Núi lửa phun trào do đâu, có phải thảm họa nhân loại như trên phim ảnh?
(Dân trí) - Mặc dù có sức công phá hủy diệt khi phun trào dữ dội, nhưng trên thực tế ít ngọn núi lửa gây ra thảm họa khiến nhiều người chết từng được ghi nhận.
Núi lửa ở Indonesia phun trào mạnh mẽ
Ngày 6/5, núi lửa Sinabung ở Bắc Sumatra, Indonesia bất ngờ phun cột tro bụi cao tới 2km phía trên miệng núi lửa.
Hiện tượng khiến người dân địa phương lo sợ vì cách đây không lâu, vào năm 2014, đợt phun trào của núi lửa Sinabung đã cướp đi sinh mạng của 16 người.
Trong khi đó, Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) thì ngay lập tức đưa ra thông báo về sự việc.
"Người dân không nên di chuyển vào vùng nguy hiểm trong phạm vi 3km xung quanh núi lửa Sinabung và tránh xa những con sông bắt nguồn từ núi lửa", PVMBG cho biết.
Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà để tránh hít phải tro bụi.
Nguyên nhân hình thành núi lửa
Núi lửa thường được gắn liền với những cụm từ như" thảm họa thiên nhiên", "thảm họa diệt vong", và hình tượng hóa để trở thành một hiện tượng đáng sợ trong các bộ phim điện ảnh.
Mặc dù có sức công phá hủy diệt khi phun trào dữ dội, nhưng trên thực tế ít ngọn núi lửa thuộc vào diện này. Thay vào đó, các núi lửa thường rỉ nham thạch (magma) ra từ từ, rất chậm, thậm chí chúng ta có thể đi trên nó một cách an toàn.
Có nhiều nguyên nhân khiến một ngọn núi lửa hoạt động. Dễ bắt gặp nhất là tại các dãy núi bị nâng cao lên, còn bên dưới lại có áp suất không lớn, dẫn đến việc hình thành những hồ magma - thực ra chính là lượng đá bị nóng chảy do nhiệt độ bên dưới bề mặt Trái đất rất nóng.
Sau khi hình thành, hồ magma tiếp tục đùn lên, khiến các ngọn núi cao lên liên tục. Một khi áp lực tạo ra bởi hồ magma lớn hơn áp lực do lớp đất đá bên trên, magma sẽ phun trào tạo ra hiện tượng núi lửa.
Trải qua các quá trình phun trào, nhiều chất rắn kèm theo khí ga nóng bị phun lên cao, các vật chất này tràn xuống sườn núi và chân núi, tạo ra ngọn núi hình nón. Đây cũng là đặc trưng dễ bắt gặp của một ngọn núi lửa.
Núi lửa phun trào có gây hại cho môi trường?
Dẫu nghe có vẻ đáng sợ, nhưng hiện tượng núi lửa phun trào cũng không hoàn toàn "xấu xí" và bí hiểm như nhiều người vẫn quan niệm.
Trái lại, khí sulfua dioxide sinh ra trong quá trình núi lửa phun trào, bay lên đến tầng bình lưu, nó sẽ tham gia vào một quá trình phản ứng hóa học.
Phản ứng này tạo thành những phân tử, có khả năng phản chiếu tia sáng mặt trời ngược trở lại không gian, thay vì cho phép nó chiếu trực tiếp xuống Trái đất.
Đây là nguyên nhân khiến hiện tượng nóng lên của Trái đất chúng ta phần nào bị hạn chế.
"Nghiên cứu cho thấy khí thải từ những vụ núi lửa phun trào từ nhỏ tới vừa giúp làm chậm quá trình nóng lên của trái đất", Ryan Neely, người thực hiện nghiên cứu về núi lửa như một phần trong luận án tiến sỹ của mình tại đại học Colorada, Boulder nói.
"Phát hiện cho thấy các nhà khoa học cần để tâm nghiên cứu tới những dạng phun trào núi lửa khi nghiên cứu thay đổi khí hậu hơn", Brian Toon, giáo sư tại đại học Colorado nói.
"Tuy nhiên, những núi lửa hoạt động lâu không có khả năng cân bằng tình trạng nóng lên của trái đất bởi khí thải từ hoạt động của núi lửa có lúc lên, lúc xuống, trong khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người thì chỉ có tăng lên".
Theo giáo sư Toon, hoạt động của núi lửa lớn có ảnh hưởng khá nhiều tới khả năng "làm mát" nhiệt độ toàn cầu, như núi Pinatubo ở Philippines, phun trào năm 1991, với một lượng khí sulfat dioxide thải vào tầng bình lưu đủ làm trái đất giảm đi 0,55 độ C và "làm mát" Trái đất được trong vòng 2 năm.