hiện nay chỉ còn là những dự án đầu tư các công nghệ sản xuất mà thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, còn lại thì cấp đăng ký đầu tư hoặc thông báo đầu tư (nghĩa là nhà đầu tư chỉ cần gửi hồ sơ và sau một thời gian nhất định thì đương nhiên được cấp phép đầu tư) theo quy định hiện hành.
Trong quá trình đóng góp, sửa đổi Luật đầu tư 2015 thì Bộ KH&CN cũng đã đề nghị cần phải tăng cường công tác thẩm định công nghệ trong giai đoạn xem xét nhưng khi Luật được thông qua thì lại chỉ giới hạn như tôi nói ở trên. Như vậy, mình vẫn còn có những bất cập trong việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư bởi khi người ta đã lựa chọn một phương án công nghệ thì sẽ đưa ra các phương án khác nhau để so sánh, lựa chọn ra phương án tối ưu. Từ phương án tối ưu đó, người ta sẽ lựa chọn những thiết bị để xây dựng, lắp đặt nhà máy. Nếu công nghệ đó không phù hợp, việc xây dựng xong nhà máy và đi vào vận hành có vấn đề thì lúc đó việc sửa chữa, thay thế rất là phức tạp.
“Chúng tôi đã kiến nghị nhưng Luật thì đã được Quốc hội thông qua, chúng tôi là cơ quan thực hiện nên bắt buộc phải tuân thủ theo Luật” – Vụ trưởng Nam nói.
Nguyễn Hùng