1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhân loại vừa trải qua tháng Tư nóng nhất trong lịch sử

T.Thủy

(Dân trí) - Thế giới vừa trải qua tháng Tư nóng nhất từ trước đến nay và nhiều khả năng, năm 2024 sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của 2023 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo dữ liệu mới từ Copernicus, chương trình giám sát khí hậu toàn cầu của Liên minh Châu Âu, tháng 4/2024 được ghi nhận là tháng Tư nóng nhất trong lịch sử.

Những dữ liệu của Copernicus cho biết nhiệt độ trong tháng 4/2024 đã cao hơn 1,58 độ C so với mức nhiệt độ trung bình của các tháng Tư trong kỷ nguyên trước công nghiệp và cao hơn 0,67 độ C so với mức nhiệt độ trung bình của tháng Tư trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2020.

Điều này đánh dấu 11 tháng liên tiếp nhiệt độ toàn cầu tăng cao lên mức chưa từng thấy. Các nhà khoa học dự đoán khả năng cao năm 2024 sẽ vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.

Nhân loại vừa trải qua tháng Tư nóng nhất trong lịch sử - 1

Nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của nhiều người và gây ra những hậu quả nghiêm trọng (Ảnh minh họa: Getty).

Những hậu quả nghiêm trọng do nhiệt độ tăng cao đã được thể hiện rõ ràng. Nhiều vùng tại châu Á đang phải vật lộn với cái nóng chết người, các trường học tại Bangladesh phải đóng cửa khiến hàng triệu trẻ em không thể đến trường, người dân tại Ấn Độ phải vật lộn để mưu sinh dưới cái nóng lên đến 43 độ C…

Nhiệt độ của đại dương trên toàn cầu cũng đã lập kỷ lục về mức tăng nhiệt trong 13 tháng liên tiếp. Theo dữ liệu của Copernicus, nhiệt độ bề mặt đại dương đã đạt 21,04 độ C trong tháng 4/2024, mức cao nhất từng được ghi nhận trong bất kỳ tháng Tư nào và chỉ thấp hơn một chút so với nhiệt độ kỷ lục từng lập được vào tháng 3 vừa qua.

Tác động của nhiệt độ tăng cao với hệ sinh thái biển đang rất tàn khốc, chẳng hạn nhiều rạn san hô đã chết dần do nhiệt độ tăng cao, gây nên một tình cảnh tương tự như "cháy rừng", nhưng xảy ra ở dưới nước.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao chưa từng thấy đang bị thúc đẩy bởi xu hướng nóng lên trên Trái Đất, chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, kết hợp với El Nino, một hiện tượng khí hậu tự nhiên có xu hướng khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên.

Zeke Hausfather, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu tại Berkeley Earth, tổ chức phi chính phủ chuyên phân tích dữ liệu nhiệt độ mặt đất, cho biết hiện tượng El Nino đang suy yếu trên toàn cầu, nhưng thế giới vẫn đang chứng kiến cái nóng chưa từng thấy.

Hausfather dự đoán có 66% khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử và 99% khả năng năm nay sẽ là năm nóng thứ 2 trong lịch sử và vẫn chưa thể phá vỡ được kỷ lục về nhiệt độ của năm 2023.

"Nhiều khả năng, nhiệt độ trong năm 2024 sẽ cao hơn từ 0,3 đến 0,5 độ C so với mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong năm 2023", Zeke Hausfather cho biết.

Trước đó, các quốc gia đã đồng ý có những giải pháp để hạn chế sự nóng lên của toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ giai đoạn tiền công nghiệp. Mặc dù điều này đòi hỏi những giải pháp lâu dài trong nhiều thập kỷ, chứ không phải chỉ vài tháng hoặc trong một năm duy nhất, tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo việc nhiệt độ đang tăng lên nhanh chóng trên toàn cầu là một điều đáng báo động.

"Những gì xảy ra trong vài tháng tới sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ liệu nhiệt độ tăng cao bất ngờ trong năm 2024 có phải là một hiện tượng tạm thời, hay là dấu hiệu của một điều gì đó mới sẽ thúc đẩy sự nóng lên nhanh hơn dự đoán trước đây", Zeke Hausfather cho biết.

"Nếu nhiệt độ toàn cầu giảm xuống khỏi mức kỷ lục trong 2 tháng tới, đó sẽ là một dấu hiệu an ủi cho thấy khí hậu đang hoạt động theo hướng dễ dự đoán hơn một chút", Hausfather nói thêm. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo thêm ngay cả khi điều này xảy ra, khí hậu toàn cầu đang đi đúng hướng để nhiệt độ trung bình tăng thêm 3 độ C, điều này sẽ mang lại những hậu quả thảm khốc.

Carlo Buontemp, giám đốc Copernicus, cho biết trong khi các chu kỳ khí hậu tự nhiên như El Nino sẽ đến rồi đi, nhưng nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng do các hoạt động sản xuất công nghiệp, chăn nuôi gia súc, phương tiện giao thông… sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức kỷ lục mới.

Theo UL/Dtrends