DNews

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì "đóng giả" hổ mang

T.Thủy

(Dân trí) - Rắn hổ mang là một trong những loài rắn độc đáng sợ nhất thế giới, do vậy, không ít loài rắn vô hại cũng học theo cách tự vệ của hổ mang, đó là ngóc đầu và bành mang để đe dọa kẻ thù.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì "đóng giả" hổ mang

Loài rắn vô hại thích "đóng giả" hổ mang để đe dọa kẻ thù

Nhắc đến rắn hổ mang, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những loài rắn độc đáng sợ với khả năng ngóc cao đầu và phồng mang để đe dọa kẻ thù. Chính nhờ đặc điểm này, loài người có thể dễ dàng nhận ra những con rắn hổ mang cực độc để tránh xa.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì đóng giả hổ mang - 1

Các loài rắn hổ mang đặc trưng với kiểu ngóc cao đầu và phồng mang để đe dọa kẻ thù (Ảnh: iNaturist/TNP).

Không ít loài rắn không sở hữu nọc độc cũng đã học theo kiểu dáng phòng ngự của rắn hổ mang để đe dọa kẻ thù. Một trong những loài đó là rắn hổ xiên mắt to.

Rắn hổ xiên mắt to, còn được gọi là rắn tre mắt to, có tên khoa học Pseudoxenodon macrops, là một loài thuộc chi rắn hổ xiên (tên khoa học Pseudoxenodon), thuộc họ rắn nước. Đây là loài rắn đặc hữu chỉ phân bố ở châu Á, bao gồm các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Lào, Thái Lan.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì đóng giả hổ mang - 2

Một cá thể rắn hổ xiên mắt to với phần chữ "V" ngược phía sau cổ, được chụp tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Bernhard Forster).

Tại Việt Nam, loài rắn này được phân bố ở các vùng núi cao thuộc tỉnh Lào Cai (Sapa), Lạng Sơn (Mẫu Sơn), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Quảng Bình (Phong Nha - Kẻ Bàng), Huế (Bạch Mã), Lâm Đồng (Núi Bà)…

Loài rắn này thường sống ở những khu rừng rậm rạp gần các dòng suối, ở độ cao khoảng từ 500m đến 1.500m so với mực nước biển. Đó là lý do vì sao con người thường ít khi bắt gặp và đụng độ với rắn hổ xiên mắt to.

Đúng như tên gọi của mình, rắn hổ xiên mắt to sở hữu đôi mắt kích thước lớn, nổi bật trên gương mặt, với đồng tử tròn. Rắn có đầu không phân biệt rõ với cổ.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì đóng giả hổ mang - 3

Rắn hổ xiên mắt to sở hữu mắt kích thước lớn, đồng tử tròn (Ảnh: Rohit Naniwadekar).

Hổ xiên mắt to là loài rắn kích thước nhỏ, với chiều dài khi trưởng thành chỉ khoảng từ 80cm đến 120cm. Rắn thường có màu nâu, xám hoặc đôi khi màu cam, xanh lục… với các sọc vắt ngang cơ thể. Phía sau gáy của rắn có hình chữ "V" ngược hướng lên phía đầu. Màu sắc bên ngoài giúp hổ xiên mắt to dễ dàng ẩn nấp và ngụy trang khi săn mồi hoặc khi lẩn trốn kẻ thù.

Hổ xiên mắt to là loài rắn hoạt động và săn mồi vào ban ngày. Thức ăn chính của loài rắn này đó là thằn lằn và các loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái.

Rắn hổ xiên mắt to có độc hay không?

Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật luôn có những cách khác nhau để sinh tồn. Có những loài sở hữu nọc độc để giết chết kẻ thù, có những loài tìm cách ngụy trang để lẩn trốn. Ngoài ra, có những loài biết cách học theo hình dáng bên ngoài của những loài khác có độc để đe dọa kẻ thù và rắn hổ xiên mắt to là một trong số đó.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì đóng giả hổ mang - 4

Khi bị đe dọa, rắn hổ xiên mắt to ngóc cao đầu và phình rộng phần cổ để trông giống rắn hổ mang (Ảnh: Rohit Naniwadekar).

Hổ xiên mắt to là loài rắn hiền lành và luôn tìm cách lẩn trốn khi gặp kẻ thù. Nếu bị đe dọa, chúng sẽ ngóc cao đầu và tìm cách bành rộng phần cổ để khiến vẻ ngoài của nó giống như rắn hổ mang. Họa tiết phía sau cổ của loài rắn này cũng khiến nó càng giống với rắn hổ mang hơn.

Trong khi kẻ thù đang còn e ngại vì tưởng rằng đang phải đối mặt với rắn hổ mang, hổ xiên mắt to sẽ tận dụng cơ hội để tìm cách lẩn trốn.

Rắn hổ xiên mắt to ngóc đầu và bành cổ để đóng giả hổ mang khi bị đe dọa (Video: Camp Tlangram).

Trên thực tế, rắn hổ xiên mắt to cũng sở hữu nọc độc và là loài có nanh độc sau, nghĩa là răng nanh để tiêm nọc độc của loài rắn này nằm sâu ở phía trong hàm trên, gần cổ họng, thay vì nằm ngay phía ngoài hàm như phần lớn các loài rắn độc khác.

Do vị trí răng nanh nằm sâu phía trong, hổ xiên mắt to và các loài rắn độc nanh sau nói chung thường phải cắn sâu vào con mồi hoặc kẻ thù để đưa răng nanh vào vị trí thích hợp mới có thể tiêm nọc độc. Điều này khiến cho việc tiêm nọc độc của các loài rắn độc nanh sau ít hiệu quả hơn so với các loài rắn độc nanh trước.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì đóng giả hổ mang - 5

Tư thế tự vệ của rắn hổ xiên mắt to khiến nhiều người nhầm lẫn đây là rắn hổ mang nên thường tìm cách tiêu diệt chúng (Ảnh: Leonid A. Neymark).

Khi tấn công, rắn hổ xiên mắt to cũng chỉ thường tung ra cú cắn khô, nghĩa là không kèm theo nọc độc. Ngoài ra, nọc độc của loài rắn này cũng rất yếu và không đủ gây nguy hiểm cho con người. Do vậy, hổ xiên mắt to là loài rắn vô hại với con người.

Dù hổ xiên mắt to là loài có bản tính hiền lành và luôn tìm cách lẩn trốn con người, tuy nhiên, do loài rắn này có thói quen đóng giả rắn hổ mang khi bị đe dọa khiến chúng thường xuyên bị con người tiêu diệt khi bắt gặp, bởi lẽ không phải ai cũng có đủ sự bình tĩnh cũng như có đủ kiến thức để phân biệt giữa rắn hổ xiên mắt to vô hại và rắn hổ mang.

Loài rắn vô hại nhưng thường bị chết oan vì đóng giả hổ mang - 6

Dù tư thế tự vệ giống rắn hổ mang, hổ xiên mắt to lại dễ nhận biết nhờ đôi mắt kích thước lớn trên gương mặt (Ảnh: TNP).

Dĩ nhiên, việc phân biệt giữa các loài rắn khác nhau để nhận biết đó có phải là rắn độc hay không là điều phức tạp và không phải ai cũng có đủ kiến thức để làm điều đó. Do vậy, khi bắt gặp rắn và không thể chắc chắn đó có phải là loài có độc hay không, hãy tìm cách tránh xa chúng thay vì cố gắng bắt giữ hoặc tấn công để tránh trường hợp bị rắn cắn dẫn đến tai nạn đáng tiếc.