(Dân trí) - San hô là một hệ sinh thái cực kỳ quan trọng. Đó chính là ngôi nhà chung cho tất cả sinh vật khác trong lòng đại dương, đóng vai trò che chở cho nhiều loài cá, thân mềm, tảo...
Thời gian gần đây, khi du lịch mở cửa, nhiều du khách trong và ngoài nước trở lại Nha Trang đi các tour lặn biển, ngắm san hô tỏ ra tiếc nuối vì chứng kiến rạn san hô ở Hòn Mun - vịnh Nha Trang đã bị tẩy trắng, chết hàng loạt.
Theo các chuyên gia về hải dương học và địa chất học, san hô chết hàng loạt là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới vùng nước và sinh vật sống trong khu vực. Trong khi đó, để có một rạn san hô "sống khỏe" phải mất hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. Nếu khu vực nào đó bị "tẩy trắng" thì có thể mãi mãi không hồi phục. Trong khi đó, giá trị mà san hô mang lại là không thể đong đếm.
Nhiều người cho rằng san hô là một loài thực vật, giống như tảo biển. Tuy nhiên trên thực tế, san hô là động vật biển thuộc lớp San hô (Anthozoa), tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ.
Theo số liệu của Viện Hải dương học, san hô ở Việt Nam rất phong phú, với khoảng 400 loài san hô cứng thuộc 79 chi. Chúng thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các cá thể này tiết ra chất canxi cacbonat để tạo bộ xương cứng, xây nên những rạn san hô tại các vùng biển nhiệt đới.
Trả lời Dân trí, GS. Trần Nghi, chuyên gia về địa chất biển, cho biết san hô thường sống bằng cách bám trên những đảo ngầm, đảo đá nằm cách mặt nước khoảng 10 - 20 mét, nơi luôn có ánh sáng mặt trời chiếu xuống.
Việc san hô có thể sống và phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nơi trú ngụ, thức ăn cho rất nhiều loài sinh vật biển. "San hô là một hệ sinh thái cực kỳ quan trọng. Đó chính là ngôi nhà chung cho tất cả sinh vật khác trên biển, đóng vai trò che chở cho nhiều loài cá, thân mềm, tảo... sống trong san hô", GS. Nghi chia sẻ.
Có thể kể đến một thí dụ, đó là mối quan hệ cộng sinh giữa tảo và san hô. Cụ thể, tảo có được nơi trú ẩn từ san hô, trong khi san hô chiếm lấy một phần năng lượng mà tảo khai thác từ ánh nắng mặt trời thông qua quá trình quang hợp. "Nếu như san hô chết, thì tảo cũng sẽ không thể sống", GS. Nghi nhấn mạnh.
Một kết quả gần đây của các nhà khoa học Việt Nam ghi nhận tổng số loài sinh vật biển ở những rạn san hô là khoảng 3.000 loài, trong đó nhóm cá rạn san hô có số loài phong phú nhất (615 loài); tiếp đến là san hô (444 loài); động vật thân mềm (410 loài); rong biển (376 loài); thực vật phù du (310 loài); động vật phù du (187 loài); động vật da gai (116 loài); động vật giáp xác (92 loài); thực vật ngập mặn (61 loài); giun nhiều tơ (43 loài); cỏ biển (11 loài)...
Theo Natural History, các rạn san hô trên toàn cầu có giá trị ước tính khoảng 6 nghìn tỷ bảng Anh, khi trung bình khoảng 500 triệu người trên thế giới vẫn phụ thuộc vào chúng để kiếm thức ăn, việc làm.
San hô cũng đóng vai trò như rào cản, có thể giảm lực càn quét từ sóng biển lên tới 97%, góp phần bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa như xói mòn, sóng thần. Chúng cũng giúp duy trì các khu vực như rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, tạo ra những quần thể ven biển có giá trị khai thác cao đối với con người.
Trong lĩnh vực y tế, san hô từ lâu đã được các bác sĩ phẫu thuật sử dụng phổ biến nhất để thay thế xương trong phẫu thuật nhờ tạo ra một cấu trúc xương có chứa canxi. Nhờ vậy, nó cũng được sử dụng như một chất bổ sung canxi hiệu quả. Ngoài ra, chiết xuất từ động vật và thực vật sống trên các rạn san hô cũng được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị bệnh hen suyễn, viêm khớp, ung thư, bệnh tim...
Vào năm 2020, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) từng cho biết san hô mặc dù phủ chưa đến 1% bề mặt Trái Đất nhưng chúng có vai trò quan trọng đối với con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu san hô biến mất, hậu quả con người gánh chịu sẽ rất khó lường. Một số chuyên gia dự đoán đó có thể là đói, nghèo và bất ổn chính trị.
Điều này không hề hoang đường, bởi nếu như các rạn san hô biến mất, chúng chắc chắn sẽ kéo sập ngành công nghiệp đánh cá đại dương với hàng trăm triệu lao động trên toàn thế giới. Sức khỏe của con người trên khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi thiếu đi nguồn nguyên liệu làm thuốc quan trọng.
Trong lĩnh vực du lịch, các bãi biển, khu sinh thái sẽ mất đi dịch vụ giải trí đem lại nguồn thu khổng lồ từ những rạn san hô, khiến cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn.
Hơn bao giờ hết, hệ sinh thái vùng ven biển tại Việt Nam cần có sự vào cuộc và thay đổi chính sách về bảo tồn, phát huy tài nguyên biển. Đây là điều được đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đồng thuận. Không chỉ vậy, sự thay đổi này cần được thực hiện một cách có khoa học, hợp lý để bảo vệ, tránh mất đi những tài nguyên quý báu của Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung.
Theo PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. Do vậy việc san hô bị chết hàng loạt như hiện nay chắc chắn rất khó phục hồi, mà có được cũng mất rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Còn theo quan điểm của GS. Trần Nghi, nếu như san hô suy giảm do con người gây ra thì có thể khắc phục được, nhưng nếu do thiên nhiên, mà cụ thể là tình trạng biến đổi khí hậu thì rất khó, vì đây là tình trạng chung của toàn cầu.
Báo cáo vào năm 2019 cho biết quần thể san hô còn sống và phát triển ở vùng biển Caribbean nằm ở khu vực Tây Bán cầu thuộc Đại Tây Dương thậm chí đã giảm xuống chỉ còn 8% trên tổng số. Trước đó vào những năm 1970, san hô còn duy trì ở mức 50%. Từ năm 1997 đến nay, rạn san hô Great Barrier cũng đã trải qua 5 lần bị "tẩy trắng" nghiêm trọng trên diện rộng do nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường.
Theo một số nghiên cứu khoa học, con người đã có thể áp dụng các phương pháp tiếp cận thực nghiệm để làm giảm hiện tượng tẩy trắng san hô, như giảm nhiệt độ nước xuống thấp hơn bằng cách sử dụng màu để phủ san hô. Tuy nhiên, nỗ lực này đòi hỏi một lượng lớn chế phẩm và chỉ có thể thực hiện với diện tích nhỏ.
Một cách khác có thể mang lại hiệu quả rõ rệt hơn, đó là gián tiếp cứu lấy những rạn san hô đang "chết trắng" thông qua việc bảo vệ môi trường, giảm tới mức tối thiểu hiện tượng nhà kính và ấm lên toàn cầu. Thực tế cho thấy với tình trạng ô nhiễm môi trường và ấm lên toàn cầu đến mức đáng báo động như hiện nay, rất cần có sự chung tay giúp sức của tất cả mọi người. Các nhà khoa học cũng cho rằng bảo vệ môi trường nên được xem là vấn đề sống còn của nhân loại để giữ gìn và bảo vệ chính tương lai của chúng ta.