1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tại sao ban ngày nắng nóng, chiều tối lại hay có mưa dông?

Minh Khôi

(Dân trí) - Mặc dù cơn dông chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng thường đi kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, sấm sét dữ dội, đôi khi cả lốc xoáy, vòi rồng.

Tại sao ban ngày nắng nóng, chiều tối lại hay có mưa dông? - 1

"Ba miền nắng nóng, chiều tối mưa dông". Đây là câu nói quen thuộc mà người Việt thường được nghe khi xem các bản tin dự báo thời tiết. Thế nhưng tại sao lại hay có hiện tượng mưa dông lớn sau một hoặc nhiều ngày nắng nóng lại là điều mà không phải ai cũng hiểu rõ.

Lý giải nguyên nhân hình thành cơn dông 

Nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và xảy ra nhiều nhất ở vùng ven biển và vùng núi. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng dễ bắt gặp tại các vùng đồng bằng, như đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ,…

Trên lục địa, cơn dông thường xảy ra vào mùa nóng, nhất là vào buổi chiều và tối khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển hoặc khi có sự tranh chấp của các khối không khí như khi có không khí lạnh.  

Trong khi đó, đối với vùng biển gần ven bờ, dông thường tập trung xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân chính là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và không khí đạt đến cực đại tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển vào ban đêm.

Tại sao ban ngày nắng nóng, chiều tối lại hay có mưa dông? - 2

Các tuyến phố tại Thủ đô đã ngập sâu trong nước sau cơn mưa lớn chiều 11/5 (Ảnh: Đức Nguyễn).

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những trận mưa lớn tại Hà Nội trong những ngày qua một dạng "mưa dông nhiệt" thường xảy ra khi áp thấp nóng phía Đông phát triển và chịu tác động của gió Đông Nam yếu từ biển vào.

Theo ông Hưởng, trong thời gian tới, khu vực Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc sẽ còn tiếp tục thường xuyên xảy ra các trận mưa bất ngờ tương tự như vậy. "Thời điểm này thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển tiếp sang mùa Hè nên mưa dông nhiệt về chiều còn lặp lại nhiều lần", ông cho biết.

Thông thường ở nước ta, dông nhiệt xuất hiện từ đầu mùa hè (cuối tháng 3 Âm lịch), và thường vào cuối mỗi buổi chiều, sau một ngày nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, cũng có những cơn dông được tích tụ sau nhiều ngày nắng nóng. Hiện tượng này sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12. 

Những hiện tượng thời tiết nguy hiểm đi kèm cơn dông, phòng tránh thế nào? 

Tại sao ban ngày nắng nóng, chiều tối lại hay có mưa dông? - 3

Điều đáng lo ngại là mặc dù cơn dông chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng thường đi kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, sấm sét dữ dội.

Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi bước vào mùa mưa bão, cơn dông còn có thể kèm theo lốc, xoáy với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau. 

Đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột, khi đối lưu phát triển mạnh trong các đám mây dông, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn tạo ra khả năng phá hủy, hút, kéo rất lớn. 

Cơn lốc xoáy có cường độ mạnh có thể cuốn bay các đồ vật lớn và di chuyển chúng ra xa hàng trăm mét, gây đặc biệt nguy hiểm cho người dân đang đi lại trên đường, cũng như các cơ sở kinh tế, xã hội hội thuộc khu vực.

Hiện nay, với những trang thiết bị hiện đại quan trắc và giám sát bầu trời như ảnh mây vệ tinh phân giải cao MTSAT, radar thời tiết, cơ quan khí tượng có thể phát hiện được dông nhiệt. 

Tuy nhiên để dự báo, cảnh báo chính xác được thời điểm, địa điểm xảy ra các thiên tai quy mô nhỏ như lốc xoáy, mưa đá là chưa thực hiện được, hoặc chỉ trong thời gian cực ngắn, như từ 30 - 45 phút trước khi xảy ra hiện tượng.

Do đó, người dân nên chuẩn bị sẵn tâm lý về những cơn dông có cường độ mạnh kèm theo mưa lớn vào cuối buổi chiều trong những ngày nắng nóng như mang theo áo mưa, dụng cụ bảo hộ, hoặc phương án trú mưa nếu cần. 

Bên cạnh đó, cũng nên liên tục cập nhật diễn biến thời tiết trên các trang báo điện tử, hoặc các kênh dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài truyền hình Việt Nam,… 

Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?