(Dân trí) - Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất diễn ra từ 18 - 21/1 tại Hà Nội. Sự kiện quy tụ các nhà khoa học kiệt xuất thế giới để cùng chung tay thúc đẩy sứ mệnh phụng sự nhân loại thiết thực, hiệu quả.
Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.
Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.
Hệ thống giải thưởng VinFuture gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) là một trong các giải thưởng thường niên lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.
Ngoài ra, Vinfuture còn có 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải (khoảng 11,5 tỷ đồng) gồm: Giải thưởng cho nhà khoa học nữ; Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển; Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Đáng chú ý, ngay trong năm đầu tiên, VinFuture đã tiếp nhận tới gần 600 dự án đến từ hơn 60 quốc gia và 6 châu lục. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nhiều người trong số đó đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Giải Tang, Giải Japan Prize…
Các dự án đã trải qua nhiều vòng xét duyệt bởi 12 thành viên của Hội đồng Sơ khảo và sau đó là 11 thành viên của Hội đồng Giải thưởng.
Một trong các thành viên của Hội đồng giải thưởng VinFuture, giáo sư Gérard Albert Mourou, là chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018. Ông và nhà khoa học nữ Donna Strickland cùng nhận 1/2 giải thưởng cho phương pháp tạo ra những xung quang học cực ngắn cường độ cao. 1/2 giải thưởng còn lại được trao cho nhà vật lý Arthur Ashkin với phát minh nhíp quang học.
Nói về lý do nhận lời đến Việt Nam và trở thành một thành viên của Hội đồng giải thưởng VinFuture, GS. Mourou cho rằng Tập đoàn Vingroup có lẽ đang hướng tới mong muốn xây dựng một giải thưởng có tầm cỡ như giải Nobel tại Việt Nam, nên khi được liên hệ, ông đã đồng ý tham gia.
Ông cũng cho rằng thực sự rất khó so sánh VinFuture với Giải thưởng Nobel như một số người có đề cập. "Như chúng ta đã biết, giải Nobel đã tồn tại trên 120 năm. Trong khi đây mới là năm đầu tiên có giải thưởng VinFuture", GS. Mourou nhận xét. Tuy nhiên theo ông, cả hai giải thưởng đều giống nhau là chúng đều khuyến khích lòng đam mê khoa học, mà cùng với đó là sự phát triển của KHCN tại mỗi quốc gia mà giải thưởng vươn tới.
Nói về tiêu chí của giải thưởng năm nay, GS. Mourou nhắc đến 3 điểm. Đầu tiên, đó là bài dự thi phải thực sự xuất sắc, chứa hàm lượng khoa học cao, đồng thời mang tính sáng tạo. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng phải chứng minh được tác động với cộng đồng và xã hội.
Với sự hội tụ của những tiêu chí đó, GS. Mourou hy vọng rằng giải thưởng sẽ góp phần thu hút được sự quan tâm của giới khoa học, cũng như đối với thế hệ trẻ, các bạn sinh viên để từ đó khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu nhiều hơn.
"Tôi chỉ có một lời khuyên cho những sinh viên thực sự muốn dấn thân vào khoa học và làm nghiên cứu: Bạn phải đam mê. Nếu không, bạn nên làm thứ gì đó khác. Điều này phải xuất phát từ trái tim vì sẽ cực kỳ khó khăn. Tôi cần nói thêm rằng không chỉ bạn mà gia đình cũng sẽ cảm thấy khó khăn vì bạn cứ luôn nghĩ tới nghiên cứu của mình, do bạn quá đam mê", ông nói.
Là khách mời tham dự lễ trao giải VinFuture, TS. Katalin Kariko đến từ Công ty Công nghệ sinh học BioNTech SE (Đức) cũng đánh giá cao giải thưởng VinFuture. Bà cho rằng các đề cử của giải thưởng đều rất tốt, với nhiều các công trình thực sự xuất sắc.
Bà cũng hy vọng rằng sự góp mặt của mình sẽ truyền cảm hứng thêm cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ để họ có cái nhìn khác về những người làm khoa học, và rồi sẽ có nhiều thêm lớp trẻ theo đuổi ngành khoa học trong tương lai.
"Nếu bạn muốn có thêm các niềm vui của cuộc sống, để cuộc sống ý nghĩa hơn, các bạn nên chọn khoa học. Bởi vì biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ giải quyết được một vấn đề cho ai đó, hay thậm chí là một vấn đề xã hội, của thế giới. Ít nhất thì điều đó là quan trọng đối với tôi", TS. Kariko cho biết.
Là "người hùng" nhờ đặt nền móng cho hai vaccine thành công do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất, bà Kariko không giấu được niềm vui khi góp mặt tại một giải thưởng tầm cỡ quốc gia. Bà hy vọng rằng thông qua giải thưởng, giới trẻ Việt Nam sẽ nhìn nhận thấy những khía cạnh cần thiết và thú vị của khoa học, để từ đó đến với khoa học để có được một cuộc đời cống hiến, thay vì chỉ là tồn tại.
Tuần lễ Khoa học VinFuture là sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân từ 6 châu lục.
Đặc biệt, lần đầu tiên, các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới sẽ hội tụ tại Việt Nam để tham gia 4 hoạt động chính của Tuần lễ Khoa học VinFuture gồm: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo; Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống"; Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất và Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture.