Cuộc chạy đua đến vùng cực của Mặt Trăng
(Dân trí) - Mới đây, Trung Quốc tuyên bố một lá cờ nữa sẽ tham gia bộ sưu tập những lá cờ trên Mặt Trăng vào cuối năm 2026, khi tàu Hằng Nga 7 đổ bộ xuống hành tinh này.
Đích đến là cực nam Mặt Trăng
Theo thông tin từ Phòng thí nghiệm Thám hiểm Không gian sâu của Trung Quốc (DSEL), lá cờ này sẽ được cắm trên một chiếc cột đứng độc lập và có thể bay phấp phới.
Một cán bộ ở Viện Công nghệ thuộc DSEL cho biết: "Sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của sinh viên trẻ về chương trình không gian của Trung Quốc và khơi dậy sự quan tâm của họ trong việc theo đuổi hoạt động khám phá không gian trong tương lai".
Hằng Nga 7 cũng được giao một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Con tàu sẽ hạ cánh ở rìa hố va chạm Shackleton ở cực nam Mặt Trăng.
Đáy hố va chạm Shackleton không bao giờ có ánh sáng chiếu rọi là một đặc điểm thú vị. Nơi đây được cho là có chứa nước đá. Tàu Hằng Nga 7 cũng sẽ đem theo 6 thiết bị từ 6 quốc gia, trong đó có một xe tự hành nhỏ và một đài thiên văn do Hiệp hội Quan sát Mặt Trăng quốc tế chế tạo.
Trong chương trình Apollo của Hoa Kỳ, sáu con tàu có người lái đã hạ cánh xuống Mặt Trăng bắt đầu từ Apollo 11 vào năm 1969, và các nhà du hành đã để lại một số lá cờ đánh dấu những bước chân đầu tiên của con người đối với hành tinh này.
Trước đây, NASA của Mỹ cũng chọn hố va chạm Shackleton làm một trong những địa điểm cho tàu thám hiểm VIPER hạ cánh, nhưng dự án này đã bị hủy bỏ.
Việc có một lá cờ trên Mặt Trăng mang tính biểu tượng nhiều hơn là lợi ích vật chất.
Kế hoạch chinh phục vũ trụ tới đây của Trung Quốc
2025 và 2026 là hai năm bận rộn của Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc. Họ dự kiến phóng con tàu đầu tiên để lấy mẫu vật từ tiểu hành tinh Kamo' oalewa và sao chổi 311P/PanSTARRRS về Trái Đất.
Đây sẽ là nhiệm vụ của tàu Thiên Vấn 2 vào tháng 5/2025. Đến đầu năm 2026, nước này sẽ phóng kính viễn vọng không gian Tuần Thiên. Kính thiên văn này sẽ kết nối với trạm vũ trụ có người lái Thiên Cung nhằm mục đích nâng cấp và bảo trì.
Việc cắm cờ trong không gian mênh mông ngoài Trái Đất không phải là điều mới mẻ. Tất cả các con tàu vũ trụ đều gắn cờ. Lá cờ của Mỹ được gắn trên tàu New Horizons đang hướng ra khỏi Hệ Mặt trời. Biểu tượng này có thể sẽ tồn tại lâu hơn cả nước Mỹ và nhân loại.
Những lá cờ Mỹ do các nhà du hành cắm trên Mặt Trăng có thể đã bị tẩy trắng do bức xạ cực tím rất mạnh từ Mặt Trời, nhưng ít nhất những bức ảnh do tàu thăm dò bay trên quỹ đạo Mặt Trăng của NASA chụp cho thấy những lá cờ này vẫn còn đứng đó.
Kỷ lục lá cờ đầu tiên xuất hiện trên Mặt Trăng là do tàu Luna 2 của Liên Xô cắm. Đây là con tàu vũ trụ đầu tiên chạm tới Mặt Trăng vào năm 1959.