Mắc sai lầm khi xử lý rắn hổ mang, chuyên gia trả giá bằng mạng sống
(Dân trí) - Một chuyên gia bắt rắn người Ấn Độ đã phải trả giá bằng cả mạng sống khi người này mắc sai lầm trong quá trình xử lý rắn hổ mang, tạo cơ hội cho con vật cắn vào tay.
Truyền thông địa phương đưa tin hồi đầu tuần, một người dân sống tại một ngôi làng gần thành phố Nagpur, bang Maharashtra, Ấn Độ đã bị kinh hãi khi phát hiện một con rắn hổ mang trườn vào nhà.
Người này ngay lập tức nhờ đến Sunil, một chuyên gia bắt rắn địa phương, để xử lý tình huống nguy hiểm này.
Khi Sunil đến nơi, con rắn hổ mang đã chui vào ẩn nấp dưới bàn bếp. Con rắn ngóc cao đầu, phình mang đầy đe dọa, nhưng Sunil, với kinh nghiệm của mình, đã nhanh chóng khống chế con rắn độc.
Sunil, với nhiệm vụ bảo vệ và thả rắn về môi trường tự nhiên, đã cố gắng đưa con rắn hổ mang vào túi đựng. Tuy nhiên, trong quá trình này, anh đã sơ suất và bị rắn cắn vào tay.
Sunil nhanh chóng gỡ con rắn ra khỏi tay và tiếp tục nhét nó vào túi đựng. Dù bị rắn hổ mang cắn, anh vẫn chủ quan không đến bệnh viện, dẫn đến việc bị nhiễm chất độc và mất mạng.
Vụ việc này là một lời cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ khi tự xử lý rắn độc. Ngay cả những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm như Sunil cũng có thể gặp nguy hiểm chỉ với một sơ suất nhỏ.
Sự việc còn nhấn mạnh tầm quan trọng của can thiệp y tế kịp thời sau khi bị rắn độc cắn. Con rắn hổ mang cắn chết Sunil được xác định là một cá thể rắn hổ mang Ấn Độ, một trong "tứ đại rắn độc" tại quốc gia này, bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa.
Rắn hổ mang Ấn Độ có kích thước vừa phải, chiều dài khoảng từ 1 đến 1,5m, đôi khi lên đến hơn 2m. Chúng thường ăn động vật gặm nhấm, chim nhỏ, cóc, ếch và các loài rắn khác.
Vì chế độ ăn uống và săn bắt chuột, rắn hổ mang Ấn Độ thường xuất hiện tại các khu vực sinh sống của con người, dẫn đến nhiều vụ rắn cắn. Tuy nhiên, loài rắn này lại được tôn kính trong văn hóa và tôn giáo tại Ấn Độ.