(Dân trí) - Vấn đề bất bình đẳng xã hội, nghèo đói, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang là những thách thức rất lớn đối với Ấn Độ, đất nước vừa truất ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Vấn đề bất bình đẳng xã hội, nghèo đói, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang là những thách thức rất lớn đối với Ấn Độ, đất nước vừa truất ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Đúng như dự đoán của Liên Hợp Quốc, vào tháng 4 vừa qua, Ấn Độ chính thức trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,428 tỷ người.
Theo các nhà nhân chủng học, nếu tỷ lệ sinh của người dân nước này tiếp tục duy trì ở xu hướng dân số hiện tại thì Ấn Độ dự kiến sẽ vượt quá 1,6 tỷ người vào năm 2050, trong khi thế giới khi đó khoảng 9,7 tỷ người.
Dân số đông, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dĩ nhiên Ấn Độ sẽ gặp vô vàn những khó khăn, thách thức.
Cuộc sống hiện tại của người dân ở quốc gia này đang phản ánh rõ nhiều vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt từ khó khăn việc làm, chỗ ở, nguồn nước đến bất bình đẳng xã hội. Nó không chỉ diễn ra ở thời điểm hiện tại mà còn là nỗi lo cho các thế hệ tương lai của dân số Ấn Độ.
Ấn Độ hiện đang có hơn 1,4 tỷ người, trong đó phần lớn là những người trong độ tuổi lao động, nhưng khoảng một nửa thanh niên tại quốc gia đang phải trải qua những khó khăn về việc làm và điều kiện ở thiếu thốn.
Khu ổ chuột "đồ sộ" Dharavi, thành phố Mumbai là bức tranh phản ánh rõ tình trạng này.
Tại đây, có khoảng 1 triệu người đang sinh sống và làm việc, họ ở trong những căn phòng thuê với giá 130 đô la một tháng (khoảng 3 triệu VNĐ).
Tuy nhiên, không gian sống trong những phòng trọ này vô cùng chật hẹp, không đủ diện tích để xây dựng phòng tắm, nhưng đây chính là chỗ ăn ngủ cho 8 người.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, những người lao động lại tiếp tục phải sống trong bầu không khí ngột ngạt nơi đây.
Nhiều công nhân ở Dharavi cởi trần trong khi làm việc vì thời tiết rất nóng, công việc của họ chủ yếu là dệt may, sử dụng những chiếc máy khâu cũ kỹ có từ những năm 1960.
Đây chính là nguồn thu nhập chính của họ.
Giống như rất nhiều người dân Ấn Độ, để có thêm kinh phí hỗ trợ gia đình, họ rời quê hương, xa xứ đến khu ổ chuột này để làm việc.
Không chỉ khó khăn đối với những người lao động, cuộc sống của các chủ xưởng sản xuất ở Dharavi cũng đang gặp phải nhiều thách thức.
Một quản lý cơ sở dệt may chia sẻ với Radio-Canada: "Tôi gặp khó khăn trong việc trả lương cho công nhân, thu nhập của họ dao động từ 130 đến 200 đô la mỗi tháng.
Nhưng kiếm tiền lãi ở Dharavi trở nên gần như không thể, tôi cũng phải chi trả tiền mặt bằng và các chi phí khác khiến xưởng dệt rơi vào cảnh nợ nần. Bên cạnh đó, các cơ sở cạnh tranh khốc liệt để giành đơn hàng, họ đẩy giá xuống và mọi người đều bị thiệt hại".
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), mặc dù nền kinh tế của đất nước đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ có 40% dân số trong độ tuổi lao động có kỹ năng làm việc đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty.
Srinivas Goli, Phó Giáo sư tại Viện Khoa học Dân số Quốc tế ở Mumbai giải thích: "Đất nước cần nắm bắt cơ hội nguồn lao động dồi dào để những người đang làm việc được hòa nhập vào thị trường việc làm chất lượng cao".
Nhà khoa học đã nhìn Ấn Độ qua một lăng kính tích cực hơn, ông tưởng tượng về tiềm năng phát triển của đất nước khi quốc gia đang ở thời điểm xã hội với dân số trẻ và hy vọng Chính phủ tạo ra nhiều việc làm chất lượng.
Nhiều nhà nhân chủng học đặt câu hỏi, Ấn Độ phải làm thế nào để nuôi tất cả mọi người trong khi điều kiện sống hằng ngày của người dân vẫn còn thiếu thốn.
Ví như bên ngoài Bệnh viện quốc gia Nair ở Mumbai, nhiều người dân Ấn Độ đang phải xếp hàng dài để có thể nhận cho mình suất ăn miễn phí từ một tổ chức phi chính phủ.
Cơ quan này cung cấp 15.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày cho các bệnh viện công và trường học trong khu ổ chuột ở Mumbai.
Phần lớn những người trong số họ là người thân của các bệnh nhân đang điều trị tại đây, họ đến từ các địa phương xa xôi.
Một người đàn ông 60 tuổi chia sẻ với phóng viên của Radio-Canada: "Nhờ có suất ăn miễn phí, tôi có thể tiết kiệm thêm tiền để chi trả viện phí điều trị bệnh cho con gái tôi.
Tôi không giàu, con tôi phải đến đây vài lần một tháng do các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường ruột, bệnh viện cách nơi ở của gia đình tôi 16 giờ đi tàu".
Vikas Parchhanda, người sáng lập một tổ chức phi chính phủ địa phương cho biết: "Các thành phố ngày càng phát triển, dẫn đến việc di cư của người dân Ấn Độ từ nông thôn đến những khu vực này tăng lên, hậu quả chính là việc kéo theo sự gia tăng các nhóm người dễ bị tổn thương".
Vấn đề việc làm không chỉ là nỗi lo hiện tại đối với những người lao động ở Ấn Độ mà nó là thách thức cho cả thế hệ sau này. Dân số Ấn Độ còn rất trẻ, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 68% và chỉ có 7% dân số trên 65 tuổi.
Điều này giúp Ấn Độ hưởng lợi lớn về nguồn lao động, nhưng theo các nhà nhân khẩu học, lợi ích của việc này chính là một con dao hai lưỡi.
Mặc dù những con số trên cho thấy thị trường lao động Ấn Độ rất dồi dào và năng động, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức, chủ yếu là vấn đề kinh tế.
Trong vòng 10 năm tới, các nhà khoa học ước tính rằng, một tỷ người dân Ấn Độ sẽ ở độ tuổi lao động.
Do đó, đất nước này cần phải tạo ra gần một triệu việc làm mỗi tháng để hạn chế tỷ lệ người thất nghiệp ở mức thấp nhất.
Điều này liệu có khả thi ở quốc gia tỷ dân?
Chia sẻ với Franceinfo, Giáo sư Nhân chủng và Nhân khẩu học, Gilles Pison cho biết: "Tất cả chỉ là tương đối. Có những quốc gia trên thế giới dân số cực kỳ trẻ, nhưng họ lại không được hưởng lợi nhiều từ điều đó, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Phi cận Sahara hiện đang trong tình trạng tương tự.
Trong khi, Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề chính là dân số của họ già đi khá nhanh. Chính phủ nước này bị ám ảnh bởi sự lão hóa nhân khẩu học và họ đang cố gắng tăng tỷ lệ sinh trong xã hội.
Hiện tại, Ấn Độ được hưởng lợi từ dân số trong độ tuổi lao động vô cùng đông đảo và rõ ràng một bộ phận thanh niên đang làm việc và đóng góp cho hoạt động phát triển của đất nước".
Nhưng đáng buồn thay, phần lớn thanh niên Ấn Độ hiện không được đào tạo để có năng lực phù hợp với điều kiện tuyển dụng hiện nay.
Hệ thống trường lớp thiếu nguồn lực, đào tạo nghề kém phát triển và chưa bắt nhịp với thị trường lao động.
Theo một nghiên cứu năm 2017-2018, khoảng 33% thanh niên được đào tạo kỹ thuật tại Ấn Độ thất nghiệp, ngay cả một số ít sinh viên tốt nghiệp đại học cũng phải vật lộn để được tuyển dụng do các kỹ năng không phù hợp với nhu cầu của các công ty.
Cùng với đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe tại đây, nó khiến những người trẻ tuổi không muốn làm việc và thúc đẩy phụ nữ rút lui khỏi thị trường lao động.
Không thể phủ nhận sự phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước Ấn Độ.
Nhưng sự phát triển này chủ yếu đến từ các lĩnh vực công nghệ cao như dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm và cho các công nhân lành nghề.
Trong khi đó, một bộ phận dân số lớn hơn bị bần cùng hóa do vấn đề cắt giảm nhân lực của các công ty vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 khiến giờ đây họ đang phải vật lộn để phục hồi, khó khăn tìm việc làm thích hợp.
Đáng chú ý, phần lớn những người dân đang làm việc chủ yếu đến từ những công việc, ngành nghề kỹ năng thấp với mức lương ít ỏi, họ chủ yếu lao động trong những doanh nghiệp nhỏ tại địa phương hay làm nghề thủ công... vốn đang hoạt động kém hiệu quả tại quốc gia này.
Sự phục hồi không đồng đều đã góp phần làm gia tăng khoảng cách chênh lệch thu nhập của người dân Ấn Độ trong những năm gần đây.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021, người giàu ở Ấn Độ có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 39%, nhưng con số này trong tầng lớp lao động của quốc gia giảm 53%.
Chính vì thế, quốc gia đông dân nhất hành tinh đang phải đối mặt với vấn đề bất bình đẳng rất lớn trong xã hội.
Một sự phát triển nhân khẩu học xã hội khác được quan sát nhiều ở Ấn Độ là đô thị hóa ngày càng tăng.
Nếu như trước đây chỉ có 34% người Ấn Độ là cư dân thành phố, thì con số này đang thay đổi nhanh chóng.
Theo ước tính của Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), hiện nay số lượng dân cư thành thị của Ấn Độ đang ở mức gần 500 triệu người, trong vòng 12 năm tới, vào năm 2035, con số này sẽ tăng lên 675 triệu người.
Sự mở rộng đô thị phần lớn do những người trẻ tuổi ở nông thôn lên thành phố tìm việc làm và những người nông dân đang "quay lưng" lại với lĩnh vực nông nghiệp.
Điều này sẽ tạo nên các vấn đề xã hội và môi trường rất lớn do điều kiện sống vốn đã khó khăn ở các siêu đô thị dày đặc, ô nhiễm và những đợt nắng nóng ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu khiến họ không thể thích nghi kịp.
Cùng với đó, sự phát triển đô thị không có tổ chức đang "nuốt chửng" các vùng nông thôn xung quanh, làm sụt giảm sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc thiếu nhà ở giá rẻ cũng đang làm gia tăng tình trạng bấp bênh nơi ở của người dân Ấn Độ.
Năm 2011, trung bình 17% cư dân thành thị ở Ấn Độ sống trong các khu ổ chuột.
Đây là những khu vực có cơ sở hạ tầng thiếu thốn từ mạng lưới điện, các trung tâm y tế, hệ thống cấp và xử lý nước. Ở Ấn Độ, 70% nước thải đô thị từ các khu ổ chuột không được xử lý.
Đi cùng với nó là tác động carbon từ các thành phố hiện nằm ngoài tầm kiểm soát, vấn đề bê tông hóa, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng tăng khiến quốc gia phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nắng nóng kỷ lục, sóng nhiệt.
Do đó, những không gian đô thị bão hòa này sẽ không thể tiếp nhận thêm hàng triệu người mới nếu không có sự quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, công nghệ khiến chúng trở nên đáng sống hơn.
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ phải đảm bảo nguồn cung và cấp nước cho 1,6 tỷ dân vào năm 2050.
Tuy nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu đang giáng một đòn mạnh mẽ vào cuộc sống và nền kinh tế của đất nước, kéo theo sự gia tăng những bất ổn trong xã hội.
Nền nông nghiệp nước này đang chịu ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu gây hạn hán khiến lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, mất mùa hay làm xuất hiện những cánh đồng "chết".
Đi cùng với nắng nóng kỷ lục, Ấn Độ cũng phải chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người dân khi đất nước sẽ phải đối mặt thường xuyên hơn với thiên tai khốc liệt như lũ lụt, các siêu bão có sức tàn phá cao.
Tài nguyên nước tại đất nước này bị suy giảm trong vài năm trở lại đây, việc tưới tiêu nông nghiệp dần làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và nước tại các lưu vực sông. Đồng thời vấn đề ô nhiễm nước trên các con sông khiến chúng không đủ an toàn để sử dụng.
Tình trạng thiếu nước theo mùa thường xuyên xảy ra buộc nông dân và cư dân thành phố phải nhận trợ cấp nước từ các xe bồn.
Tất nhiên, những thách thức trong xã hội Ấn Độ như đã nói ở trên không chỉ riêng đối với quốc gia này, mà nó còn là phần còn lại của hành tinh.
Ấn Độ giờ đây sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và đóng vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Đặc biệt, Ấn Độ sẽ đăng cai nhiệm kỳ Chủ tịch Hội nghị Thượng Đỉnh G20 trong năm nay.
Điều này biến Ấn Độ như một "phòng thí nghiệm" của một thế giới đang phải đối mặt với tương lai ngày càng khó dự đoán và các quốc gia cần phải cùng nhau hợp tác, hành động, hỗ trợ và tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu chống biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, vấn đề sức khỏe và nghèo đói.
(Tổng hợp từ Le devoir, L'alsace, France Info, Radio-Canada)