Hành động khôn khéo của loài chim ác là khiến các nhà khoa học bối rối

Minh Khôi

(Dân trí) - Chim ác là tháo các thiết bị theo dõi được gắn trên người chúng và đồng loại, cho thấy đây là những sinh vật thông minh, có tính xã hội cao.

Hành động khôn khéo của loài chim ác là khiến các nhà khoa học bối rối - 1

Hành động khôn khéo của loài chim ác là khiến các nhà khoa học bối rối.

Một nhóm nhỏ chim ác là Úc (Cracticus tibicen) hay còn gọi là chim bồ các, chim hỉ thước... mới đây đã có những hành động kỳ lạ, khiến các nhà khoa học sửng sốt.

Cụ thể, sau khi được họ gắn các thiết bị theo dõi dưới dạng dây đeo quanh người, chim ác là đã bất ngờ gỡ chúng ra. Không chỉ vậy, chúng còn thay phiên giúp nhau để tháo các thiết bị trên người đồng loại.

"Những con chim đã qua mặt chúng ta", Dominique Potvin, nhà điểu học tại Đại học Sunshine Coast ở Queensland, Úc, cho biết. "Chúng sẵn sàng giúp đỡ những cá thể khác và chấp nhận sự giúp đỡ".

Được biết, thiết bị theo dõi này chỉ có trọng lượng dưới 1 gram, được đeo quanh người chim với khả năng sạc không dây và truyền dữ liệu về trung tâm. Tuy nhiên, có khả năng thiết bị theo dõi bị chim coi là ký sinh trùng, cần phải loại bỏ. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu chưa tính đến khi thực hiện dự án.

Theo các nhà khoa học, hành động này là một dấu hiệu tiềm ẩn của lòng vị tha và bằng chứng mạnh mẽ về khả năng giải quyết vấn đề giữa những sinh vật thông minh và có tính xã hội cao này.

Hành động khôn khéo của loài chim ác là khiến các nhà khoa học bối rối - 2

Chim ác là Úc có những biểu hiện cho thấy chúng là sinh vật thông minh và có tính xã hội cao.

Đối với con người, hành vi này xảy ra khi một người cố gắng giải cứu một cá nhân khác đang gặp nạn mà không mang lại lợi ích trực tiếp rõ ràng cho người giải cứu. Điều tương tự đã được loài chim ác là Úc thể hiện, cho thấy chúng thực sự có ý "giải cứu" lẫn nhau.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hành vi này ở những loài động vật, hay côn trùng có tính xã hội cao như loài kiến, hay chim chích Seychelles khi chúng thường xuyên giải phóng nhau khỏi những vật thể như hạt cây, nhựa cây... dính trên người. Tuy nhiên, hành vi giải cứu ở loài chim ác là Úc là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trên giống loài này.

Trong những năm gần đây, việc dõi chim ác là trở nên vô cùng quan trọng đối với các nỗ lực bảo tồn, vì loài chim này dễ bị tổn thương trước tần suất và cường độ ngày càng tăng của các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, việc hợp tác trong những bối cảnh tương tự là điều rất tốt, vì nó làm tăng cơ hội sống sót của một thành viên trong nhóm, từ đó thúc đẩy hoạt động chung của giống loài khi các thành viên đều ở trạng thái khỏe mạnh.

Nghiên cứu hiện được công bố trên tạp chí Australian Field Ornithology.

Theo gizmodo.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm