Tình cảnh trớ trêu của 2 phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian

Minh Khôi

(Dân trí) - Từng được xem là chuyến bay mang tính bước ngoặt đối với cả NASA và Boeing, song các sự cố kỹ thuật đã biến CFT thành sứ mệnh đáng quên nhất trong lịch sử.

Tình cảnh trớ trêu của 2 phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian - 1

Hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams chụp ảnh trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (Ảnh: NASA).

Ngày 5/6, tàu vũ trụ Starliner của Boeing được phóng thành công, đưa các phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong một tuần theo kế hoạch.

Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ Starliner được sử dụng làm phương tiện cho phi hành đoàn. Không chỉ vậy, nó cũng là sứ mệnh có phi hành gia đầu tiên sử dụng tên lửa thuộc dòng Atlas kể từ chương trình Sao Thủy vào đầu những năm 1960.

Bởi lẽ đó, sứ mệnh mang tên Thử nghiệm chuyến bay của phi hành đoàn (CFT) hướng tới cột mốc quan trọng, thậm chí có thể được xem là chuyến bay lịch sử của ngành hàng không Mỹ.

Tuy nhiên, liên tiếp những sự cố kỹ thuật đã biến đây thành trải nghiệm bay đáng quên nhất đối với 2 phi hành gia - những người hiện vẫn đang mắc kẹt trên Trạm Vũ trụ ISS mà chưa biết tới bao giờ mới được quay về Trái Đất.

Đầu tiên, cần phải nhắc lại một chút lịch sử của tàu Starliner. Ngay trong lần phóng đầu tiên vào tháng 12/2019, Starliner đã gặp phải một loạt sự cố ngay sau khi cất cánh, khiến nó bị mắc kẹt ở quỹ đạo và không thể đạt được độ cao cần thiết.

Ở lần phóng thử thứ 2, tàu Starliner thực hiện thành công. Nhưng khi bắt đầu chuyển sang chuyến bay có phi hành gia, thì tàu Starliner lại luôn "trễ hẹn" vì những lý do khác nhau.

Tình cảnh trớ trêu của 2 phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian - 2

Tàu Starliner cất cánh thành công vào ngày 5/6 (Ảnh: NASA).

Điển hình là lần trì hoãn vào năm 2023 sau khi phát hiện chất dễ cháy trong hệ thống dây điện của Starliner.

Ngày 7/5, Boeing cùng NASA lên kế hoạch cho lần phóng thử tên lửa có sự tham gia của phi hành đoàn, với đích đến là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở van dẫn giai đoạn thứ hai của tên lửa đã khiến chuyến bay bị hoãn, dù đã được đưa lên bệ phóng.

Gần 1 tháng sau, vào ngày 5/6, Boeing Starliner rốt cuộc mới cất cánh thành công, đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau gần 2 thập kỷ kể từ khi Mỹ thiết lập các chuyến bay thương mại lên vũ trụ có phi hành đoàn.

Tưởng như mọi thứ sẽ êm xuôi, nhưng "vận đen" vẫn nhất quyết bám theo con tàu này. Khi Starliner cập bến ISS, các chuyên gia phát hiện tàu gặp một vài sự cố rò rỉ khí heli từ khoang dụng cụ. Đáng bất ngờ hơn, sự cố này vốn dĩ được phát hiện từ trước khi con tàu rời khỏi bệ phóng.

Tuy nhiên, chuyến bay vẫn được thực hiện, do lời khẳng định "chắc nịch" từ NASA rằng nó sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào trong suốt hành trình. Thế rồi khi hoàn tất một nửa chặng đường và kết nối thành công với Trạm ISS, tàu Starliner tiếp tục phát sinh thêm sự cố rò rỉ.

"Các nhóm chuyên môn đã xác định được 3 sự cố rò rỉ heli trên tàu vũ trụ. Trong đó, một sự cố đã được thảo luận từ trước chuyến bay. Hai sự cố còn lại xuất hiện kể từ khi tàu vũ trụ tiến vào quỹ đạo", NASA cập nhật hành trình trong một bài đăng.

Hiện, NASA vẫn đang nỗ lực khắc phục sự cố của tàu Starliner. Các chuyên gia đã xác định và tìm ra hướng giải quyết.

Các quan chức của NASA cũng cố gắng đưa ra góc nhìn tích cực về tình hình hiện tại. Họ khẳng định hai phi hành gia đang "tận hưởng thời gian trên trạm vũ trụ", và "sẽ về nhà vào đúng thời điểm".

Tình cảnh trớ trêu của 2 phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian - 3

Tuy nhiên, những nhận định này không thể phủ nhận thực tế rằng, con tàu Starliner vẫn đang gặp sự cố, và chưa hẹn ngày quay về Trái Đất. Đến nay, đã 50 ngày kể từ khi tàu sứ mệnh được triển khai. Hai phi hành gia trên tàu đã trải qua quãng thời gian gấp 5 lần so với dự tính ban đầu (sứ mệnh kéo dài 10 ngày).

Những thách thức mà Starliner phải đối mặt không phải là chưa từng có trong lịch sử thám hiểm không gian. Các sứ mệnh trước đây, chẳng hạn như sự cố Apollo 13 năm 1970, cũng đã gặp phải những trở ngại bất ngờ, đòi hỏi phi hành gia và phi hành đoàn mặt đất phải chứng minh khả năng thích ứng và linh hoạt.

Trong khi dư luận khắp nơi trên thế giới theo dõi chặt chẽ những diễn biến đang xảy ra ngoài không gian, thì NASA âm thầm coi đây là thước đo cho sự kiên trì và đổi mới, thậm chí có thể định hình nên mục tiêu theo đuổi các chuyến bay ngoài vũ trụ cho nhân loại trong tương lai.

Tại đó, thời gian lưu trú bị kéo dài bất đắc dĩ của Sunita Williams và Butch Wilmore được xem là câu trả lời cho chuyên môn, cũng như khả năng sinh sống của con người trong các chương trình không gian bị kéo dài, nơi họ phải kiên nhẫn chờ đợi các chuyến bay để trở về Trái Đất an toàn.

Lần gần nhất Sunita Williams lên vũ trụ là vào năm 2012, còn Butch Wilmore là vào năm 2015.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm