DNews

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: "Họ bảo tôi điên"

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Anh thanh niên sở hữu kênh Youtube hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chuyên chia sẻ những câu chuyện tình yêu động vật, đã có lúc bị người đời coi là kẻ điên.

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: "Họ bảo tôi điên"

"Người ta bảo tôi là điên vì tôi cứu động vật"

Anh Nguyễn Văn Quế (36 tuổi, sinh sống tại Bắc Giang), sau khi hoàn thành bậc THCS buộc phải nghỉ học do gia đình nghèo, không có điều kiện kinh tế. Anh đã trải qua nhiều nghề lao động lam lũ như làm phụ hồ, thợ mộc kiếm tiền cho em gái đi học. 

Song thời điểm đó, công việc ít, thu nhập bấp bênh khiến anh Quế xoay qua ngành nghề khác hoàn toàn mới lạ đối với cá nhân, đó là hướng dẫn chăm sóc cây cảnh, quay những video chia sẻ lên mạng xã hội.

Theo thời gian, kênh youtube của anh dần được người xem quý mến, theo dõi nhờ cách ăn nói mộc mạc, chân quê cũng như kỹ năng, kiến thức khá uyên sâu về cây cảnh của anh.

"Từ năm 2016, tôi đã bắt đầu nhận nuôi những loài động vật như chó, các loài chim bị chủ nhân bỏ rơi, lang thang ở các bãi rác hay trong tự nhiên", anh Quế bắt đầu kể câu chuyện của mình tới phóng viên Dân trí.

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 1
Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 2

Sau khi biết đến câu chuyện đầy trắc ẩn của anh Quế, nhiều người dùng mạng xã hội và bạn bè khuyên anh nên làm thêm kênh youtube về động vật, cuộc sống làng quê. Anh thanh niên quyết định chuyển sang những video liên quan chủ đề này, bỏ kênh về chăm sóc cây cảnh mà anh đã nhận được nút bạc từ nền tảng youtube. 

"Tôi lang thang khắp vùng quê quanh khu vực Bắc Giang, thấy những động vật bị bỏ rơi tôi hỏi người dân địa phương xin về nuôi hay những loài chim bị thương do dính bẫy, ốm yếu không còn khả năng sinh tồn. Đến thời điểm này, điều đáng nhớ nhất chính là con chó tôi vô tình bắt gặp trên một bãi rác, nó đang mò mẫm tìm kiếm miếng ăn chống đói qua ngày.

Thân hình con vật chỉ còn da bọc xương, các vết ghẻ lở chi chít khắp cơ thể, minh chứng việc nó đã bị chủ nhân bỏ rơi, không chăm sóc và phải chịu đau đớn trong thời gian dài", anh Quế bồi hồi nhớ lại. 

Anh hỏi xin con chó này về nuôi, một người dân lợi dụng lòng trắc ẩn của anh, nhận mình là chủ con vật, đề nghị anh mua lại với giá 200 nghìn đồng. Anh Quế vẫn sẵn sàng chấp nhận, song sau đó mới biết bị lừa vì đây là con chó hoang, vô chủ. 

"Con mang con này về thì làm sao nó sống được", mẹ anh Quế nói với con khi nhìn thấy con vật yếu ớt, gần như không còn sức sống. 

Sau khi nhận về những loài động vật lang thang, anh Quế đều cách ly và theo dõi chúng. Sau đó anh liên hệ với bác sĩ thú ý làm những xét nghiệm, đánh giá về dịch bệnh nhằm tránh gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. 

"Tôi đã đi hàng chục kilomet đưa con chó lên thị trấn nhờ bác sĩ thú ý kiểm tra sức khỏe, con chó bị suy dinh dưỡng và ghẻ lở nặng. Sau khi bác sĩ tiêm thuốc tôi đã xin phác đồ điều trị để đưa về nhà chăm sóc. Giờ đây, từ một con chó gầy gò, ốm yếu nó đã khỏe mạnh và mang bộ lông óng mượt mới", anh nhớ lại. 

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 3
Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 4
Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 5

Mỗi ngày anh thanh niên đều lang thang trên khắp nẻo đường làng quê làm video chia sẻ cho người xem về tình yêu động vật, cứu giúp những con vật bị thương, không còn khả năng sinh tồn.

"Nhiều người thấy tôi làm vậy đã bảo tôi là thằng điên. Nghe đến tai cũng có chút buồn, nhưng bản thân nghĩ mình đang làm những điều cảm thấy hạnh phúc, cứu sống động vật và được người xem yêu mến, ủng hộ thì tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc này", anh Quế cười nói. 

Nhiều người sau khi biết kênh youtube của anh, vì một lí do nào đó họ không thể nuôi vật cưng, đã gửi chúng đến anh để nhờ chăm sóc nuôi dưỡng, và anh đều vui vẻ chấp nhận, không lấy tiền.

Những loài vật anh nhận từ người dân, đặc biệt là chim, đều được anh nuôi dưỡng chúng trong môi trường gần gũi với tự nhiên nhất. Đến thời điểm phù hợp, anh Quế thả chúng về với tự nhiên. 

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 6
Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 7

Thậm chí, có cả một số loài động vật quý hiếm như khỉ, rùa, cá sấu, chim trời... sau khi điều trị con vật khỏe mạnh, anh mang nó gửi lại các khu bảo tồn như ở hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

Mãi yêu thương động vật dù xã hội có thay đổi xu hướng

"Tôi đã từng chia sẻ một video trên kênh youtube của mình và hứa trước khán giả, dù xu hướng người xem mạng xã hội có thay đổi như thế nào, tôi vẫn sẽ không bao giờ từ bỏ công việc chăm sóc và giải cứu những loài động vật bị bỏ rơi, tổn thương", anh Quế cho biết thêm. 

Giờ đây, căn nhà của anh Quế, nơi có khu vườn rộng chăm sóc các loài động vật, còn là nơi để các trường học tổ chức những chuyến thăm quan cho các em học sinh.

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 8

"Gần như đều đặn mỗi tuần tôi đều sẽ đón tiếp những đoàn khách tham quan khu vườn này. Tôi cảm thấy rất vui vì một phần nào đó lan tỏa tình yêu thương động vật đến với mọi người", anh Quế chia sẻ. 

Qua theo dõi báo Dân trí, anh Quế cũng được biết tình trạng tận diệt chim trời đang diễn ra mạnh mẽ.

"Đọc tin tức, bản thân tôi cảm thấy rất buồn và nặng lòng. Dù trong cuộc sống, mỗi người đều có một công việc để kiếm miếng cơm manh áo, nhưng tôi mong chúng ta không làm hại các loài chim hoang dã. Cùng với đó, người dân cũng dừng mua, ăn các loại chim này", giọng anh Quế chùng xuống.

Nói đến đây, anh thanh niên sững lại và tiếp tục nói: "Tôi cũng đã từng làm một số video chia sẻ về tình trạng bẫy chim trên địa bàn mình, song đành phải gỡ xuống vì một số lý do".

Săn bắt, mua bán các loài chim hoang dã là vi phạm pháp luật

Trong loạt bài phản ánh của Báo Dân trí, trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn nút giao Thạch Thất, Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, từ lâu đã tồn tại khu chợ cóc tự phát chuyên bán chim trời, phục vụ những vị khách muốn ăn "đổi món", ham độc lạ, đặc biệt là dân nhậu. Dù chim trời được bán với giá bán cao chót vót, nhiều người vẫn chi tiền triệu để mua. 

Anh thanh niên cứu chim chóc, động vật bị bỏ rơi: Họ bảo tôi điên - 9

"Chợ cóc chim trời" bày bán công khai trên đường gom Đại lộ Thăng Long (Ảnh: Khôi Vũ).

Trước tình trạng săn bắt chim trời diễn ra mạnh mẽ và công khai, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) để hiểu rõ hơn về tính nghiêm trọng của vấn đề này. 

Theo bà Hà, trước đây xã hội đã có những tranh luận rất nhiều liên quan đến các loài chim hoang dã không được liệt kê trong danh mục quý hiếm có được săn bắt buôn bán hay không. Song hiện nay tất cả loài chim hoang dã, chim di cư được coi là động vật hoang dã nằm trong cấp quý hiếm, hay không nằm trong danh mục quý hiếm cũng có các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.

"Nhà nước đã rất quan tâm trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán, săn bắt chim di cư và chim hoang dã. Ngày 17/5/2022, Chính phủ ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg 2022, chỉ đạo các cơ quan ban ngành trong việc tăng cường kiểm soát, bảo tồn chim hoang dã, chim di cư và ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành Văn bản số 6461/BNN-TCLN  vào ngày 27/9/2022 nhằm tăng cường bảo vệ chim di cư, chỉ đạo trực tiếp đến cơ quan kiểm lâm, cũng như các địa phương. Hai văn bản này đã cho chúng ta có đầy đủ cơ chế pháp lý hoàn chỉnh để xử lý vi phạm về buôn bán, săn bắt chim hoang dã, chim di cư", bà Hà cho biết. 

Chính vì thế, việc người dân săn bắt, mua bán chim hoang dã, chim di cư đều vi phạm pháp luật. Trên thực tế, các cơ quan quản lý chưa bao giờ cấp phép gây nuôi hợp pháp và thương mại các loài chim hoang dã. 

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xuất hiện hàng năm phần nào cho thấy các cơ quan chính quyền, kiểm lâm địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Theo bà Hà, các cơ quan chính quyền địa phương cần phối hợp lực lượng kiểm lâm và quản lý thị trường cần ra quân mạnh mẽ để xử lý các vi phạm liên quan đến vấn đề này. 

Bên cạnh đó, đối với các nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã cũng cần xử lý nghiêm, để làm gương răn đe và ngăn chặn. Đồng thời, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để giảm tiêu thụ loài chim này, khi cung không còn thì tình trạng buôn bán cũng sẽ giảm.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam chia sẻ: "Khi chúng ta tận diệt chim trời, làm biến mất thiên địch sẽ dẫn đến các loài côn trùng như sâu, bọ phát triển nhanh. Chúng ta sẽ phải dùng thuốc trừ sâu nhiều hơn. Đây chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư".

"Việc săn bắt, buôn bán chim hoang dã, chim di cư còn làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mất môi trường sống, đẩy nhiều loài vào sự đe dọa tuyệt chủng", chuyên gia Hào cho biết thêm.