1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cá mập ở vùng biển Greenland có thể sống đến 400 năm, vì sao?

Phạm Hường

(Dân trí) - Cá mập Greenland có thể sống đến 400 năm. Các nhà khoa học hy vọng việc lý giải được "bí quyết" sống lâu của chúng sẽ giúp nâng cao sức khỏe con người.

Cá mập ở vùng biển Greenland có thể sống đến 400 năm, vì sao? - 1

Bức ảnh một con cá mập Greenland, chụp ở vịnh Admiralty, Nunavut, Canada (Ảnh: /Wikimedia commons).

 Những con cá mập ở vùng biển Greenland từ thế kỷ 18 vẫn còn sống đến tận ngày nay.

Không còn nghi ngờ gì về khả năng sống hàng trăm năm của những con cá săn mồi này. Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có thể sống ít nhất 272 năm và thậm chí đến 400 năm.

Nguyên nhân cá mập Greenland có tuổi thọ dài như vậy, tới nay vẫn là một bí ẩn.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng điều này có liên quan đến tốc độ tăng trưởng chậm và tốc độ trao đổi chất thấp của loài cá mập, nhưng họ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu sâu hơn với hy vọng sẽ mở khóa được những bí mật giúp con người có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Mặc dù chúng ta không thể sống đến 400 năm, nhưng nếu có thể kéo dài tuổi thọ con người thêm 10 năm, đó cũng là một kỳ tích.

Một trong những nhà khoa học theo đuổi khám phá này là nghiên cứu sinh Tiến sỹ Ewan Camplisson từ Trường đại học Manchester, Anh. Ông đang nghiên cứu quá trình trao đổi chất của cá mập để tìm ra yếu tố quyết định trong quá trình lão hóa của chúng.

Theo Ewan Camplisson, việc hiểu rõ hơn về giải phẫu và những thích ứng của các loài vật sống lâu như cá mập Greenland có thể giúp cải thiện sức khỏe của con người.

Quá trình trao đổi chất chậm trong toàn bộ cuộc đời

Phân bố chủ yếu ở các vùng biển Nam Cực và biển Bắc Đại Tây Dương, cá mập Greenland là loài cá mập bơi chậm, cơ thể chúng có chiều dài từ 2,4m đến 7m và có thể nặng đến 1,5 tấn.

Loài cá săn mồi này chuyên ăn cá hồi, lươn biển, hải cẩu và thậm chí cả gấu vùng cực nếu chúng có cơ hội săn được. Tuy nhiên, các bữa ăn của chúng rất xa nhau. Một con cá mập Greenland nặng khoảng 220 kg có thể sống yên ổn chỉ cần ăn từ 60g đến 170g thức ăn mỗi ngày.

Nghiên cứu mới của Camplisson cho thấy tốc độ trao đổi chất của những con cá này không chậm đi cùng với tuổi thọ. Điều này có thể giải thích vì sao cá mập thường sống rất lâu. Quá trình này lại không giống như vậy ở hầu hết các động vật, kể cả con người. Ví dụ như trao đổi chất của con người có xu hướng chậm dần ở người có tuổi, chính vì thế khi về già con người dễ tăng cân không lành mạnh.

Qua theo dõi hoạt động của 5 enzyme trao đổi chất trong mô cơ cá mập Greenland, nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở hầu hết các loài, hoạt động của các enzyme này thay đổi ở các giai đoạn phát triển khác nhau của cơ thể.

Một số enzyme giảm dần hoạt động theo thời gian vì chúng có thể bị lão hóa hoặc hỏng, trong khi số khác sau đó có thể hồi phục và tăng hoạt động trở lại để đảm bảo cơ thể vẫn sản xuất đủ năng lượng.

Còn ở những con cá mập Greenland có tuổi từ khoảng 60 đến 200 năm được nghiên cứu thì không có thay đổi đáng kể trong hoạt động enzyme. Tất nhiên một con cá mập Greenland 200 tuổi thì vẫn có thể chỉ đang ở tuổi trung niên, vì thế điều này có thể không đúng khi chúng bước sang thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 của cuộc đời.

Tới đây, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu hoạt động của các enzyme khác để xem những enzyme này có thay đổi hay không và thế nào khi cá mập già đi.

Quá trình lão hóa vô cùng phức tạp

Những kết quả nghiên cứu này vẫn còn cần một quá trình lâu dài nữa mới có thể áp dụng để cải thiện sức khỏe con người bởi vì quá trình lão hóa là một hệ thống cực kỳ phức tạp và chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu biết đầy đủ về nó.

Ví dụ như những thay đổi trong trao đổi chất chỉ là một phần của diễn tiến lão hóa ở con người. Các khiếm khuyết về gen, sự mất ổn định protein và một số quá trình khác được gọi là "dấu hiệu lão hóa". Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kỹ hơn những đặc điểm nổi bật này để xác định cá mập Greenland có dấu hiệu lão hóa thông thường hay không.

Mặc dù đặc điểm lão hóa khác biệt của cá mập Greenland đã giúp chúng sống hàng thế kỷ nhưng đó cũng có thể là con dao hai lưỡi khi gặp phải môi trường đang thay đổi nhanh chóng.

Loài vật này được Liên minh Bảo tồn thế giới coi là loài "sắp nguy cấp" và có thể quá chậm chạp để thích nghi với các biến đổi của khí hậu, biển bị ô nhiễm và các yếu tố có hại khác.

Theo www.sciencealert.com