1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Động vật nhìn thế giới như thế nào?

Minh Khôi

(Dân trí) - Bạn có bao giờ tự hỏi rằng, thế giới sẽ ra sao dưới con mắt của các loài động vật?

Trong thế giới động vật, thị giác thường là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại kẻ săn mồi, cũng như là giác quan quan trọng để bắt con mồi. Từ đó, nhiều loài động vật sử dụng hệ thống thị giác phức tạp để giúp chúng tồn tại trong những môi trường sống cụ thể.

Để sống được ở những nơi tối tăm nhất trên Trái Đất hoặc di chuyển trên bầu trời, các sinh vật đã tiến hóa theo những cách đặc biệt và kỳ lạ để giúp chúng nhận thức thế giới xung quanh.

Đôi mắt phản chiếu

Động vật nhìn thế giới như thế nào? - 1

Mắt cá ma (spookfish) sở hữu cơ chế phản chiếu độc đáo giống như một thấu kính (Ảnh: Getty).

Cá ma (spookfish) sống ở sâu dưới đáy đại dương, nơi ánh sáng mặt trời hiếm khi chạm tới.

Chính vì vậy, loài sinh vật này phải sử dụng một cấu trúc thị giác giống như gương và thấu kính để nhìn mọi vật xung quanh. Đây là loài động vật có xương sống duy nhất được biết đến với đặc điểm này.

Trong đó, các gương thấu kính trong mắt của chúng được làm bằng tinh thể guanine, có thể tập trung để khuếch đại ánh sáng phát ra từ sinh vật phù du và các sinh vật biển phát sáng khác.

Điều kỳ lạ hơn nữa là đôi mắt của loài cá này được chia thành hai phần kết nối với nhau, với một phần hướng lên trên, còn phần kia nhìn xuống dưới.

Bằng cách đó, chúng có thể theo dõi con mồi với một góc rộng hơn, cũng như dễ dàng phát hiện những kẻ săn mồi đang ẩn nấp.

Siêu thị giác

Động vật nhìn thế giới như thế nào? - 2

Các loại chim săn mồi có thị giác cực tốt, giúp chúng phát hiện con mồi khi đang bay cao hàng nghìn mét trên bầu trời (Ảnh: Getty).

Ở Bắc Mỹ, Châu Âu và một số khu vực ở Châu Á, đại bàng vàng bay rất cao trên bầu trời với sải cánh dài 2,1 mét. Tuy nhiên, chúng dễ dàng phát hiện ra con mồi ở cự ly cách xa vài km.

Để làm được điều này, chúng sở hữu mật độ cực cao các tế bào thị giác được gọi là tế bào hình que và hình nón nằm bên trong võng mạc.

Các tế bào hình que có nhiệm vụ ghi lại hình dạng tổng thể của một vật, trong khi các tế bào hình nón phát hiện màu sắc và độ chi tiết.

Theo các nghiên cứu, mật độ tế bào hình que và hình nón trong mắt chim săn mồi cao hơn ít nhất 5 lần so với mắt người.

Loài có thị giác tốt nhất trong họ nhà chim là chim ưng. Chúng có thể nhìn thấy chính xác một con chuột đồng hoặc một con thỏ đang chạy dưới mặt đất từ độ cao 2-3 nghìn mét.

Đôi mắt lớn nhất

Động vật nhìn thế giới như thế nào? - 3

Đôi mắt của một con mực khổng lồ tại Bảo tàng Te Papa ở New Zealand (Ảnh: Getty).

Sở hữu đôi mắt lớn nhất trong vương quốc động vật là loài mực khổng lồ. Những cá thể lớn nhất của loài này có thể dài 12 mét, và mắt của chúng có đường kính tới 25cm.

Loài này sử dụng đôi mắt to để thu càng nhiều ánh sáng càng tốt từ thế giới tối tăm dưới đáy biển để săn cá và tôm.

Tầm nhìn của chúng cũng cho phép phát hiện một con cá nhà táng đang di chuyển ở cự ly 122 mét.

Đây là một trong những kẻ thù chính của mực khổng lồ, thường di chuyển ở vùng đại dương sâu có ít hoặc không có ánh sáng mặt trời.

Phát hiện tia cực tím

Động vật nhìn thế giới như thế nào? - 4

Tôm bọ ngựa ở Indonesia (Ảnh: Getty).

Tôm bọ ngựa được biết đến với sức mạnh phi thường và các càng nhanh nhẹn, có thể phá vỡ vỏ ốc sên chỉ bằng một đòn tấn công.

Chúng cũng tự hào khi có một hệ thống thị giác độc đáo, với mắt có thể xử lý 12 kênh màu, cũng như phát hiện tia cực tím (UV), ánh sáng phân cực, có các sóng dao động theo cùng một hướng.

Để so sánh, con người chỉ có thể xử lý 3 kênh màu, gồm: xanh lam, xanh lục và đỏ. Ngoài ra, mắt người hoàn toàn không thể nhìn thấy ánh sáng phân cực hoặc tia cực tím.

Đôi mắt chuyển màu

Động vật nhìn thế giới như thế nào? - 5

Một con tuần lộc Bắc Cực đang gặm cỏ trên vùng lãnh nguyên ở Svalbard (Ảnh: Getty).

Tuần lộc Bắc Cực (tapetum lucidum) là loài động vật có xương sống hiếm hoi thay đổi màu mắt theo mùa.

Cụ thể, đôi mắt của chúng chuyển từ màu vàng vào mùa hè sang màu xanh lam vào mùa đông. Điều này nhằm bù đắp cho sự thay đổi mạnh mẽ của ánh sáng mặt trời ở Bắc Cực.

Đôi mắt xanh giúp chúng tăng cường khả năng phát hiện các bước sóng ánh sáng ngắn hơn đa số động vật móng guốc trong mùa đông, khi chúng chỉ có vài giờ ngắn ngủi mỗi ngày để phát hiện ánh sáng mặt trời.

Ngược lại, vào mùa hè, mắt chúng không còn cần hấp thụ nhiều ánh sáng trong thời gian ngắn và chuyển trở lại màu vàng.

Theo www.popsci.com