(Dân trí) - Chiều 17/1, TS. Katalin Kariko - người đứng sau công nghệ mRNA đã tới Việt Nam và có những chia sẻ đầy cảm xúc về chặng đường làm khoa học của mình.
NGƯỜI HÙNG CỦA VACCINE COVID-19 TỚI VIỆT NAM, TRẢI LÒNG ĐIỀU HIẾM AI BIẾT
(Dân trí) - Chiều 17/1, TS. Katalin Kariko - người đứng sau công nghệ mRNA đã tới Việt Nam và có những chia sẻ đầy cảm xúc về chặng đường làm khoa học của mình.
Là khách mời tham dự lễ trao Giải thưởng Khoa học - Công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture, TS. Katalin Kariko từ Công ty Công nghệ sinh học BioNTech SE (Đức) đã chính thức đến Việt Nam chiều 17/1 để tham dự một buổi gặp gỡ báo chí, truyền thông trong nước. Tại buổi gặp mặt, đánh giá cao giải thưởng khoa học được ví là "sánh tầm giải Nobel" của người Việt Nam, bà cho rằng các đề cử của giải thưởng đều rất tốt, với nhiều các công trình thực sự xuất sắc.
Đây cũng là lần hiếm hoi mà dải đất hình chữ S đón chào một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, được truyền thông tung hô là "người hùng" do đã góp công lớn trong việc nghiên cứu ra vaccine mRNA, từ đó đẩy lùi hai đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 trong các năm 2020, 2021.
Thế nhưng trước ống kính máy quay, người phụ nữ 67 tuổi không giấu được sự xúc động, thậm chí còn phải mất một hồi lâu để lấy lại sự bình tĩnh. Trước rất nhiều các câu hỏi của phóng viên, TS. Katalin Kariko chỉ khiêm tốn tự nhận rằng mình chỉ là một người làm khoa học với mục đích "giải bài toán thực tiễn". Trong khi đó theo bà, tất cả những đồng nghiệp, những bác sĩ ở tuyến đầu đang liều mình dấn thân vào nơi nguy hiểm để chống lại đại dịch Covid-19 mới là "người hùng thực sự".
"Tôi chủ yếu làm việc ở phòng lab, chưa bao giờ đánh liều với cuộc sống của mình, nên tôi nghĩ tôi chẳng là người hùng gì đâu", bà Kariko vừa cười vừa nói. "Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm vaccine để trở thành người hùng. Vì ban đầu tôi muốn nghiên cứu về vật lý trị liệu cơ. Thế nhưng rốt cuộc thì tôi đã nghiên cứu cho vaccine để những người khác trở thành người hùng".
Từ nữ khoa học vô danh tới "người hùng" của nhân loại
Trải lòng về thời thơ ấu, cũng như khi bắt đầu chặng đường nghiên cứu khoa học, TS. Katalin Kariko khẳng định mình không hề tài giỏi hơn người, và cũng không có xuất phát điểm thuận lợi. Những gì mà bà có, chỉ có niềm tin, nghị lực và sự hỗ trợ của gia đình để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trên con đường chông gai.
Sinh năm 1955, Katalin Kariko là con gái của một người bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía Đông. Bà mơ ước trở thành một nhà khoa học dù chưa từng gặp nhà khoa học nào. "Tôi lớn lên ở một căn nhà nhỏ, chỉ có một căn phòng chật hẹp, không hề có TV, tủ lạnh, và thậm chí không có hệ thống nước sạch", bà kể lại.
Một điều may mắn là Kariko đã được chắp cánh cho niềm đam mê khi còn theo học tại các trường địa phương. Bà cho biết cho tới nay, vẫn luôn ca ngợi các giáo viên ở trường trung học Móricz Zsigmond của mình - những người đã khắc sâu trong bà tình yêu toán học và khoa học.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Kariko quyết tâm đăng ký vào Đại học Szeged. Thế nhưng ở độ tuổi 20, khi bà chuyển tới Mỹ nhưng không thể tìm được một công việc ổn định suốt hàng chục năm. Rốt cuộc, bà tiếp tục theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ Thạc sĩ vào năm 1978.
Trong toàn bộ sự nghiệp, TS. Kariko tập trung vào đề tài nghiên cứu ARN thông tin (mARN), vật liệu di truyền mang chỉ thị AND cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Bà tin chắc mARN có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, bao gồm vaccine. Nhưng trong nhiều năm liền, sự nghiệp của bà rất bấp bênh. Kariko chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả hơn 60.000 USD/năm.
Bà Kariko đã trải qua những năm 1990 liên tục nhận những lời từ chối. Việc bà cố gắng khai thác thế mạnh của mRNA để chống lại bệnh tật là quá xa vời, bà không nhận được các khoản tài trợ của chính phủ, tài trợ của công ty và thậm chí là sự hỗ trợ từ cả các đồng nghiệp. Tất cả đều chỉ là những lý thuyết trên giấy.
"Mỗi đêm tôi đều làm việc cấp, cấp, và cấp. Kết quả nhận được lại luôn là không, không, và không", bà Kariko nhớ lại khi đề cập đến nỗ lực của mình để tìm sự hỗ trợ. "Tôi đã nghĩ đến việc đi đâu đó khác hoặc làm điều gì đó khác. Tôi cũng từng nghĩ có lẽ mình không đủ giỏi, không đủ thông minh. Tôi đã cố gắng tưởng tượng là mọi thứ đều đã sẵn sàng, và tôi chỉ việc thực hiện thí nghiệm để có kết quả tốt hơn mà thôi".
Thế rồi một lần tại Đại học Pennsylvania, bà may mắn gặp được TS. Drew Weissman - người có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc tìm kiếm vaccine cho bệnh nhân AIDS. Khi Kariko chia sẻ về nghiên cứu tạo ra mRNA của bà, Weissman đã nhận ra những tiềm năng độc đáo của công nghệ này. Từ đây, hai nhà nghiên cứu đã có thời gian dài cộng tác cùng nhau.
Rốt cuộc, nghiên cứu mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA đã dần hình thành, giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA ngoại lai và phản ứng như thể đó là một cuộc tấn công của virus thực sự. Nghiên cứu năm 2004-2005 của Kariko và các cộng sự đảm bảo rằng RNA đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc các tác dụng phụ.
TS. Katalin Kariko giờ đây là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech. Nhà khoa học đặt nền móng cho công nghệ mRNA vốn khó khăn một thời giờ đã trở thành người nổi tiếng, người truyền cảm hứng khi công nghệ mới này đang tiếp tục được nghiên cứu ứng dụng trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19, và nhiều tiềm năng khác trong tương lai.
Đối với người phụ nữ vốn "ở phòng lab nhiều hơn ở nhà", việc trở nên nổi tiếng đã khiến bà choáng ngợp. "Ồ, nó thật sự đã thay đổi rất nhiều. Bạn thấy đó, tôi chưa từng là trung tâm của sân khấu trước đây. Tôi chọn làm một nhà nghiên cứu vì tôi muốn được cống hiến một cách thầm lặng trong các phòng lab", bà Kariko chia sẻ.
Qua cuộc đối thoại mở với phóng viên Dân trí, TS. Katalin Kariko hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng thêm cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ để có cái nhìn khác về những người làm khoa học, và rồi sẽ có nhiều thêm lớp trẻ theo đuổi ngành khoa học, bởi vì theo bà, "làm khoa học thật là tuyệt vời".
"Như bạn thấy, bản thân tôi không có kỹ năng gì đặc biệt cả: Tôi không phải là học sinh xuất sắc nhất trường, tôi cũng không nhớ hết được những gì giáo viên dạy trên lớp. Tôi chỉ là không ngừng cố gắng học, để cho thấy rằng nếu bạn dồn toàn bộ tâm trí của mình vào một thứ gì đó, ắt hẳn là bạn sẽ làm được".
Là "người hùng" nhờ đặt nền móng cho hai vaccine thành công do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất, bà Kariko không giấu được niềm vui khi góp mặt tại một giải thưởng tầm cỡ quốc gia. Bà hy vọng rằng thông qua giải thưởng, giới trẻ Việt Nam sẽ nhìn nhận thấy những khía cạnh cần thiết và thú vị của khoa học, để từ đó đến với khoa học để có được một "cuộc đời cống hiến", thay vì chỉ là để tồn tại.
"Nếu bạn muốn có thêm các niềm vui của cuộc sống, để cuộc sống ý nghĩa hơn, các bạn nên chọn khoa học. Bởi vì biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ giải quyết được một vấn đề cho ai đó, hay thậm chí là một vấn đề xã hội, của thế giới. Ít nhất thì điều đó thực sự là quan trọng đối với tôi", TS. Kariko cho biết.
Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20/12/2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại - là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập.
Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu đô la Mỹ là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu; 03 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Ngoài ra, Quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEM.