1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thảm họa chuột hoành hành ở Australia: Vì đâu có số lượng nhiều như vậy?

Minh Khôi

(Dân trí) - Không rõ từ đâu, hàng triệu con chuột lũ lượt kéo tới như "sóng triều" tràn vào các thị trấn, ngôi làng ở Australia, tàn phá mọi thứ.

Australia "thất thủ" vì thảm họa chuột

Thảm họa chuột hoành hành ở Australia: Vì đâu có số lượng nhiều như vậy? - 1

Australia đang trải qua một mùa vụ thất thu do chuột sinh sản quá nhanh. Ảnh: NCA NewsWire 

Trong nhiều tháng, chuột đã tàn phá các cánh đồng và phá hoại các ngôi nhà ở miền đông Australia, từ biên giới Victoria ở miền nam đến bang Queensland, cũng như miền Bắc nước này, gây thiệt hại hàng triệu USD cho mùa màng và máy móc.

Giới chức bang New South Wales (NSW) ghi nhận ước tính mật độ khoảng 800-1.000 con chuột/ha. Tức là tính trung bình cứ 10 mét vuông tại bang này sẽ có một con chuột sinh sống, cư ngụ. Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia (CSIRO) gọi đó là tỷ lệ "bệnh dịch".

"Không ai hiểu được dịch chuột cho đến khi đã trải qua. Không ai hiểu được mùi hôi thối tột cùng, đồ nội thất bị phá hoại. Chuột ăn hết lớp cách nhiệt trong hệ thống điều hòa, ăn dây điện trên mái nhà, ăn mòn các bộ phận trong bảng mạch điện", John Southon, hiệu trưởng trung học Trundle Central, cho biết.

"Chúng đã nhai nát tấm thảm mới mua, ăn cả sàn gỗ. Lò nướng bị chúng phá hỏng. Chúng ăn cả lớp cách nhiệt bên trong máy rửa bát", một người dân bàng hoàng kể lại, sau khi phát hiện chuột làm tổ bên trong gối trên ghế salon, bò vào các tủ bếp, phá hủy các mạch điện.  

"Với thuốc độc, chúng ta có thể giết 100.000 con chuột một đêm. Nhưng sáng hôm sau, 200.000 con khác sẽ quay lại", một người khác cho hay. 

Video: "Mưa" chuột khiến người dân khiếp hãi ở Australia

Nhà nghiên cứu Steve Henry của CSIRO - chuyên gia giỏi nhất của Australia về chuột - cho biết: "Cố gắng đếm số lượng chuột gây ra ở miền đông Australia ngay bây giờ sẽ giống như cố gắng đếm sao trên trời".

Những con vật thuộc loài gặm nhấm đói ăn, đã tìm kiếm mọi nơi trú ẩn bên trong nhà của người dân khiến họ phải đặt bẫy và lắp lưới thép để ngăn chuột.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, mọi chiến lược diệt chuột của con người sẽ chỉ có thể làm giảm số lượng chuột ở mức độ nhất định. Theo đó, để có thể chiến thắng dịch chuột, con người sẽ phải chờ đợi vào sự giúp sức của những hiện tượng tự nhiên thực sự khủng khiếp đối với loài chuột. 

Vì sao chuột sinh sản "cực nhanh"?

Thảm họa chuột hoành hành ở Australia: Vì đâu có số lượng nhiều như vậy? - 2

Đối với người dân New South Wales, năm 2020 là một năm có mưa dồi dào, mùa màng bội thu nhưng cũng là điều kiện lý tưởng cho lũ chuột.

Steve Henry, nhà nghiên cứu ở cơ quan khoa học quốc gia Australia cho biết nạn chuột hoành hành nhiều khả năng là kết quả do lượng ngũ cốc thu hoạch nhiều khác thường, thu hút chuột đói tới các trang trại trong vùng sớm hơn thông thường. "Chuột bắt đầu sinh sản sớm hơn vì có nhiều thức ăn và nơi trú ẩn. Chúng sẽ tiếp tục sinh sản từ đầu mùa xuân tới mùa thu", Henry giải thích

Theo CSIRO, chỉ cần một cặp chuột có đầy đủ thức ăn và môi trường trú ngụ, chúng có thể sinh thêm 500 con mỗi mùa. Trong đó, những con cái sẽ sinh 1 lứa mới sau mỗi 3 tuần, còn những con đực thì lúc nào cũng "sung mãn".  

Thêm vào đó, chuột con có thể trưởng thành và sinh sản trong vòng 2 - 3 tháng. Vì vậy, chỉ cần 1 cặp chuột sinh sản đầu tiên, trong 1 năm có thể tăng trưởng đàn chuột lên đến khoảng 15.000 con - một số lượng khủng khiếp.

Bên cạnh nguồn thức ăn khổng lồ để nuôi dưỡng các đàn chuột, chúng còn thường xuyên cắn phá "vô tội vạ" là bởi nguồn gốc từ loài gặm nhấm. Theo đó, cặp răng cửa hàm trên và hàm dưới của chuột sẽ liên tục phát triển. Mỗi tuần có thể dài từ 2 - 3 cm. 

Vì vậy để nhai được thức ăn, chuột phải liên tục mài răng trong suốt quãng đời của chúng. Cũng chính vì điều này nên chuột trở thành động vật gây hại nhiều mặt đời sống con người, từ nhà cửa, ruộng vườn, nơi làm việc, kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, công trình,…

Ngoài ra, chuột còn là vật chủ lây nhiễm nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho con người như vàng da xuất huyết, bệnh do vi khuẩn Salmonella, dịch hạch, bệnh đường hô hấp, viêm xoang, viêm mũi,… gây ô nhiễm nghiêm trọng nhà cửa, môi trường sống của con người.

"Đau đầu" biện pháp đối phó

Thảm họa chuột hoành hành ở Australia: Vì đâu có số lượng nhiều như vậy? - 3

Chuột sinh sản với số lượng cực lớn, song cách đối phó với chúng lại không nhiều. Theo bà Sue Hodge, chuyên gia diệt chuột ở Canowindra (Australia), phương pháp hiệu quả nhất vẫn là bẫy chuột. 

Tuy nhiên với số lượng quá lớn, người dân có thể phải dành cả ngày để xử lý những con chuột bị bẫy chết trong nhà, như dọn phân chuột, xác chuột,… ra khỏi nhà bếp, phòng trẻ em và thậm chí cả giường của họ.

Thuốc diệt chuột cũng là một biện pháp hữu hiệu theo các chuyên gia, và có lẽ là tốt nhất để giết chuột hàng loạt, bởi các phương pháp khác diệt không kịp với tốc độ sinh trưởng của chúng.

Nhưng theo nhà sinh thái học của Đại học Charles Sturt, tiến sĩ Maggie Watson, chất độc này "quá nguy hiểm" để sử dụng trong môi trường, vì nó có thể ngấm vào đất và tích tụ sinh học trong côn trùng, sau đó tham gia vào chuỗi thức ăn.

Bà cho biết các loài chim bản địa ở Australia đều có nguy cơ tử vong sau khi ăn phải một con chuột bị nhiễm độc, và phải mất tới 15-20 năm để chúng có thể trở lại với số lượng ban đầu.

Theo Aleesha Naxakis, người phát ngôn của tổ chức bảo vệ quyền động vật (PETA) các phương pháp giết chuột hiện nay có nguy cơ lây lan vi khuẩn khi xác chuột xuất hiện ở nguồn nước, nguồn thực phẩm cho con người.

Do đó, để tiêu diệt chuột cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng để sao không gây hại cho môi trường và ảnh hưởng tới chính cuộc sống của chúng ta.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm