1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu Chandrayaan-3 hạ cánh lên Mặt Trăng: Thời khắc Ấn Độ đi vào lịch sử

Minh Khôi

(Dân trí) - Việc hạ cánh thành công lên Mặt Trăng đã đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò một cường quốc vũ trụ mới.

Tàu Chandrayaan-3 hạ cánh lên Mặt Trăng: Thời khắc Ấn Độ đi vào lịch sử - 1

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng (Ảnh: ISRO).

Vào lúc 19:34 ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thành công hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt Trăng trong một sứ mệnh cùng tên.

Như vậy, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phương tiện hạ cánh xuống vùng cực nam của Mặt Trăng, và là quốc gia thứ 4, bên cạnh Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, đặt chân lên Mặt Trăng.

Các chuyên gia cho rằng sứ mệnh được thực hiện thành công đã đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò một cường quốc vũ trụ mới.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), tàu Chandrayaan-3 mang theo 4 bộ thiết bị khoa học, gồm có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng.

Sau khi hạ cánh, trạm Vikram của tàu Chandrayaan-3 dự kiến sẽ hoạt động trên Mặt Trăng trong 2 tuần, thực hiện một loạt các thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của lớp bề mặt.

Tàu Chandrayaan-3 hạ cánh lên Mặt Trăng: Thời khắc Ấn Độ đi vào lịch sử - 2

Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong sứ mệnh Mặt Trăng Chandrayaan-3 (Ảnh: ISRO).

Địa hình gồ ghề là một trong những khó khăn được dự đoán từ trước khi đưa ra quyết định hạ cánh ở khu vực cực nam của Mặt Trăng. Trên thực tế, chưa từng có phương tiện nào hạ cánh thành công tại đây.

Dẫu vậy, các nhà khoa học của ISRO cho biết họ đã thực hiện những điều chỉnh để tăng khả năng hạ cánh thành công của tàu Chandrayaan-3, bao gồm một hệ thống tự cân bằng và chống đỡ va chạm trong quá trình hạ cánh.

Trước khi bắt đầu với Chandrayaan-3, Ấn Độ đã thử sức với chương trình Chandrayaan-1 vào năm 2008, và Chandrayaan-2 vào năm 2019.

Tuy nhiên, cả 2 sứ mệnh nêu trên đều thất bại khi các chuyên gia mất liên lạc với phương tiện. Trong sứ mệnh Chandrayaan-2, trạm đổ bộ và robot thậm chí bị phá hủy khi đâm xuống Mặt Trăng.

Tuy nhiên, việc đổ bộ Chandrayaan-3 thành công mang lại cơ hội lớn cho Ấn Độ trong khía cạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh gồm Nga, Nhật Bản, đều đã thất bại.

Đối với Ấn Độ, một cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng thành công, và với chi phí thấp, sẽ đánh dấu sự nổi lên của nước này như một cường quốc không gian.

Nó sẽ tạo tiền đề và nguồn động lực lớn lao cho chính phủ nước này trong nỗ lực tìm cách thúc đẩy, đầu tư vào các sứ mệnh không gian tư nhân, cũng như các hoạt động kinh doanh dựa trên vệ tinh có liên quan.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kỳ vọng các công ty vũ trụ tư nhân của nước này sẽ tăng thị phần trên thị trường quốc tế lên gấp 5 lần trong thập kỷ tới.