Vì sao con người không có đuôi?

Minh Khôi

(Dân trí) - Khoa học đã tìm ra câu trả lời rằng vì sao con người không có đuôi, trong khi tổ tiên tiến hóa của chúng ta trong dòng linh trưởng từng sở hữu bộ phận này.

Vì sao con người không có đuôi? - 1

Một đột biến gen đã tạo ra sự khác biệt giữa con người và đa số các loài động vật có xương sống khác (Ảnh: Getty).

Đuôi là một trong những bộ phận đóng vai trò tách biệt con người khỏi đa số các loài động vật có xương sống, dù chúng có thuộc họ linh trưởng hay không.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 28/2, các nhà khoa học cho biết cơ chế di truyền này kỳ thực là một đột biến gen, có từ tổ tiên vượn người của chúng ta.

Để kiểm tra tác động của đột biến này, các nhà nghiên cứu đã biến đổi gen của chuột trong phòng thí nghiệm để cùng sở hữu các đặc điểm tương tự. Cuối cùng, những con chuột này bị cụt đuôi, hoặc không còn đuôi sau một thời gian phát triển.

"Thật đáng ngạc nhiên khi một sự thay đổi lớn về mặt giải phẫu như vậy lại có thể được gây ra bởi một sự thay đổi di truyền nhỏ tới vậy", Itai Yanai, nhà di truyền học đến từ Đại học New York, cho biết.

Đuôi vốn dĩ là đặc điểm của hầu hết các loài động vật có xương sống trong hơn nửa tỷ năm. Nhiều loài sử dụng đuôi để hỗ trợ chức năng như vận động, làm vũ khí phòng thủ, hay thậm chí là "cầm nắm" các đồ vật.

Tuy nhiên đối với tổ tiên của chúng ta, việc mất đuôi có thể mang lại lợi thế khi tổ tiên chúng ta di chuyển từ trên cây xuống đất.

Bo Xia - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết, việc không có đuôi có thể giúp cơ thể cân bằng tốt hơn cho việc vận động theo hướng thẳng đứng và cuối cùng là đi bằng hai chân.

Theo các nhà nghiên cứu, đột biến dẫn đến mất đuôi xảy ra khoảng 25 triệu năm trước, khi loài vượn đầu tiên tiến hóa từ tổ tiên khỉ.

Loài người của chúng ta - hay còn gọi là Homo sapiens - xuất hiện khoảng 300.000 năm trước, đã tiến hóa với việc hình thành ít đốt sống đuôi hơn, và rồi mất đi phần đuôi bên ngoài.

Mặc dù vậy, dấu tích của chiếc đuôi vẫn còn ở người. Cụ thể là một xương ở đáy cột sống (được gọi là xương cụt) đã luôn hình thành từ những phần còn sót lại của đốt sống đuôi.

Việc mang trong mình đột biến gen này cũng khiến cơ thể chịu một số bất lợi nhất định. Cụ thể, đó là sự gia tăng rất nhỏ các dị tật bẩm sinh, như dị tật ống thần kinh, tủy sống, hay tật nứt đốt sống lưng ở người.