1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cửa cuốn, khóa xe bị "phá sóng": Khó khăn trong xử lý can nhiễu

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều thiết bị điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ được lưu hành trên thị trường là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễu sóng, khiến thiết bị điều khiển từ xa bị "vô hiệu", không thể sử dụng.

Gần đây trên địa bàn Hà Nội, một số người dân cho biết đã xảy ra trường hợp cửa từ, cửa cuốn, chìa khóa thông minh (dùng cho ô tô, xe máy) bị "vô hiệu", không thể sử dụng, khiến nhiều người khổ sở, bức xúc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do một hộ dân lắp thiết bị thay phao bơm nước mới gây ra nhiễu sóng (còn gọi là can nhiễu) tới thiết bị của những người sống ở xung quanh.

Vì sao xảy ra nhiễu sóng?

Cửa cuốn, khóa xe bị phá sóng: Khó khăn trong xử lý can nhiễu - 1

Ô tô, xe máy sử dụng khóa thông minh tại khu vực ngã 3 phố Vọng - Nguyễn An Ninh nhiều ngày qua bị "vô hiệu hóa" (Ảnh: Phương Đông).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện), cho biết một số thiết bị điện không đảm bảo đủ yêu cầu kĩ thuật có thể gây ra hiện tượng can nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị điều khiển từ xa, cụ thể là ở tần số 433.9 MHz/băng thông 37.5Khz.

Theo đại diện của Cục Tần số vô tuyến điện, các thiết bị phát ra sóng vô tuyến phải đạt chứng nhận hợp quy, bao gồm các công đoạn đo kiểm tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn đúng quy định về băng tần hoạt động, giới hạn về công suất phát xạ chính, phát xạ giả, điều kiện khai thác...

Những bước này giúp thiết bị khi được đưa vào sử dụng, sẽ không còn khả năng gây nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị điều khiển từ xa ở xung quanh.

Để phát hiện ra những thiết bị không hợp chuẩn này, Cục Tần số vô tuyến điện từng phải huy động nhiều công chức kiểm soát từ các Trung tâm khác về Hà Nội, cùng Trung tâm I tăng cường lực lượng đi đo, xác định và xử lý các điểm nhiễu.

Trước đây, can nhiễu thường xảy ra trên các băng tần số 900MHz, 1800MHz và 2100MHz đã được cấp phép sử dụng cho hệ thống 2G, 3G.

Khó kiểm soát thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Cửa cuốn, khóa xe bị phá sóng: Khó khăn trong xử lý can nhiễu - 2

Thiết bị kiểm tra tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện).

Mặc dù tình trạng can nhiễu đã xuất hiện từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, đó là do vẫn còn rất nhiều thiết bị điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem chứng nhận hợp quy, thường là hàng nhập lậu từ Trung Quốc... được lưu hành trên thị trường.

Những thiết bị này đa phần không bao gồm các quy trình kiểm nghiệm nêu trên. Một số thiết bị thậm chí hoạt động cao hơn giới hạn cho phép, khiến tình trạng can nhiễu xảy ra trầm trọng hơn.

Ông Đông cho biết để giải quyết tình trạng này, cần tích cực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thiết bị vô tuyến lưu hành trên thị trường, đồng thời kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng đã có chứng nhận hợp quy của phòng thí nghiệm đo kiểm...

Qua đó, nếu phát hiện thiết bị không đảm bảo, không đủ tiêu chuẩn, cần tiến hành tháo gỡ, thu giữ thiết bị để tránh gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Trước đó tại Hội nghị Nhóm thông tin vô tuyến của APT lần thứ 31 (AWG-31), ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cũng đề cập đến tình trạng một số microphone không dây, loa kéo... có thể gây can nhiễu đến hệ thống di động IMT ở băng tần 700 MHz cũng như các thiết bị vô tuyến khác.

Ông Tuấn cho hay, các băng tần này vốn trước đây dùng cho truyền hình mặt đất nên rất nhiều chủng loại mic không dây được sản xuất nằm trong băng tần này. Giải pháp được đưa ra, là ngừng sản xuất, lưu thông các thiết bị này để không gây nhiễu cho các hệ thống di động 4G, 5G.

Tuy nhiên đối với can nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị điều khiển từ xa, mọi thứ sẽ phức tạp hơn do có nhiều thiết bị điện thuộc loại này, khiến việc tìm kiếm, kiểm định gặp nhiều khó khăn.