Nam giới đi tiểu thế nào đúng khoa học?
(Dân trí) - Thói quen đi tiểu đứng ở nam giới (hay còn gọi là "tiểu đứng") đã hình thành ở đa số các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phương thức này lại không đúng theo khoa học.
Ngày 16/5, công ty phân tích dữ liệu YouGov đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát thú vị, khi phân tích tỷ lệ nam giới tiểu đứng và tiểu ngồi theo quốc gia.
Theo đó, tại Đức, có tới 62% tỷ lệ nam giới đi tiểu theo cách ngồi xuống. Trong khi đó tại một số quốc gia khác như Mỹ, Anh... chỉ có vỏn vẹn 23 - 24% nam giới được khảo sát làm điều này.
Bên cạnh đó, nam giới trẻ tuổi dường như có xu hướng tiểu ngồi nhiều hơn so với những người đàn ông lớn tuổi.
Vậy, thực sự cách đi tiểu nào mới là đúng theo khoa học?
Theo Gerald Collins, một bác sĩ phẫu thuật tiết niệu tại Bệnh viện Alexandra, Anh, tiểu ngồi sẽ tốt hơn cho nam giới. Đó đơn giản là vì tư thế này sẽ giúp bạn làm trống bàng quang hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, khi chúng ta đứng, các cơ ở xương chậu bị giãn căng, và không mang đến sự thoải mái. Khi bạn ngồi xuống, các cơ được thư giãn, làm cho việc đi tiểu nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Điều này thực sự mang đến nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, như tránh nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, hay sỏi bàng quang do nước tiểu còn đọng lại trong quá trình tiểu tiện.
Trước đó, một nghiên cứu đã được thực hiện với đối tượng là những người đàn ông bị phì đại tuyến tiền liệt. Kết quả của nghiên cứu khẳng định những bệnh nhân có triệu chứng đường tiết niệu dưới (LUTS) có thể đi tiểu dễ hơn khi họ thử ngồi xuống.
"Tư thế ngồi là tư thế tốt nhất cho nam giới có vấn đề về tiểu tiện. Điều này rất quan trọng về mặt lâm sàng, vì nước tiểu còn sót lại có thể dẫn đến các biến chứng như viêm bàng quang và sỏi bàng quang", nghiên cứu cho biết.