DNews

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ

Nam Đoàn

(Dân trí) - Vài ngày sau vụ tai nạn tàu thăm dò Luna-25 của Nga hạ cánh thất bại trên Mặt Trăng, Ấn Độ đã có bước đi lịch sử, gia nhập vào "câu lạc bộ" cường quốc vũ trụ.

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ

Trong khi đối với Nga, thất bại của sứ mệnh Luna-25 đã tạm dập tắt ánh hào quang vũ trụ thời Xô Viết. Giờ đây, việc cạnh tranh của đất nước xứ sở bạch dương so với Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ trong cuộc đua chinh phục không gian dường như còn khá khó khăn. 

Thành công sứ mệnh của Ấn Độ cũng gợi lên câu chuyện ngụ ngôn "Thỏ và rùa" của La Fontaine. 

Cuộc chạy đua nước rút

Khi Nga và Ấn Độ đồng thời công bố sứ mệnh chinh phục cực nam Mặt Trăng, nhiều nhà khoa học đánh giá nó đã dẫn đến cuộc "chạy nước rút" giữa hai quốc gia và nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Câu hỏi duy nhất chính là ai sẽ đáp xuống Mặt Trăng trước. 

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 1

Các kỹ sư kiểm tra tàu vũ trụ Chandrayaan-3 trước khi được phóng vào không gian (Ảnh: National Geographic).

Nga muốn tái khẳng định vai trò của mình trong việc chinh phục Mặt Trăng, trong khi Ấn Độ có ý định chứng minh họ là quốc gia trên thế giới đầu tiên có thể hạ cánh xuống nam cực của hành tinh này. 

Nếu một trong hai quốc gia hạ cánh hỏng, thành công của bên này sẽ chỉ làm tăng thêm cảm giác thất bại cho bên còn lại.

Dẫu vậy, cuộc đua này không có vạch đích và cũng không có giải thưởng nào có thể giành được từ những lần đổ bộ này. Điều quan trọng tàu vũ trụ có thể hạ cánh an toàn trên Mặt Trăng, vốn đã rất phức tạp trong quá khứ. 

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 2

Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đã bị đâm vào bề mặt Mặt Trăng trong quá trình hạ cánh đánh dấu sự thất bại của sứ mệnh (Ảnh minh họa: India Today).

Điểm chung địa điểm hạ cánh lần này giữa Nga và Ấn Độ đều là nam cực của Mặt Trăng, nó khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều do khu vực này có nhiều địa hình gồ ghề và làm giảm hệ thống thông tin liên lạc với Trái Đất.

Trước sứ mệnh lịch sử, Ấn Độ đã công khai thể hiện sự nhiệt tình của mình đối với sứ mệnh của Nga. Ngày 11/8, nước này đã chúc mừng Cơ quan Vũ trụ Roscosmos (Nga) về vụ phóng thành công tàu Luna-25 trên Twitter.

Sự hiện diện đồng thời của hai sứ mệnh trên cực nam của Mặt Trăng thậm chí có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Song điều tốt đẹp nhất đã không xảy ra, Ấn Độ đã thành công, còn Nga thất bại.

Ghi tên mình vào sân chơi lớn

Bốn năm sau nỗ lực chinh phục Mặt Trăng thất bại, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn giữ hy vọng sẽ cùng với Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc trở thành những quốc gia đã thực hiện được cuộc đổ bộ lên hành tinh này.

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 3
Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 4

Người Ấn rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ, thay đổi để đạt được kỳ tích khiến cả thế giới ngưỡng mộ đó là vươn lên dẫn đầu trong việc chinh phục Mặt Trăng với chi phí thấp hơn nhiều so với những nước đi trước.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi phát biểu sau khi tàu Chandrayaan-3 hạ cánh trên Mặt Trăng: "Thành công này thuộc về toàn thể nhân loại và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sứ mệnh Mặt Trăng của các quốc gia khác trong tương lai.

Tôi tin chắc rằng, tất cả các nước trên thế giới đều có khả năng thành công, chúng ta đều khao khát chinh phục Mặt Trăng và giờ đây còn hơn thế nữa".

Nhà vật lý thiên văn Christian Barbier, Trung tâm vũ trụ Liège (Bỉ) đã bị thu hút từ sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng của tàu Chadrayaan-3. Một phần do đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới thám hiểm khu vực cực nam của hành tinh này.

Ông đã không bỏ sót một chi tiết nào về cuộc đổ bộ của người Ấn và bày tỏ sự ngưỡng mộ với những tiến bộ khoa học mà quốc gia này đạt được. 

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 5

"Ấn Độ đang trên đà phát triển, họ đã ở giai đoạn mà người Trung Quốc đạt được cách đây vài năm và tôi tin rằng đất nước tỷ dân sẽ nhanh chóng có được lòng tin của các quốc gia thế giới trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đang dần leo lên vị trí cao hơn, từng bậc thang sẽ dẫn họ ghi tên mình trở thành cường quốc vũ trụ thế giới, ngang hàng với Trung Quốc hay Hoa Kỳ".

Theo giới truyền thông, sứ mệnh của Ấn Độ tiêu tốn 74,6 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các nước khác. Cụ thể, sứ mệnh Luna-1 của Liên Xô có chi phí lên tới 200 triệu USD vào năm 1959. Khi được điều chỉnh theo lạm phát, con số này lên tới 6-10 tỷ USD.

Hay sứ mệnh Apollo-11 nổi tiếng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngốn của nước Mỹ ít nhất 25 tỷ USD vào năm 1969, tương đương với khoảng 200 tỷ USD ngày nay.

Thành công của Ấn Độ không đến từ sự may mắn, sau khi họ thất bại thậm chí mắc những sai lầm từ nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2019. Quốc gia đã không từ bỏ, họ đúc kết những bài học, để từ đó sửa đổi, nâng cấp tàu vũ trụ, đào tạo nhân lực chất lượng cao để ghi dấu ấn trên Mặt Trăng.

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 6

Niềm vui, tự hào của người dân Ấn Độ khi sứ mệnh thành công (Ảnh: Le Point).

Quốc gia đông dân nhất hành tinh đã đặt mục tiêu giữ chi phí sứ mệnh ở mức thấp, họ thực hiện bằng cách nhân rộng, phát triển, thích ứng và điều chỉnh công nghệ vũ trụ hiện có cho mục đích riêng của riêng mình.

Một phần điều này có được chính là nhờ vào lực lượng kỹ sư có tay nghề cao nhưng được trả lương thấp hơn nhiều so với các kỹ sư nước ngoài.

Christian Barbier giải thích: "Người Ấn Độ giống như người Trung Quốc, có lợi thế về nhân lực. Đây là một quốc gia cực kỳ đông dân với rất nhiều kỹ sư tốt nghiệp tài năng. Mặc dù chi phí thấp nhưng họ có thể đạt được một khối lượng công việc lớn". 

"Tôi có những đồng nghiệp đã có cơ hội cộng tác với họ và tất cả đều cực kỳ ấn tượng trước năng lực người Ấn Độ. Nếu bạn sinh sống ở đây, đôi khi bạn sẽ làm việc trong một văn phòng có hệ thống điện rất yếu nhưng quốc gia này lại có thể phóng tàu vũ trụ, thực hiện thành công sứ mệnh lên Mặt Trăng. Đó là nghịch lý ở đất nước này", Christian cho biết thêm.

Tìm kiếm tài sản quý giá trên Mặt Trăng

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mất tới 40 ngày để có thể hạ cánh trên Mặt Trăng. Trong khi, sứ mệnh tàu thăm dò Luna của Nga và các sứ mệnh Apollo có người lái của Mỹ trong những năm 1960-1970 đã đạt được điều này chỉ trong vài ngày.

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 7

Tên lửa của Ấn Độ chở theo tàu Chandrayaan-3 trước khi được phóng vào không gian (Ảnh: Radio-Canada).

Quả thực, tên lửa của Ấn Độ kém mạnh hơn nhiều so với các đối thủ nhưng nó vẫn có lợi ích chính là tiêu tốn rất ít nhiên liệu. 

Trước khi hạ cánh, tàu Chandrayaan-3 thực hiện 5-6 quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất và nhiều vòng quanh Mặt Trăng để ổn định tốc độ cần thiết, trước khi thực hiện giai đoạn hạ cánh lịch sử. Đây cũng là lý do khiến thời gian của sứ mệnh bị kéo dài lên tới 40 ngày.

Sự khác biệt về tốc độ giữa Luna 25 và Chandrayaan-3 gợi lên câu chuyện ngụ ngôn "Thỏ và rùa" của La Fontaine. Ấn Độ đã không ưu tiên chạy đua về thời gian, mà chọn cách "chậm - chắc". 

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 8

Nhờ yếu tố này, họ đã có được thành công đi vào lịch sử trong khi nhiều quốc gia khác không thể làm được.

Nhà khoa học Christian Barbier giải thích: "Có một số cách hạ cánh trên Mặt Trăng bao gồm phương pháp thô, sử dụng lực đẩy mạnh của tàu vũ trụ để giảm tốc độ và hạ cánh, nó mất khoảng ba hoặc bốn ngày như sứ mệnh Luna đã thực hiện.

Phương pháp thứ hai dành cho những tàu có nguồn lực đẩy yếu, nó sẽ mất nhiều thời gian hơn do các kỹ sư điều hành cần phải tính toán quỹ đạo, cân bằng thời gian hạ cánh kết hợp nguồn đẩy sẵn có như sứ mệnh Ấn Độ đã thực hiện". 

Tàu Chandrayaan-3 chạy bằng năng lượng mặt trời và nặng 18kg. Để hạ cánh phương tiện xuống Mặt Trăng, các khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phải làm việc rất khắt khe và tính toán kỹ lưỡng. 

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 9

Người dân Ấn Độ vẫy quốc kỳ khi tàu vũ trụ rời bệ phóng thực hiện sứ mệnh lịch sử của đất nước (Ảnh: Science et vie).

Nhà khoa học Osgur Karatekin, Đài quan sát Hoàng gia Bỉ giải thích: "Khi bạn hạ cánh tàu vũ trụ xuống Trái Đất hoặc Sao Hỏa, bầu không khí hai hành tinh này giúp tàu giảm tốc độ. Nhưng trên Mặt Trăng hoàn toàn không có bầu khí quyển và con tàu phải dựa vào hệ thống đẩy để giảm tốc". 

Điều này có nghĩa là các kỹ sư phải có quyền kiểm soát tên lửa của con tàu, để kích hoạt lực đẩy ngược lại.

Bí quyết chung là họ phải thao tác kích hoạt động cơ đúng lúc, đúng cường độ và đúng hướng. Do thời gian quá ngắn nên các kỹ sư không thể kiểm soát chủ động từ Trái Đất. Vì vậy, nếu có chướng ngại vật xuất hiện trong quá trình hạ cánh như ngọn đồi hoặc miệng núi lửa thì nó sẽ trở nên rất phức tạp, đe dọa đến thành công của sứ mệnh".

Bước đi lịch sử đưa Ấn Độ thành cường quốc mới trong ngành vũ trụ - 10

Khoảnh khắc tàu Chandrayaan-3 hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng, ấn định Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chinh phục khu vực này (Ảnh: Futura Science).

Nhiệm vụ này cũng được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) giám sát chặt chẽ và họ đã đánh giá rất cao thành công sứ mệnh của Ấn Độ. Đáng chú ý, người Mỹ cũng đã cung cấp một thiết bị trên con tàu này và nó dự định đặt trên mặt đất của Mặt Trăng.

Nhiệm vụ tới đây của tàu Chandrayaan-3 chính là phân tích và khoan đất Mặt Trăng do đây là phương tiện đầu tiên đáp xuống cực nam của hành tinh này, con tàu cũng sẽ thực hiện kiểm tra sự hiện diện của nước đóng băng trên bề mặt.

Nếu có sự xuất hiện của băng, đây sẽ là tài sản quý giá cho các sứ mệnh tới Mặt Trăng tiếp theo, nước sẽ giúp tạo ra nhiên liệu và oxy trong tương lai. 

Giờ đây, Ấn Độ không chỉ được nhắc đến là quốc gia đông dân nhất hành tinh mà họ còn được biết đến là đại diện châu Á tiếp theo có năng lực chơi ở các "giải đấu vũ trụ" lớn hơn rất nhiều.

Quốc gia hiện đào tạo các đội phi hành gia với ý định tham gia vào các sứ mệnh có người lái lên Mặt Trăng cùng với các siêu cường vũ trụ, thậm chí họ có thể nhắm tới sao Hỏa trong tương lai.