1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chim cắt thảo nguyên đoạt mạng vịt trời bằng cú bổ nhào "vô ảnh"

Minh Khôi

(Dân trí) - Cú bổ nhào lên tới 90 km/h của chim cắt trúng đích khiến con vịt trời hoàn toàn không kịp trở tay, và nhanh chóng bị kết liễu.

Chim cắt thảo nguyên đoạt mạng vịt trời bằng cú bổ nhào "vô ảnh"

Dân gian có câu "Nhanh như cắt", ngầm khẳng định khả năng và tốc độ đáng kinh ngạc của loài chim cắt trong thế giới tự nhiên. Chứng kiến những thước phim trên, có thể thấy điều này được mô tả chính xác thế nào, khi một con chim cắt thuộc giống cắt thảo nguyên dẫu chưa trưởng thành, nhưng đã có thể kết liễu dễ dàng vịt trời bằng cú bổ nhào ở tốc độ cực cao.

Được biết, đoạn video được ghi lại ở vùng ngoại ô Calgary - thành phố phía Nam của tỉnh Alberta, Canada, nơi những đàn vịt trời đông đảo thường kiếm ăn trên các cánh đồng gần đó, và thu hút nhiều loài chim săn mồi đến với "bữa tiệc buffet vịt". Trong đó, có thể thấy chỉ trong chớp mắt, một con vịt trời thuộc giống vịt Drake (Mareca americana) đang thản nhiên nằm nghỉ ngơi bỗng bị xé toạc phần đầu, rồi lăn quay ra đất. Vài giây sau, nó đã hoàn toàn bất tỉnh, và con chim cắt xuất hiện để thực hiện nốt phần việc còn lại.

Chim cắt thảo nguyên đoạt mạng vịt trời bằng cú bổ nhào vô ảnh - 1

Cận cảnh chim săn mồi bấu những móng vuốt vào đầu con vịt xấu số và xé toạc đầu của nó.

Phân tích đoạn video, các nhà tự nhiên học đo được tốc độ của con chim đạt tới trên 90 km/h trong lúc bổ nhào, khiến nạn nhân hoàn toàn không kịp trở tay, hay thậm chí là nhận ra sự xuất hiện của kẻ địch. Được biết, chim cắt thảo nguyên thường sử dụng phương pháp săn mồi này khi đối đầu với các loài thủy cầm kiếm ăn trên đồng ruộng. Rõ ràng, vịt trời nặng và khỏe hơn. Do đó, chim cắt cần giảm thiểu khả năng kháng cự của con vật bằng cách tung ra một "cú đấm" trực tiếp.

Cắt thảo nguyên (Falco mexicanus) là một loài chim thuộc chi Cắt trong họ Falconidae, phân bố ở tây Bắc Mỹ. Chúng có sải cánh dài, nhưng mỏng và nhọn, cho phép thực hiện những cú bổ nhào từ trên không trung với tốc độ rất cao.

Phát triển trong môi trường sa mạc khắc nghiệt với mật độ con mồi thấp, chim cắt thảo nguyên đã phát triển thành một kẻ săn mồi hung hăng và cơ hội, có thể săn cả động vật có vú và các loài chim lớn.

Chim cắt thảo nguyên thường bay rất cao để quan sát, tìm con mồi với thị giác đặc biệt tốt của chúng. Sau khi quan sát thấy "kẻ xấu số", chim nhanh chóng liệng xuống và dần tăng tốc độ.

Chim cắt thảo nguyên đoạt mạng vịt trời bằng cú bổ nhào vô ảnh - 2

Chim cắt thảo nguyên đang thực hiện một cú bổ nhào từ trên không trung (Ảnh: AP).

Với khả năng thực hiện những cú bổ nhào có vận tốc lên tới 100 km/h từ trên cao xuống con mồi, chim cắt thảo nguyên được xem là một trong những loài động vật có thiết kế khí động học tối ưu bậc nhất trong tự nhiên, và thậm chí được con người nghiên cứu để áp dụng trong động cơ phản lực. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải con số tuyệt đối mà chim cắt có thể đạt được. "Ông vua tốc độ" trong loài này là chim cắt Peregrine, có thể đạt tới tốc độ lên tới xấp xỉ 400 km/h.

Vị trí tấn công ưa thích của chim cắt chính là phần đầu hoặc tròng mắt của con mồi. Bằng sự kết hợp giữa tốc độ cực nhanh và móng vuốt sắc nhọn, con mồi thường sẽ bị choáng váng và bất tỉnh sau pha va chạm được chim cắt thực hiện.

Sau khi có được lợi thế này, chim cắt thảo nguyên từ từ tiếp cận, dùng móng vuốt và chiếc mỏ khoằm với một mấu sắc (được gọi là răng) có thể bẻ gãy xương sống, cũng như rỉa thịt con mồi.

Trong tự nhiên, chim cắt đứng ở gần đầu chuỗi thức ăn, và có rất ít thiên địch. Tuy nhiên, đã có trường hợp chim cắt bị săn và giết chết bởi những loài chim săn mồi lớn khác, chẳng hạn như cú sừng.