Kế hoạch giải cứu phi hành gia của NASA trong trường hợp khẩn cấp

Minh Khôi

(Dân trí) - NASA sẽ mang đến cải tiến cho hệ thống thoát hiểm khẩn cấp bằng đường dây cáp trong sứ mệnh Artemis 2.

Lịch sử Hệ thống thoát hiểm khi phóng của NASA

Kế hoạch giải cứu phi hành gia của NASA trong trường hợp khẩn cấp - 1

Cabin thoát hiểm khẩn cấp bằng cáp treo được sử dụng lần đầu tiên trong sứ mệnh Artemis 2 (Ảnh: NASA).

Kể từ khi NASA bắt đầu đưa phi hành gia vào không gian, cơ quan này đã dựa vào các hệ thống khẩn cấp để phi hành gia có thể rời khỏi bệ phóng một cách an toàn và thoát khỏi nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp không mong muốn xảy ra trong quá trình đếm ngược.

Trong các chương trình Mercury (1959-1963) và Gemini (1965-1966), NASA đã sử dụng hệ thống thoát hiểm phóng trên tàu vũ trụ để phi hành đoàn có thể sơ tán an toàn nếu cần.

Mặc dù các hệ thống này vẫn được sử dụng cho tàu vũ trụ ngày nay, song các tuyến đường khẩn cấp trên mặt đất đã được áp dụng bổ sung, kể từ các sứ mệnh Apollo.

Điều này nhằm giải cứu không chỉ phi hành đoàn mà còn bao gồm tất cả nhân sự còn lại ở bệ phóng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Mặc dù hệ thống đã thay đổi theo thời gian và mỗi bệ phóng khác nhau sử dụng hệ thống thoát hiểm khác nhau, nhưng mục tiêu chung là vẫn đảm bảo đưa người nhanh chóng rời khỏi bệ phóng và đến nơi an toàn.

Công nghệ thoát hiểm tiên tiến được áp dụng trong sứ mệnh Artemis 2

Kế hoạch giải cứu phi hành gia của NASA trong trường hợp khẩn cấp - 2

4 cabin thoát hiểm khẩn cấp dành cho phi hành gia sứ mệnh Artemis 2 tại Khu phức hợp Phóng 39B, Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida (Ảnh: NASA).

Kể từ sứ mệnh Artemis 2, dự kiến được triển khai vào tháng 9/2025, chương trình Hệ thống Mặt đất Thăm dò (EGS) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ) sẽ sử dụng cáp ray kết nối bệ phóng di động với khu vực chu vi của bệ phóng.

Hệ thống này gồm 4 khoang cabin cứu hộ, với kích thước tương tự như một chiếc SUV nhỏ, đặt ở vị trí gần cửa, nơi phi hành đoàn bước vào tàu vũ trụ.

Mục đích của chúng là mang đến một phương tiện thoát hiểm cần thiết cho phi hành đoàn trong trường hợp khẩn cấp.

Mỗi cabin được gắn vào một đường dây cáp chịu lực dài hơn 400 mét, được thiết kế để chở tối đa 5 người, với trọng lượng tối đa là 680 kg.

Các phi hành đoàn sẽ trượt theo hệ thống cáp treo, di chuyển đến chu vi bệ phóng hoặc khu vực cuối bệ phóng, nơi họ có được sự bảo vệ từ đội ứng phó khẩn cấp.

Kế hoạch giải cứu phi hành gia của NASA trong trường hợp khẩn cấp - 3

Sơ đồ mô phỏng cách thức hoạt động của cabin cứu hộ (Ảnh: NASA).

Theo ông Charlie Blackwell-Thompson, Giám đốc sứ mệnh Artemis, việc xây dựng hệ thống thoát hiểm mới chứng minh khả năng ứng phó thoát hiểm khẩn cấp của NASA trong mọi tình huống có thể xảy ra.

"Mục tiêu của chúng tôi là phi hành đoàn, và họ sẽ được bảo vệ an toàn ngay cả trước và trong quá trình phóng tàu", ông Thompson chia sẻ.

Được biết, Artemis 2 sẽ là sứ mệnh đầu tiên của NASA với phi hành đoàn trên hệ thống thoát hiểm khẩn cấp mặt đất mới. Cùng với đó, sứ mệnh sẽ được triển khai cùng Hệ thống phóng không gian SLS và tàu vũ trụ Orion.

Đây cũng đều là những công nghệ và trang thiết bị mới, lần đầu tiên được NASA sử dụng trong một sứ mệnh phóng tàu.

Mặc dù đến nay, không có sứ mệnh nào của NASA cần sử dụng hệ thống thoát hiểm khẩn cấp trên mặt đất trong quá trình đếm ngược.

Dẫu vậy, các biện pháp an toàn đó vẫn được áp dụng và duy trì như một ưu tiên hàng đầu của cơ quan này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm