Trung Quốc đặt mục tiêu lên Sao Hỏa năm 2028

Minh Khôi

(Dân trí) - Với việc đẩy sứ mệnh Thiên Vấn-3 lên sớm hơn 2 năm, Trung Quốc đang cho thấy vị thế dẫn đầu trong cuộc đua lấy mẫu trên Hành tinh Đỏ.

Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong cuộc đua tới Sao Hỏa

Trung Quốc đặt mục tiêu lên Sao Hỏa năm 2028 - 1

Trung Quốc đặt mục tiêu lên Sao Hỏa năm 2028, sớm hơn 2 năm so với dự kiến (Ảnh: Getty).

Theo SCMP, Trung Quốc đang trên đường triển khai sứ mệnh Thiên Vấn-3 (Tianwen-3) với đích đến là Sao Hỏa vào năm 2028, sớm hơn hai năm so với kế hoạch trước đó.

Sứ mệnh này bao gồm mục tiêu mang về khoảng 600 gram đất đá từ Sao Hỏa về Trái Đất để phục vụ nghiên cứu khoa học.

Theo giới phân tích, Thiên Vấn-3 là một sứ mệnh tương đối đơn giản, khi chỉ bao gồm 2 lần phóng từ Trái Đất, sử dụng tên lửa Trường Chinh-5 (Long March-5).

Ở lần phóng đầu tiên, tên lửa sẽ mang theo tàu đổ bộ và phương tiện bay. Sau đó ở lần phóng tiếp theo, tàu quỹ đạo và mô-đun chứa mẫu vật sẽ được đưa trở lại Trái Đất.

So với sứ mệnh Sao Hỏa mang tên MSR của NASA, Thiên Vấn-3 tuy không phức tạp bằng, nhưng tỏ ra khá thuận lợi. Ở chiều ngược lại, MSR đang gặp những vấn đề về vượt quá chi phí dự kiến, khiến nó bị chậm trễ và buộc phải đánh giá lại.

"Cho đến nay, chưa có quốc gia nào thực hiện được việc lấy mẫu từ Sao Hỏa", Sun Zezhou, nhà thiết kế chính tàu thăm dò Sao Hỏa trong sứ mệnh Thiên Vấn-1, cho biết.

Liu Jizhong, nhà thiết kế trưởng của sứ mệnh Thiên Vấn-3, thì cho rằng sự thay đổi về thời gian của sứ mệnh đã mang lại niềm tin ngày càng tăng của Trung Quốc về khả năng có được công nghệ phù hợp cho hoạt động phức tạp này.

Liu Jizhong nhấn mạnh quyết định này có thể giúp Trung Quốc dẫn trước Mỹ trong cuộc đua quan trọng tới Hành tinh Đỏ.

Tìm kiếm sự sống, bảo vệ hành tinh

Trung Quốc đặt mục tiêu lên Sao Hỏa năm 2028 - 2

Các thiết bị khoa học trong sứ mệnh Thiên Vấn-3 sẽ hạ cánh, lấy mẫu, sau đó cất cánh từ bề mặt Sao Hỏa để quay trở về Trái Đất (Ảnh: CCTV).

Trả lời trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Liu Jizhong tuyên bố rằng việc tìm kiếm bằng chứng về sự sống là mục tiêu khoa học hàng đầu của Thiên Vấn-3.

Các báo cáo trước đó cũng lưu ý rằng điểm hạ cánh tiềm năng của tàu đổ bộ sẽ được lựa chọn dựa trên yếu tố sinh học vũ trụ. Điều này bao gồm các môi trường thích hợp cho sự xuất hiện của sự sống và duy trì nó, chẳng hạn như hệ thống đá trầm tích hay thủy nhiệt.

Dựa trên yếu tố này, các nhà nghiên cứu đã xác định 3 vùng hạ cánh tiềm năng trong sứ mệnh Thiên Vấn-3. Đó là Amazonis Planitia, Utopia Planitia (khu vực mà tàu thám hiểm Thiên Vấn-1 đã hạ cánh), và Chryse Planitia.

Những vùng này được lựa chọn dựa trên tiềm năng khoa học, cũng như các hạn chế về kỹ thuật, chẳng hạn như cao độ của địa hình chỉ ở mức vừa phải.

Điều này cho phép sứ mệnh có nhiều cơ hội hơn để hạ độ cao bằng cách lợi dụng khí quyển trước khi thực hiện tiếp đất. Nó cũng bao gồm yếu tố an toàn dựa trên các điều kiện khí quyển tại Sao Hỏa.

Những thách thức chính của nhiệm vụ bao gồm các khâu hạ cánh, lấy mẫu, sau đó cất cánh từ bề mặt Sao Hỏa, rồi hội ngộ trên quỹ đạo và trở lại Trái Đất.

Theo CCTV, sứ mệnh sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ hành tinh. Điều này liên quan đến việc thực hiện các nỗ lực để tránh ô nhiễm Sao Hỏa hoặc Trái Đất trên chặng trở về.

Trung Quốc tuyên bố rằng họ có kế hoạch hợp tác với các nhà khoa học trên toàn thế giới để cùng nhau nghiên cứu và chia sẻ các mẫu vật, cũng như dữ liệu từ Sao Hỏa.

Đây là điều đã được Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) thực hiện khi họ chủ động cung cấp các mẫu đất đá Mặt Trăng từ nhiệm vụ Hằng Nga-5 (Chang'e-5).

Tiến xa hơn nữa, Thiên Vấn-3 sẽ bao gồm việc hợp tác với các quốc gia và viện nghiên cứu để xác định mục tiêu xây dựng một trạm nghiên cứu Sao Hỏa trong tương lai không xa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm