DMagazine

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ

(Dân trí) - Liên tiếp những sự cố xảy ra từ các tàu vũ trụ đang neo đậu trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS buộc Cơ quan Vũ trụ Nga phải phóng một tàu vũ trụ khác để giải cứu phi hành đoàn trong tình huống khẩn cấp.

Liên tiếp những sự cố xảy ra từ các tàu vũ trụ đang neo đậu trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS buộc Cơ quan Vũ trụ Nga phải phóng một tàu vũ trụ khác để giải cứu phi hành đoàn trong tình huống khẩn cấp.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 1

Cuối tháng 12 năm ngoái, một sự cố xảy ra với tàu vũ trụ Soyuz MS-22 của Nga khiến cho sứ mệnh đi bộ ngoài không gian của các phi hành gia đang làm việc trên ISS phải hủy bỏ.

Trạm vũ trụ Quốc tế ISS (Ảnh: PBS).

Trạm vũ trụ Quốc tế ISS (Ảnh: PBS).

Một quan chức của Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, vụ rò rỉ lượng lớn chất làm mát đã xảy ra từ tàu MS-22 khi nó đang neo đậu trên trạm vũ trụ, nguyên nhân có thể do một vi thiên thạch nhỏ ngoài không gian va chạm vào bộ tản nhiệt.

Sự cố của Soyuz MS-22 có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống làm mát tổng của con tàu nhưng không có mối đe dọa nguy hiểm nào đối với phi hành đoàn đang làm việc trên trạm vũ trụ.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 5

Song con tàu cũng không còn đủ an toàn để đưa các phi hành gia trở về Trái đất do nhiệt độ trong khoang lái của nó có thể tăng đến mức gây nguy hiểm cho họ.

Sự cố rò rỉ chất làm mát xảy ra ngay trước khi 2 phi hành gia của Roscosmos bao gồm chỉ huy phi hành đoàn Sergey Prokopyev và kỹ sư bay Dimitri Petelin chuẩn bị nhiệm vụ đi bộ ngoài không gian để thay bộ tản nhiệt trên các module của ISS.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 7

Trên thực tế, ngoài vũ trụ có rất nhiều những mảnh đá và kim loại, đôi khi chỉ nhỏ như một hạt cát, chúng còn được gọi là vi thiên thạch di chuyển với tốc độ rất cao trong không gian, khoảng 27.400 km/h.

Đây được coi là mối đe dọa không nhỏ đối với các con tàu đang neo đậu tại đây hay thiết bị của trạm vũ trụ.

Cùng với đó, "rác không gian" do con người tạo ra như các vụ nổ vệ tinh sau khi hết thời gian sử dụng, vệ tinh va chạm với thiên thạch hay các thiết bị thử nghiệm được phóng vào không gian và trôi nổi ở đó cũng là những mối đe dọa không nhỏ cho đối với các con tàu.

Theo thông tin từ Cơ quan Vũ trụ Nga, đường kính của các hạt bụi vũ trụ va vào Soyuz MS-22 là rất nhỏ, nó tạo ra một lỗ trên tàu chỉ có đường kính 1mm, song lại gây ra thiệt hại đáng kể.

Hình ảnh NASA chia sẻ cho thấy, các hạt màu trắng giống như những bông tuyết chảy ra từ tàu MS-22, đây chính là nước làm mát của con tàu.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 9

Các phi hành gia đã liên lạc thường xuyên với trung tâm điều hành của NASA và Roscosmos để tìm giải pháp khắc phục.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 11

Nhiều kế hoạch đã được đưa ra thảo luận, trong đó nếu xảy ra tình huống đặc biệt nghiêm trọng trên Trạm Vũ trụ ISS buộc phải sơ tán phi hành đoàn mà chưa có tàu dự phòng ở đó, Roscosmos sẽ xem xét sử dụng tàu Soyuz MS-22 đang bị hư hại để giải cứu phi hành đoàn.

Con tàu này được thiết kế để chở 3 phi hành gia, song nếu buộc phải sử dụng MS-22 để đưa người về Trái Đất, Cơ quan Vũ trụ Nga sẽ chỉ cho phép 2 phi hành gia ngồi trong khoang lái.

Lý do được đưa ra do hệ thống làm mát tổng của con tàu bị hư hại dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ khoang lái trong quá trình hồi hương và hai người sẽ khiến nhiệt bên trong cabin của con tàu thấp hơn khi nó chở 3 người.

Điều này cho thấy, Roscosmos đã ưu tiên đến sự an toàn nhất có thể cho các phi hành gia.

Đồng thời, phía Nga cũng sẽ hợp tác với Mỹ sử dụng tàu SpaceX Crew-5 Dragon của NASA có thiết kế 4 chỗ ngồi cũng đang neo đậu trên ISS để cùng sơ tán.

Nhưng nó sẽ được các phi hành gia bổ sung thêm 1 chỗ ngồi dự phòng để có thể chở 5 người. Hiện tại, trên ISS có 7 người đang làm việc tại đây bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, chỉ huy tàu bay,...

Đây cũng chỉ là kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố nguy hiểm.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 13

Để có thể giải cứu các phi hành gia trên ISS, các quan chức Nga đã phê duyệt một sứ mệnh khác là phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 không người lái lên trạm ISS để đưa các phi hành gia trở về Trái đất.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 15

Theo kế hoạch, Roscosmos dự định sẽ phóng tàu MS-23 vào đầu tháng 2/2023. Song nó buộc phải tạm dừng sau khi các kỹ sư phát hiện một sự cố rò rỉ chất làm mát khác xảy ra trên tàu tiếp tế Progress 82 đang neo đậu trên trạm vũ trụ.

Đây là một tàu chở hàng không người lái của Nga, trong quá trình ghép nối với ISS đã bị giảm áp suất đột ngột và mất nước làm mát vào ngày 11/2.

8 ngày sau khi phát hiện sự cố của tàu tiếp tế, tên lửa Soyuz của Nga đã được kích hoạt rời khỏi bệ phóng mang theo tàu vũ trụ MS-23 vào không gian.

Bên cạnh nhiệm vụ chính đưa các phi hành gia mắc kẹt trên ISS trở về, chuyến đi lần này của nó còn mang theo khoảng 429kg hàng hóa bao gồm thực phẩm và thiết bị thí nghiệm lên trạm vũ trụ.

Vào lúc 3h58 giờ Moscow (7h58 giờ Việt Nam) ngày 25/2, tàu vũ trụ Soyuz MS-23 đã ghép nối thành công với Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 17

Trước đó, Cơ quan Vũ trụ Nga dự kiến sẽ gửi 3 phi hành gia khác từ mặt đất lên Trạm ISS từ tàu MS-23, song nó đã sớm bị hủy bỏ để nhường chỗ cho phi hành đoàn đang mắc kẹt.

Thay vào đó, họ sẽ lên Trạm ISS từ một tàu vũ trụ khác có tên Soyuz MS-24, dự kiến sẽ cất cánh vào 9/2023, đúng thời điểm nhiệm vụ của phi hành đoàn đang làm việc trên trạm vũ trụ này kết thúc.

Theo TASS, Ủy ban Nhà nước Nga đã quyết định đưa con tàu MS-22 bị hư hỏng về Trái đất mà không chở theo phi hành đoàn để các kỹ sư có thể kiểm tra và tìm ra nguyên nhân dẫn đến những sự cố trên.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 19

Kể từ thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, ngành vũ trụ là một trong những lĩnh vực hợp tác hiếm hoi giữa hai quốc gia Nga và Mỹ.

Các module của Trạm Vũ trụ ISS được phóng theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm 1998, sau hàng thập kỷ là nhà cho các phi hành gia làm việc, thực hiện hàng nghìn những thí nghiệm ngoài không gian.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 21

Nó sẽ dừng hoạt động vào 2031 trở về Trái đất và yên nghỉ ở một điểm xa xôi trên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, một cuộc chạy đua không gian mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên. Vào năm 2021, chương trình không gian của Bắc Kinh đã thành lập trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung) của riêng mình, nó nặng 70 tấn và bắt đầu hoạt động vào cuối năm ngoái.

Đằng sau sứ mệnh giải cứu 3 phi hành gia bị mắc kẹt trong vũ trụ - 23

Đáng chú ý, trạm Thiên Cung còn đóng vai trò như một nhà máy điện năng lượng mặt trời, nó sẽ được thử nghiệm quá trình thu năng lượng mặt trời ngoài không gian truyền về Trái đất dưới dạng chùm vi sóng năng lượng cao.

Trong khi đó, Yuri Borisov, Giám đốc Cơ quan Vũ Trụ Roscosmos cho biết, Nga sẽ rời ISS sau năm 2024.

Nước này cũng đã hé lộ mô hình trạm vũ trụ của riêng mình với 4 module và nó sẽ được vận chuyển và lắp ráp trong không gian từ năm 2025 và hoàn thành trước năm 2030.

Mỹ cũng đã lên một kế hoạch thay thế dài hạn cho ISS bằng các trạm vũ trụ thương mại với khoản kinh phí khổng lồ.

Và cuộc đua chinh phục không gian của các siêu cường trên thế giới chính thức bắt đầu.

Nội dung: Nam Đoàn
Thiết kế: Thủy Tiên