1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bạn có biết: Bom thời tiết là gì và sức công phá của nó như thế nào?

(Dân trí) - Bạn đã từng nghe đến khái niệm “bom thời tiết” và biết được sức công phá của nó lớn đến mức nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khi một cơn bão đổ bộ, các nhà khí tượng học có thể gọi nó là một “quả bom thời tiết”. Đây không chỉ là một cái tên dành cho tất cả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trên thực tế, bom thời tiết là thuật ngữ không chính thức được sử dụng để mô tả sự hình thành xoáy thuận bùng nổ,  gây nên những cơn bão cực mạnh.

Bạn có biết: Bom thời tiết là gì và sức công phá của nó như thế nào? - 1

Ảnh chụp vệ tinh sự hình thành xoáy thuận bùng nổ (bom thời tiết) ở bờ biển miền Đông nước Mỹ vào tháng 1/2018

Vùng áp thấp thường xuyên xuất hiện trên khắp hành tinh và được hình thành do không khí ẩm bốc lên từ bề mặt Trái đất. Chúng thường gây nên những hiện tượng thời tiết bất ổn, như mây nhiều và mưa lớn. Tuy nhiên, khi một vùng có áp suất thấp đi qua phía dưới một luồng gió xoáy mạnh của không khí đang chuyển động nhanh từ thấp lên cao trong khí quyển, điều này sẽ tạo nên một thứ gì đó dữ dội hơn nhiều.

Luồng gió xoáy sẽ đẩy không khí ra khỏi cột áp suất thấp, làm giảm trọng lượng của nó, khiến áp suất ở mực nước biển giảm sâu hơn nữa. Nếu áp suất giảm từ 24 milibar trở lên trong khoảng thời gian 24 giờ, điều này được mô tả như sự hình thành xoáy thuận bùng nổ. Đây chính là tên gọi chính thức của “bom thời tiết”.

Khi áp suất giảm hút nhiều khí hơn, cột áp suất bắt đầu quay ngày càng nhanh, dẫn đến gió mạnh đạt cực đại trong khoảng thời gian vài giờ. Điều này sẽ gây ra một cơn bão cực mạnh. Những cơn gió này có thể đủ mạnh để thổi đổ cây cối và gây hư hại kết cấu các công trình, khiến con người gặp nguy hiểm.

Sở dĩ sử dụng tên gọi “bom thời tiết” vì những cơn bão hình thành do hiện tượng này thường xuất hiện trên biển, với một tốc độ và sức mạnh tàn khốc, hiếm khi được chứng kiến trên đất liền.

Thậm chí, các nhà khoa học còn phát hiện ra những cơn bão gây ra bởi “bom thời tiết” còn có thể gây rung chấn cho Trái đất. Điều này xảy ra khi các con sóng va vào nhau, truyền năng lượng xuống đáy đại dương và xa hơn nữa. Năm 2014, các nhà địa chấn học Nhật Bản thậm chí còn ghi lại được chấn động được tạo ra từ một “quả bom thời tiết” hình thành bên ngoài khơi bờ biển Greenland, nằm ở phía bên kia của địa cầu. Điều này cho thấy “bom thời tiết” có thể tạo ra được những rung chấn mạnh để truyền đi đủ xa.

Bốn khu vực thường hình thành xoáy thuận bùng nổ (bom thời tiết) trên trái đất bao gồm khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương, Tây Nam Thái Bình Dương và Nam Đại Tây Dương.

“Bom thời tiết” không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Các nhà khí tượng học ước tính những cơn bão kiểu này sẽ bùng phát ở Bắc bán cầu khoảng 10 lần mỗi năm.

Khu vực áp suất thấp (áp thấp) là một khu vực có áp suất khí quyển thấp hơn các vùng lân cận. Các hệ thống áp suất thấp hình thành dưới các vùng phân tán gió xảy ra ở tầng trên của tầng đối lưu. Quá trình hình thành của một khu vực áp suất thấp được gọi là sự hình thành xoáy thuận.

Trong khí tượng học, xoáy thuận (còn gọi là xoáy tụ) là khối không khí lớn xoay quanh một vùng áp suất thấp mạnh. Xoáy thuận được đặc trưng bởi gió xoáy vào trong và xoay quanh một vùng áp suất thấp.

Tầng đối lưu là phần thấp nhất của khí quyển của một số hành tinh, bao gồm cả trái đất. Phần lớn các hiện tượng thời tiết hàng ngày diễn ra ở tầng đối lưu. Đặc trưng của tầng này thể hiện ở các dòng đối lưu của không khí nóng từ bề mặt bốc lên cao và lạnh đi. Hiện tượng đối lưu đã mang lại tên gọi cho tầng này.