DMagazine

VinFuture hướng đến thay đổi cuộc sống hàng triệu người nhờ tiến bộ KHCN

(Dân trí) - Giải thưởng VinFuture mang theo hy vọng định vị "dải đất chữ S" thành điểm đến mới trên bản đồ KHCN toàn cầu, từ đó góp phần tạo bệ đỡ cho nền KHCN trong nước hội nhập với thế giới.

VINFUTURE HƯỚNG ĐẾN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG HÀNG TRIỆU NGƯỜI BẰNG TIẾN BỘ KHCN

(Dân trí) - Giải thưởng VinFuture mang theo hy vọng định vị "dải đất chữ S" thành điểm đến mới trên bản đồ KHCN toàn cầu, từ đó góp phần tạo bệ đỡ cho nền KHCN trong nước hội nhập với thế giới.

Sáng nay 18/1 tại Hà Nội, đã diễn ra buổi Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo của giải thưởng VinFuture. Mặc dù mới là năm đầu tiên tổ chức, xong VinFuture cho thấy tầm cỡ của một trong những giải thưởng về khoa học - công nghệ (KHCN) thường niên hàng đầu tại Việt Nam và có giá trị lớn trên thế giới. Giải thưởng được trao bởi Quỹ VinFuture, do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập. 

Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ KHCN toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền KHCN trong nước hội nhập với thế giới.

VinFuture hướng đến thay đổi cuộc sống hàng triệu người nhờ tiến bộ KHCN - 1

Giải thưởng được định hình để vươn tới tầm cỡ quốc tế

Theo TS. Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, trong năm hoạt động đầu tiên, giải thưởng VinFuture đã kết nối được 1.200 ứng cử viên từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời nhận được 599 đề cử từ hơn 60 quốc gia và 6 châu lục. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nhiều người trong số đó đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Giải Tang, Giải Japan Prize… 

Đây là một con số ấn tượng, đặc biệt là đối với một giải thưởng mới chỉ bước vào năm đầu tiên, và cho thấy giá trị của giải thưởng đã được thiết lập ngay từ khi mới chỉ là nền móng. Theo chia sẻ của ban tổ chức, tầm nhìn và sứ mệnh của giải thưởng là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. 

Thông điệp này sẽ được truyền tải và thấm nhuần trong những hoạt động cốt lõi của Giải thưởng thông qua các phát minh KHCN đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.

VinFuture hướng đến thay đổi cuộc sống hàng triệu người nhờ tiến bộ KHCN - 2

TS. Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup phát biểu tại buổi giao lưu (Ảnh: Hữu Nghị)

Chia sẻ tại buổi giao lưu, GS. Richard Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết số lượng đề cử năm nay thực sự đã tỷ lệ thuận với chất lượng - mà theo ông là "quá tuyệt vời". Theo đó, sự kết nối giữa các phát kiến khoa học và quá trình triển khai phát kiến đó thực sự đã vượt xa so với các tiêu chí mà Hội đồng đưa ra từ trước cho loạt đề cử.

GS. Nguyễn Thục Quyên - Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng thì đánh giá cao việc VinFuture có nhóm giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học nữ. Theo bà, sứ mệnh giải thưởng đã chạm đến trái tim nhiều người, biểu hiện thông qua việc đã thu hút rất nhiều các nhà khoa học nữ tại khắp các châu lục trên thế giới.

Về nội dung của giải thưởng, GS. Albert Paul Pisano - Thành viên Hội đồng Giải thưởng nhìn nhận rằng VinFuture và Tập đoàn Vingroup đã lựa chọn chủ đề quá tốt. Theo ông, các chủ đề này đã có sức thu hút đặc biệt, và thu hút các ứng viên đến từ các khu vực xa hơn so với Việt Nam. Được biết, các hạng mục của VinFuture không chỉ dừng lại ở Khoa học, mà đã xuyên suốt trong nhiều lĩnh vực từ Khoa học đến con người. Theo ông Pisano, đó là thông điệp to lớn với các nhà làm khoa học, rằng "bạn không bao giờ được quên mục đích chính và cuối cùng". "Đó là cách tiếp cận nhân văn", ông đánh giá.

Còn theo GS Đặng Văn Chí, cũng là Thành viên Hội đồng Giải thưởng, ông cảm thấy tự hào về đất nước và con người Việt Nam sau 50 năm quay trở lại nơi "chôn rau cắt rốn". Ông khẳng định "người Việt đang mạnh mẽ tiên phong để tạo ra giải thưởng độc đáo không chỉ khoa học, mà còn tạo sự khác biệt cho hàng triệu người trên thế giới. 

VinFuture hướng đến thay đổi cuộc sống hàng triệu người nhờ tiến bộ KHCN - 3

Toàn cảnh hội thảo trong sáng nay (Ảnh: Hữu Nghị).

Nhà khoa học Việt chèo lái thế nào trước khi ra được "biển lớn"? 

Theo kết quả xếp hạng của tạp chí PLoS Biology (Mỹ) tháng 10/2021, Việt Nam có 5 nhà khoa học lọt vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới và 28 nhà khoa học khác được xếp trong nhóm 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Đây là những thông tin rất đáng khích lệ. 

Tuy nhiên, có thể thấy rằng nền KHCN tại Việt Nam vẫn chưa tạo ra được chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế, thậm chí ngay cả trong khu vực. Điều này xuất phát từ thực tế rằng quá trình làm nghiên cứu của các nhà khoa học người Việt vẫn bị tác động bởi nhiều yếu tố, khiến dòng chảy "chất xám" chưa thể định hình và tạo nên những nghiên cứu mang tính cách mạng.

Theo PGS. TS Nguyễn Ái Việt - Nguyên Viện trưởng Viện CNTT ĐHQGHN, các nhà khoa học tại Việt Nam vẫn phải lo lắng quá nhiều vì bận kiếm sống. Trong khi các nhà khoa học tại các nước quốc tế được hỗ trợ tốt hơn để tập trung cho nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Việt cũng ít có thói quen hợp tác, mà đa số chỉ làm việc một mình. 

Một điểm yếu khác của các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đó là chỉ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong một thời gian ngắn, thường là từ 3 - 5 năm. Sau đó, nếu như dự án "sống sót" thì có thể tiếp tục duy trì. Nhưng thực tế là hầu hết các dự án khoa học cần nhiều thời gian hơn thế để phát triển, dẫn tới việc các nhà khoa học phải "nhảy" từ dự án này sang dự án khác để theo đuổi niềm đam mê.

VinFuture hướng đến thay đổi cuộc sống hàng triệu người nhờ tiến bộ KHCN - 4

Hợp tác là tiền đề của thành công trong nghiên cứu khoa học. Bạn sẽ rất khó để làm nếu như chỉ đi một mình, GS. Richard Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture (Ảnh: Hữu Nghị).

Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Ái Việt, GS. Richard Friend khẳng định việc có được định hướng dài hạn và kiên quyết, cũng như đẩy mạnh hợp tác là những yếu tố thiết yếu trong hành trình khoa học của bất kỳ ai, tại bất kỳ quốc gia nào. "Hợp tác là tiền đề của thành công trong nghiên cứu khoa học. Bạn sẽ rất khó để làm nếu như chỉ đi một mình", GS. Friend nhấn mạnh.

Xét riêng tại Việt Nam, TS. Friend thấy rằng điều lớn nhất đó là vẫn chưa có cộng đồng các nhà khoa học trẻ. "Chắc chắn sẽ cần những diễn đàn trao đổi chung để khám phá, nghiên cứu cùng với nhau, vì khoa học đòi hỏi sự hợp tác, chung tay", ông cho biết.  

Theo ông, người Việt cần sớm tạo ra văn hóa "can do" (Tạm dịch: Tôi có thể) không chỉ trong lĩnh vực khoa học, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa. GS. Friend chia sẻ rằng ngay tại các trường Cao đẳng ở các nước phát triển, để phát triển được một số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, họ đã biết rằng cần phải xây dựng các cấu phần nền tảng là lực lượng nhân tài trẻ được truyền cảm hứng, và trao quyền cho họ để tìm tòi sáng tạo không ngừng. 

Còn theo GS. Nguyễn Thục Quyên, điều tuyệt vời nhất của khoa học đó là tự do theo đuổi tất cả những gì mà chúng ta muốn, nhưng điều quan trọng là phải dũng cảm theo đuổi, dám dấn thân vào những vùng mới, và theo đến cùng ý tưởng của mình. 

VinFuture hướng đến thay đổi cuộc sống hàng triệu người nhờ tiến bộ KHCN - 5

GS. Nguyễn Thục Quyên - Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture cho rằng các bạn trẻ hãy cứ theo đuổi niềm đam mê, hãy vươn ra ngoài tìm những cơ hội của mình (Ảnh: Hữu Nghị).

"Lời khuyên của tôi dành cho các nhà khoa học trẻ, đó là hãy cứ theo đuổi niềm đam mê, hãy vươn ra ngoài tìm những cơ hội của mình. Hãy thử một lần, hai lần… chỉ vì bạn có thể. Tôi từng không nghĩ rằng mình sẽ làm khoa học, nhưng tôi đã thử và thấy thích", GS. Quyên nói. 

"Bên cạnh đó, hãy chủ động mở rộng hợp tác. Bạn biết không, chúng tôi đã từng nhận được rất nhiều hợp tác và mở lời từ các quốc gia nghèo đói, kém phát triển. Thế nhưng nếu họ không đến với chúng tôi, chúng tôi cũng không biết được rằng họ cần sự hợp tác. Như vậy, nếu như chúng ta không tìm đến một cánh cửa nào đó, thì sẽ không có ai đến gõ cửa, và mang hợp tác đến cho bạn. Sẽ không ai ngăn cản chúng ta vươn tới giấc mơ, chỉ có chúng ta tự ngăn cản chính mình mà thôi".

Hợp tác khoa học cũng chính là ý nghĩa và mục tiêu của giải thưởng VinFuture, khi theo cách nhìn nhận của ban tổ chức, là "những khối óc lớn cần phải đoàn kết để giải quyết các vấn đề toàn cầu". Đây chính là lý do vì sao VinFuture đã mở rộng thành một giải thưởng quốc tế, thay vì chỉ tập trung trên lãnh thổ Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam.

Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture mang theo hy vọng sẽ định vị "dải đất chữ S" thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, từ đó góp phần tạo bệ đỡ cho nền KHCN trong nước hội nhập với thế giới.