1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

35 năm và sự thật về cuộc sống "hồi sinh" sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl

Minh Khôi

(Dân trí) - Tròn 35 năm sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl, vẫn có nhiều câu hỏi làm đau đầu các nhà nghiên cứu, cũng như những người yêu thích khoa học.

35 năm và sự thật về cuộc sống hồi sinh sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl - 1

Thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử? 

Cách đây tròn 35 năm, lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân cách thủ đô Kiev (Ukraina) 110km về phía Bắc đã phát nổ và bốc cháy trong đêm 26/4/1986, làm rung chuyển các tòa nhà và phun chất phóng xạ vào không khí.

Quan chức chính quyền Liên bang Xô Viết khi ấy đã khiến thảm họa tồi tệ hơn khi không thông báo cho công chúng biết chuyện gì đang xảy ra. Khoảng 2 triệu cư dân của Kiev không nắm được tin tức, bất chấp nguy cơ phóng xạ cao. Thị trấn Pripyat của công nhân nhà máy phải ngày hôm sau được sơ tán.

Với lượng phóng xạ gấp ít nhất 400 lần so với vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến II, vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl được ghi nhận là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, khiến hàng trăm ngàn người phải sơ tán và tái định cư. Thành phố Pripyat, nơi tọa lạc nhà máy Chernobyl cũng trở thành "thành phố chết" sau vụ nổ. 

Phóng xạ vẫn tiếp tục rò rỉ cho đến năm 2019, và toàn bộ khu vực lò phản ứng hạt nhân được bao phủ bởi một mái che khổng lồ hình vòm. Kể từ đó tới nay, ảnh hưởng lâu dài của chất phóng xạ đến sức khỏe con người vẫn là chủ đề tranh luận khoa học gay gắt.

Có động vật đột biến do phóng xạ trong khu vực?

35 năm và sự thật về cuộc sống hồi sinh sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl - 2

Bức ảnh được cho là chuột đột biến do phóng xạ ở Chernobyl khiến dân mạng khiếp sợ. Tuy nhiên, bức ảnh sau đó đã bị phát hiện là đã qua chỉnh sửa.

Nhiều người cho rằng khu vực này là "vùng đất chết" trong nhiều thế kỷ, nhưng động vật hoang dã lại đang phát triển mạnh. Các nhà khoa học Ukraina, Nhật Bản và Đức đang nghiên cứu hiện tượng này. 

Theo đồn đại, vào năm 1996, một nhóm các nhà khoa học đã gặp một con chuột đột biến khổng lồ, to gần bằng chó sói khi thám hiểm khu vực để nghiên cứu sự thay đổi môi trường sinh thái trong "vùng cấm" ở Chernobyl (Chernobyl exclusion zone). 

Những tài liệu để lại cho rằng con chuột đột biến có đôi mắt đỏ như máu, hàm răng nhọn hoắt như cá mập và móng vuốt dài 2 cm, đã lao vào tấn công đoàn thám hiểm.

Tuy nhiên, câu chuyện này chưa được chứng thực, và bị công kích bởi các nhà khoa học do luận điểm không rõ ràng. 

Trên thực tế, từ lâu nay, giả thuyết về việc bức xạ hạt nhân gây ra những đột biến nghiêm trọng ở động vật và con người không còn là điều mới mẻ, dù ý tưởng đó chỉ có rất ít cơ sở khoa học. 

Theo lý luận của các nhà nghiên cứu, động vật và thực vật đều nhạy cảm và có xu hướng sợ phóng xạ. Trong đó, bức xạ là thứ có thể giết chết các vật thể sống. 

Điều này có nghĩa là ngay cả khi có những con chuột sống sót sau vụ nổ Chernobyl, nhưng ngay khi tiếp xúc với một lượng bức xạ khổng lồ, chúng sẽ chẳng thể sống sót.

Thiên nhiên hoang dã đang trở lại sau 35 năm?

35 năm và sự thật về cuộc sống hồi sinh sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl - 3

Động vật ở Chernobyl vẫn chưa vượt qua thảm họa. Ảnh: Dailymail

Gần đây, đã có một số thông tin về "cuộc sống thiên nhiên hưng thịnh" xung quanh Chernobyl, cùng loạt ảnh cho thấy "vùng đất chết" một thời đang dần trở thành "thiên đường tự nhiên" của các loài động, thực vật. 

Mặc dù đây là một ý tưởng khá thú vị, song theo Tiến sỹ Brown - một người đã nghiên cứu Chernobyl trong suốt 25 năm qua, đây là một nhận định sai lầm.

Theo các báo cáo khoa học, Chernobyl vẫn ghi nhận gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và giảm tuổi thọ của quần thể động vật. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều khối u và khiếm khuyết hệ miễn dịch, rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp, và tình trạng lão hóa sớm.

Không chỉ động vật, mà cả hệ thực vật ở Chernobyl cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. 35 năm thảm họa, đất đai, cây cối vẫn bị ô nhiễm bởi bức xạ, một phần ba trong số đó là bởi các nguyên tố transuranium với chu kỳ bán rã có thể kéo dài hơn 24.000 năm. 

Có người sống tại Chernobyl không?

35 năm và sự thật về cuộc sống hồi sinh sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl - 4

Cuộc sống vẫn diễn ra ở Chernobyl, trái với nhận định cho rằng đây là một "vùng đất chết". Tuy nhiên, dân số tại khu vực này rất hạn chế, và họ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của chính phủ. Ảnh: BBC

Pripyat - thành phố từng đóng cửa và được mô tả là một "thị trấn ma", nay đã được xây dựng để phục vụ nhà máy hạt nhân và làm nơi ở của nhân viên, thường, cũng như thành phố Chernobyl gần đó. 

Trên thực tế từ nhiều năm nay, cả hai khu vực trên rất hiếm khi vắng bóng người. Theo báo cáo, từ năm 1986, hàng nghìn người, thường là nam giới, đã trở lại làm việc tại khu vực xung quanh nhà máy. Dẫu vậy, công việc của họ chỉ thường diễn ra theo ca 2 tuần/lần, nhằm đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng quan trọng ở cả 2 thành phố vẫn tiếp tục hoạt động. 

Ngoài ra, còn có các cửa hàng và ít nhất 2 khách sạn ở Chernobyl, chủ yếu dành cho khách doanh nhân, du khách vẫn hoạt động.

Cũng không thể không nhắc tới một số cư dân không chính thức ở khu vực, chủ yếu là những người đã từng sống tại đây, sau đó quay trở lại sau thảm họa, và định cư tại các ngôi làng đã được sơ tán. 

Vào năm 2016, khoảng 180 người được cho là đang sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng nhiễm xạ. Mặc dù không được chấp nhận một cách chính thức, nhưng nhà nước vẫn hỗ trợ họ trong cuộc sống hàng ngày. Lương hưu của họ được chuyển mỗi tháng một lần, và cứ sau hai đến ba tháng, họ được một cửa hàng lưu động cung cấp thực phẩm.

Du khách có thể tham quan Chernobyl không?

35 năm và sự thật về cuộc sống hồi sinh sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl - 5

Cuộc sống sau thảm họa tại Chernobyl đặc biệt thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Livescience

Khu vực nhiễm xạ ở Chernobyl từ lâu đã như một "thỏi nam châm" thu hút khách du lịch tò mò trước cuộc sống nơi đây sau thảm họa. Vào năm 2019, con số du khách hàng năm đã tăng lên tới 124.000 người sau loạt phim truyền hình của đài HBO về lịch sử nhà máy Chernobyl. 

Cơ quan Nhà nước Ukraine đã thiết lập một số tuyến đường để khách du lịch có thể đến thăm khu vực nhà máy bằng đường bộ, đường thủy hoặc đường hàng không.  

Họ cũng đưa ra một số quy định chặt chẽ để bảo vệ du khách, thí dụ mặc trang phục chống nhiễm xạ đặc biệt, cũng như khuyến khích du khách không nên ăn bất kỳ thức ăn hoặc đồ uống nào bên ngoài.

Người ta ước tính rằng lượng bức xạ mà du khách nhận được trong một chuyến thăm nhà máy không vượt quá 0,1 milisievert (mSv). Đây là mức tương đối an toàn, chừng nào du khách còn tuân thủ đúng theo các quy định của giới chức địa phương.

"Bạn chắc chắn là có thể đến thăm khu vực Chernobyl, bao gồm cả khu vực nhiễm xạ, có bán kính 30 km bao quanh nhà máy, dù tất cả các lò phản ứng hiện đã đóng cửa.

"Mặc dù một số đồng vị phóng xạ vẫn còn tồn đọng (chẳng hạn như Strontium-90 và Cesium-137), nhưng chúng ở mức độ phơi nhiễm có thể chấp nhận được trong một khoảng thời gian nhất định", một đại diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết.