(Dân trí) - Không phải Nga hay Mỹ, mà Ấn Độ mới là quốc gia vừa làm nên lịch sử, khi lần đầu tiên hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt Trăng.
(Dân trí) - Không phải Nga hay Mỹ, mà Ấn Độ mới là quốc gia vừa làm nên lịch sử, khi lần đầu tiên hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt Trăng.
Ngày 23/8, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thành công hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt Trăng trong một sứ mệnh lịch sử, được cả thế giới dõi theo.
Cuộc đổ bộ thành công đã nâng tầm vị thế của Ấn Độ trong cuộc đua vũ trụ, đưa họ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phương tiện hạ cánh xuống vùng cực nam của Mặt Trăng.
Xét rộng hơn, Ấn Độ là quốc gia thứ 4, bên cạnh Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, từng hạ cánh lên Mặt Trăng.
Sự thành công của Ấn Độ càng thêm phần rực rỡ, khi chỉ cách đây vài ngày, Nga - đối thủ trực tiếp trong cuộc đua lần này - đã thất bại trong sứ mệnh Luna-25, khi tàu vũ trụ của họ mất điều khiển, và lao thẳng vào Mặt Trăng.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, Ấn Độ còn làm được một điều mà nhiều quốc gia khác ghen tỵ: Họ là những người đầu tiên khai phá miền cực nam của Mặt Trăng.
Tại sao cực nam của Mặt Trăng lại quan trọng như vậy?
Cực nam Mặt Trăng từ lâu đã được giới khoa học gọi vui là "bất động sản" ngoài Trái Đất đặc biệt giá trị, nhờ trữ lượng nước đóng băng tồn tại nơi đây. Nằm ở nửa tối, cực nam có nhiệt độ thấp hơn phần còn lại, nên đây cũng được cho là vùng chứa nhiều nước nhất trên Mặt Trăng.
Tại đây, nước đóng băng được cho là có thể tìm thấy bên dưới lòng đất, trong các hố trũng tối tăm, hay thậm chí ở ngay trên bề mặt.
Trong khi đó, nước trên vũ trụ được ví như "vàng lỏng", vì mang đến rất nhiều tiện ích, như được chuyển thành nước uống, nhiên liệu, nhằm phục vụ cho các sứ mệnh trong tương lai.
Tuy nhiên nếu cực nam của Mặt Trăng hấp dẫn tới vậy, vì sao các nhà thám hiểm không ưu tiên khu vực này trước? Đó là bởi rất khó để thực hiện một cuộc hạ cánh mềm xuống cực nam của Mặt Trăng.
Các sứ mệnh trước đây như Apollo, Surveyor của NASA hay Luna của Liên Xô, đã hạ cánh xuống gần đường xích đạo Mặt Trăng, nơi địa hình có phần bằng phẳng hơn và thân thiện với tàu đổ bộ.
Thế nhưng càng tiến về cực nam, địa hình càng trở nên hiểm trở, gập ghềnh hơn. Cùng với đó là rải rác nhiều miệng núi lửa và rãnh sâu, ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm cho tàu đổ bộ, cũng như quá trình nghiên cứu khoa học.
Một lý do nữa, là khu vực này thiếu ánh sáng Mặt Trời thích hợp, khiến nhiệt độ về đêm có thể giảm xuống tới -238⁰C, vượt qua ngưỡng chịu đựng của một số tàu đổ bộ và thiết bị.
Việc Ấn Độ là quốc gia đầu tiên đặt chân lên "vùng nguy hiểm" này đánh dấu một cột mốc mới của nhân loại. Giờ đây, sẽ không lấy làm lạ khi cực nam là "điểm đến" của rất nhiều quốc gia có tiềm năng khác, như Nga, Mỹ, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, với việc là người đến trước, Ấn Độ chắc chắn sẽ có được lợi thế nhất định trong cuộc đua về nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng.
Ông Jitendra Singh, Bộ trưởng Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ cho biết, nếu sứ mệnh Chandrayaan-3 tìm thấy dấu vết của nước, gồm hydro và oxy, họ có thể trích xuất thành phần để biến đây trở thành nguồn năng lượng sạch lớn.
Không chỉ vậy, sứ mệnh cũng sẽ mở toang cánh cửa cho các cơ hội nghiên cứu, hợp tác khoa học của Ấn Độ trong tương lai, bởi giờ đây, vị thế của họ đã khác trước.
Giống như hai mặt của bức tranh, Ấn Độ hân hoan trước niềm vui chiến thắng, còn Nga tiếp tục lầm lũi đi dưới cái bóng của chính họ từ thời Liên Xô.
Trong quá khứ, Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh Sputnik-1 lên quỹ đạo Trái Đất vào năm 1957. Họ cũng vượt qua Mỹ khi đưa nhà du hành Yuri Gagarin bay vào vũ trụ năm 1961.
Dưới thời Liên Xô, Nga từng hạ cánh an toàn 7 tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt Trăng. Thế nhưng, những thành tựu đáng chú ý nhất của họ đều đã nằm ở quá khứ.
Trong suốt nhiều năm, các nhà khoa học Nga đã không ít lần phàn nàn về năng lực yếu kém của những nhà quản lý chương trình vũ trụ với nhiều dự án kém thực tế.
Từ khi Nga tiến hành chiến sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, những khó khăn cứ tiếp tục chồng chất, khi Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) bị kìm hãm bởi nhiều vấn đề như kinh phí, quản lý chất lượng.
Họ cũng đối mặt sự cô lập từ các quốc gia phương Tây. Những hợp tác vũ trụ dài hơi với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), hay NASA nay đã không còn.
Hồi đầu năm, Roscosmos đã liên tiếp gặp 2 sự cố đáng báo động. Đầu tiên, một trong những tàu vũ trụ Soyuz đáng tin cậy của họ gặp sự cố bị rò rỉ chất làm mát. Không lâu sau đó, vấn đề tương tự cũng xảy ra trên một trong những tàu chở hàng Progress 82 tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Trước bối cảnh ấy, Luna-25 đóng vai trò là "ngọn cờ hy vọng" của Nga, với nhiệm vụ lấy lại vị thế vốn có, cũng như đập tan những hoài nghi về năng lực trong cuộc đua không gian ngày một "nóng" hơn.
Thế nhưng giờ đây, sự thất bại của nó càng khiến chúng ta nhận ra sự thật trần trụi, rằng trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ, Nga quả thực đã thụt lùi rất nhiều so với chính họ từ thời Chiến tranh Lạnh.
Việc hạ cánh thất bại của tàu Luna-25 cũng khiến giới chuyên gia hoài nghi về chương trình khám phá Mặt Trăng của Nga và động thái địa chính trị phía sau công cuộc thám hiểm vũ trụ hiện đại.
Cơ quan vũ trụ của Nga cho biết sẽ đẩy nhanh hai nhiệm vụ Mặt Trăng tiếp theo, là Luna-26 và Luna-27. Đồng thời khẳng định sẽ "làm chủ công nghệ một lần nữa".
Thế nhưng, liệu họ có thể biến điều đó thành hiện thực hay không mới là câu chuyện đáng để bàn luận, trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết.
Năm 1984, người Ấn Độ lần đầu tiên được lên quỹ đạo Trái Đất nhờ "đi ké" trên tàu du hành của Liên Xô.
39 năm sau, họ làm được điều mà Nga giờ đây không thể: Hạ cánh trên Mặt Trăng.