Một thói quen hằng ngày có thể biến con người thành "nam châm" hút muỗi
(Dân trí) - Xà phòng chứa các chất tạo mùi hương hoa và nó có thể hấp dẫn muỗi khiến loài vật này tấn công chúng ta nhiều hơn.
Nhiều người thường nghĩ rằng, việc sử dụng các loại xà bông, xà phòng để vệ sinh cơ thể hay giặt quần áo có thể giúp tránh được việc muỗi đốt.
Nhưng hương nước hoa trong các bánh xà phòng có thể khiến chúng ta trở nên hấp dẫn hơn đối với chúng.
Một nghiên cứu được công bố gần đây hé lộ, loài muỗi có thể bị thu hút bởi xà phòng vì khi chúng không hút đủ máu, loài vật này sẽ bổ sung lượng đường từ mật hoa thực vật và xà phòng vô hình lại chứa nhiều mùi hương này.
Tác giả của nghiên cứu, Clément Vinauger, Đại học Bách Khoa Virginia (Hoa Kỳ) giải thích:" Trong xà phòng chứa các thành phần có mùi hương hoa, trái cây,... rất hấp dẫn đối với loài muỗi. Khi loài vật này không hút đủ máu, chúng thường tìm đến mật hoa.
Chính vì thế, khi chúng ta sử dụng xà phòng hay sữa tắm vô hình chung con người tự biến cơ thể mình thành một "nam châm" hút muối tấn công mình".
Nhà nghiên cứu lưu ý, không phải bất kỳ ai sử dụng sản phẩm này cũng đều thu hút muỗi, nó còn phụ thuộc vào sự tương tác giữa xà phòng và cơ thể của mỗi người.
"Cùng một người khi sử dụng loại xà phòng này có thể thu hút muỗi, nhưng họ cũng có thể xua đuổi chúng bằng một loại xà phòng khác", Vinauger cho biết thêm.
Nghiên cứu kết luận rằng, việc lựa chọn xà phòng có thể giải thích một phần lý do tại sao một số người là "nam châm" hút muỗi trong khi những người khác lại không bị chúng cắn.
Trước đó, một nghiên cứu khác đến từ các nhà khoa học tại Đại học Ohio (Mỹ) cũng đã cảnh báo, vấn đề ô nhiễm ánh sáng tại các thành phố lớn trên thế giới đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng khiến loài muỗi hoạt động mạnh, chúng sẽ chích người nhiều hơn và nguy cơ lây truyền virus gây bệnh càng lớn.
Theo nghiên cứu, vào mùa đông, loài muỗi thường bước vào giai đoạn ngủ đông, chúng thường trú ở những nơi như trong hầm, nhà kho hoặc giếng nước.
Nhưng khi đối mặt với ánh sáng của các thành phố, muỗi sẽ ngừng quá trình này và bước vào giai đoạn sinh sản một lần nữa, khi đó con cái cần máu để phát triển trứng, vì thế chúng sẽ chích chúng ta.
Bên cạnh đó, ô nhiễm ánh sáng còn gây mất cân bằng sinh thái, ánh sáng nhân tạo làm xáo trộn nhịp sinh học của muỗi có thể làm chúng kiệt sức và chết.
Điều này dẫn tới hậu quả kép có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và con người.
Muỗi đốt từ mùa hè sang mùa đông, nhưng cũng nhiều trong số chúng chết trong mùa đông. Ảnh hưởng này sẽ làm sụp đổ quần thể muỗi, dẫn tới tình trạng thiếu thức ăn cho các loài động vật ăn chúng vào mùa xuân.