Giải Nhất Nhân tài Đất Việt KHCN: Tự tin "so găng" công nghệ nước ngoài

Minh Nhật

(Dân trí) - Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đã giành giải Nhất lĩnh vực KHCN của giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16.

Để sấy, chế biến ngô giống thường qua 3 công đoạn sấy (sấy bắp, sấy ngô hạt và sấy hạt sau nhuộm màu xử lý hóa chất) và sử dụng đến nguồn năng lượng (năng lượng nhiệt và điện). Ở mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên, dù lựa chọn công nghệ hay phương pháp nào thì khách hàng đều mong muốn đạt được những tiêu chí nhất định như: tiết kiệm năng lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu suất làm việc...

Xuất phát từ thực tiễn đặt ra là phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất giống chú trọng đến an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, Bộ Công Thương: PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, ThS Mai Thanh Huyền, ThS Nguyễn Văn Tiến và các cộng sự, đã cho ra đời hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường (gọi tắt là hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng) sau nhiều năm nghiên cứu.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt KHCN: Tự tin so găng công nghệ nước ngoài - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao giải cho nhóm tác giả đạt giải Nhất lĩnh vực Khoa học Công nghệ.

Với những ưu điểm vượt trội về mặt công nghệ cũng như ý nghĩa thực tiễn mang lại cho xã hội, Công trình đã vinh dự giành được giải Nhất, lĩnh vực Khoa học Công nghệ của giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16. Nhóm tác giả đạt giải Nhất nhận được phần thưởng trị giá 200 triệu đồng.

Chia sẻ tại Lễ trao giải, PGS.TS Nguyễn Đình Tùng (Chủ nhiệm công trình) cho biết, để có được thành quả này, nhóm đã miệt mài, nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu trong và ngoài nước. Nhiều cuộc họp trực tuyến cùng hàng trăm cuộc gọi lúc nửa đêm đã diễn ra để trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp tối ưu.

PGS Tùng phân tích: "Để hoàn thành dây chuyền này là sự tích hợp của rất nhiều các loại máy móc. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm xuyên suốt bề dày lịch sử phát triển hơn 50 năm của Viện. Từng khâu máy móc kết hợp lại để hình thành một dây chuyền đồng bộ chứ không phải công trình trong một sớm một chiều".

Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, cho ra đời nhiều phiên bản, phiên bản sau lại cải tiến, nâng cấp hơn phiên bản trước, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời Hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng hoàn thiện.

Theo PGS Tùng, Hệ thống này có 3 đặc điểm đột phá chính so với các sản phẩm hiện có trên thị trường:

Thứ nhất đây là dây chuyền đồng bộ khép kín. Về công nghệ, sản phẩm này tương đương với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến như: Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng giá thành lại rất thấp.

Điểm đột phá thứ hai là về chất lượng thành phẩm và khả năng bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm năng lượng.

Chính vì chủ động hoàn toàn công nghệ và liên tục cải tiến đã đảm bảo được tính ổn định và thông suốt của dây chuyền sản xuất. Ví dụ như khi cần bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa, các doanh nghiệp có thể chủ động được, không bị đứt gãy, gián đoạn như khi sử dụng máy nhập khẩu nước ngoài.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt KHCN: Tự tin so găng công nghệ nước ngoài - 2

Hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường của nhóm tác giả.

"Dây chuyền của chúng tôi giúp giảm giá thành đầu tư so với nhập khẩu từ các nước: bằng khoảng 25-30% từ các nước châu Âu (Đức); và khoảng 40-50% từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản). Về hiệu quả năng lượng, tổng năng lượng tiết kiệm được trung bình khoảng 29,33 - 33,33%. Sản phẩm này cũng giúp tăng độ đồng đều phân phối dòng tác nhân sấy, cân bằng áp suất theo bề mặt diện tích và không gian buồng sấy, tăng hiệu quả trao đổi nhiệt ẩm, giảm tổn thất năng lượng ra môi trường; tăng đồng đều về chất lượng sản phẩm sấy/tăng chất lượng của sản phẩm hạt giống; tăng chất lượng làm sạch, độ đồng đều, độ sạch cao, rút ngắn thời gian sấy", PGS Tùng phân tích.

Hiện tại, dây chuyền đồng bộ đã được ứng dụng vào sản xuất ở Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (Hòa Bình). Bên cạnh đó, từng công đoạn của dây chuyền đã và đang được ứng dụng ở rất nhiều nhà máy sản xuất giống trên cả nước.

"Khi bắt đầu tiếp cận các doanh nghiệp đã sử dụng qua dây chuyền của nước ngoài, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì họ đều nghĩ rằng sản phẩm nội khó có thể cạnh tranh về chất lượng với hàng nhập ngoại. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, các doanh nghiệp đánh giá rất cao chất lượng dây chuyền của chúng tôi. Dây chuyền vừa đảm bảo chất lượng thành phẩm giống cao, trong khi giá thành lại rất thấp so với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài", PGS Tùng chia sẻ.

Chia sẻ về cảm nghĩ sau khi được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt, PGS Tùng nhấn mạnh rằng, đây là vừa là niềm vui, niềm vinh hạnh vừa là trách nhiệm đặt ra cho từng thành viên của nhóm nghiên cứu.

"Chúng tôi đều rất vui và phấn khởi nhưng kèm theo đó là rất nhiều trăn trở, trách nhiệm. Việc được Ban tổ chức đánh giá cao trong vấn đề chuyên môn và xã hội thôi thúc chúng tôi làm sao phải luôn nâng cấp, cải tiến sản phẩm của mình để tốt hơn nữa", PGS Tùng chia sẻ, "Mỗi cá nhân phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng mà mình đã được nhận, cũng như đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp và xã hội".

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội khuyến học Việt Nam khởi xướng, Báo điện tử Dân trí và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức từ năm 2004 với mục tiêu ban đầu là tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin của Việt Nam. Trải qua 16 mùa giải không ngừng mở rộng và phát triển, đến nay Nhân tài Đất Việt đã trở thành Giải thưởng có quy mô lớn nhất và uy tín nhất Việt Nam với các lĩnh vực quan trọng là Công nghệ thông tin, Khoa học ứng dụng, Y dược, Môi trường, và Giải thưởng Khuyến học - Tự học thành tài.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã vinh danh hàng trăm công trình khoa học, sản phẩm công nghệ, trở thành bệ phóng vững chắc cho hàng trăm sản phẩm được ứng dụng vào thực tế, phát triển và mở rộng thị trường. Đây là hành trình đầy tự hào không chỉ của sự nỗ lực, của ước mơ, của khát khao cống hiến khám phá khoa học mà còn của trách nhiệm, sứ mệnh từ những người đi trước truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo. 

Với ý nghĩa nhân văn cùng những kết quả thiết thực, Giải thưởng luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.