Thảm họa 13.000 năm trước đã thay đổi lối sống loài người thế nào?

Các chuyên gia tin rằng, một tác động vũ trụ tàn khốc tấn công Trái đất 13.000 năm trước có thể đã tàn phá đến mức đưa loài người từ sống du mục thành những người định cư.

Thảm họa 13.000 năm trước đã thay đổi lối sống loài người thế nào? - 1

Các nhà khoa học cho rằng, một chùm thiên thạch có thể đã rơi xuống bề mặt Trái đất vào 13.000 năm trước, tạo ra vụ va chạm thảm khốc nhất kể từ sự kiện Chicxulub khiến những sinh vật to lớn nhất của Trái đất tuyệt chủng.

Trong một nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu do Martin Sweatman, một nhà khoa học tại Đại học Edinburgh ở Scotland đã điều tra về vụ va chạm và cách nó ảnh hưởng đến sự hình thành nguồn gốc của các xã hội loài người trên Trái đất.

Tuy những người Homo sapiens (người tinh khôn) đầu tiên xuất hiện trong khoảng từ 200.000 đến 300.000 năm trước, xa hơn nhiều về quá khứ so với thời điểm sự kiện mưa thiên thạch diễn ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thời điểm sự kiện này diễn ra thực sự trùng hợp với thời điểm có những thay đổi đáng kể trong cách xã hội loài người tự tổ chức.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về giả thuyết rằng một sao Chổi đã va vào Trái đất cách đây 13.000 năm, phân tích dữ liệu địa chất từ những khu vực mà họ cho rằng những mảnh của nó rơi xuống, bao gồm Bắc Mỹ và Greenland.

Họ đã tìm thấy hàm lượng cao bạch kim, bằng chứng về nhiệt độ cực cao tới mức có thể làm tan chảy vật liệu ở khu vực này và kim cương nano, thứ mà các nhà khoa học biết có thể được tạo ra từ vụ nổ và có thể tồn tại bên trong sao Chổi.

Điều đó có nghĩa là một thiên thạch đang tan rã đã va vào Trái đất. Tác động từ sự kiện này có khả năng là tác động tàn khốc nhất kể từ sự tuyệt chủng của loài khủng long, dẫn đến một Kỷ Băng hà nhỏ kéo dài và xóa sổ hàng chục loài động vật có vú bao gồm cả voi ma mút và linh dương đầu bò khổng lồ, đồng thời tiêu diệt một phần dân số loài người.

Công trình nghiên cứu này được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đó gợi ý rằng một vụ va chạm lớn có thể đã xảy ra trước khi bắt đầu thời kỳ đồ đá mới, phần đầu tiên của thời kỳ đồ đá, trong đó một số phát triển lớn trong nền văn minh nhân loại đã diễn ra, bao gồm cả những bước tiến đáng chú ý trong nông nghiệp, kiến trúc và công cụ đá.

Vào thời điểm này trong lịch sử, con người ở vùng "Lưỡi liềm màu mỡ", bao gồm các quốc gia mà chúng ta biết ngày nay là Ai Cập, Iraq và Lebanon, đã chuyển từ lối sống du mục, săn bắn hái lượm sang định cư lâu dài ở một số khu vực.

Các nhà nghiên cứu suy đoán, tác động từ không gian có thể đã thúc đẩy đáng kể xu hướng định cư này, mặc dù họ không rõ lý do và cho rằng cần phải nghiên cứu thêm.

Mặc dù, khoa học hiện tại có thể xác định liệu một tác động vũ trụ lớn có xảy ra vào thời điểm này hay không, nhưng vẫn rất khó để xác định những hậu quả lâu dài của tác động đó và phân biệt chúng với những sự kiện không liên quan đến tác động.

"Thảm họa vũ trụ lớn này dường như đã được tưởng niệm trên những cột đá khổng lồ của Göbekli Tepe (Thổ Nhĩ Kỳ) - được cho là ngôi đền đầu tiên trên thế giới, gắn liền với nguồn gốc của nền văn minh ở vùng Tây Nam Á" - tác giả của nghiên cứu Martin SweatmanSweatman cho biết.

Mặc dù, công trình nghiên cứu mới rất thú vị và mang tính gợi mở, nhưng nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng cần có thêm bằng chứng và nghiên cứu sâu để hiểu rõ hơn về vụ chạm có thể ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu toàn cầu và cuối cùng là các nền văn minh của loài người.