3 mối đe dọa hàng đầu đối với quần thể chim đều gắn với con người
(Dân trí) - Không chỉ ở Việt Nam, quần thể chim tự nhiên trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, mà chủ yếu là do môi trường và con người.
Theo số liệu từ Viện Worldwatch, trên thế giới hiện có khoảng 10.000 loài chim. Mặc dù vậy trong một số tài liệu, các nhà chức trách đưa ra con số lên tới khoảng 11.000.
Điều này cho thấy là chim là một nhóm động vật vô cùng đa dạng, phong phú. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, khi tiêu diệt các loại sâu bệnh có hại, góp phần duy trì sự phát triển của hệ thực vật.
Tuy nhiên theo Science of Birds, những nghiên cứu hiện tại cho thấy có khoảng 40% tổng số loài chim tự nhiên trên toàn thế giới đang bị suy giảm. Trung bình, cứ 8 loài thì có 1 loài bị đe dọa tuyệt chủng.
Loài chim bị phá hủy môi trường sống
Theo báo cáo từ Tổ chức BirdLife International, đáng chú ý nhất phải kể tới gần 1/3 số loài Vẹt đang suy giảm trầm trọng. Tình hình còn tồi tệ hơn đối với loài kền kền Cựu thế giới, với 68% số loài bị suy giảm. Con số đó lên tới 73% đối với họ Sếu.
Trong những năm gần đây, danh sách những loài nguy cấp có thêm Chim gõ kiến Okinawa và Chim ưng California, khi chúng đều nằm trong hạng mục "Cực kỳ nguy cấp".
Ngoài ra, cũng phải kể tới chim cánh cụt Galapagos, vẹt mào trắng, lần đầu lọt vào trong danh mục "Có nguy cơ tuyệt chủng"; hay đại bàng Harpy, đại bàng mỏ vàng... được phân loại là "gần bị đe dọa".
Rõ ràng, loài chim trên toàn thế giới đang gặp phải nhiều rắc rối, mà nguyên nhân phần nhiều đến từ môi trường sống thu hẹp và những hoạt động của con người.
Theo WHO, dân số loài người đã tăng từ 3,7 tỷ vào năm 1970 lên trên 8 tỷ vào năm 2023. Con số này đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 50 năm.
Các nhà khoa học tại Global Footprint Network đã tính toán rằng với số lượng dân số hiện nay và tốc độ sử dụng tài nguyên hiện tại, chúng ta đang khai thác nhiều hơn 1,6 lần những gì Trái Đất có thể tái tạo.
Và đối với quần thể chim, 3 mối đe dọa hàng đầu đều có liên quan đến sự phá hủy và suy thoái môi trường sống một cách nghiêm trọng.
Theo thời gian, con người đã lần lượt tàn phá rừng, đồng cỏ, vùng đất ngập nước và các môi trường sống nước ngọt khác. Chúng đều là môi trường sống tự nhiên của loài chim.
Tại thời điểm này, hơn một nửa diện tích đất liền trên hành tinh đã được con người chuyển đổi hoàn toàn để sử dụng. Nói cách khác, chỉ còn chưa đến một nửa môi trường sống tự nhiên của Trái Đất còn tồn tại.
Ngay cả khi môi trường sống không bị phá hủy hoàn toàn, các hoạt động của con người cũng gây ra phân mảnh và cô lập điều kiện sống của động vật hoang dã.
Săn bắt và đánh bẫy
Việc người dân khai thác trực tiếp các loài chim hoang dã tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của chúng.
Gần đây, dư luận và các tổ chức về bảo tồn chim hoang dã Việt Nam lại dậy sóng sau loạt bài phản ánh "Tận diệt chim trời" và hoạt động buôn bán chim hoang dã diễn ra công khai nhiều năm ven một con đường lớn ở Hà Nội.
Không chỉ vậy trên mạng xã hội, có vô số các hội nhóm tập hợp những người đam mê bẫy chim. Có nhóm phân chia theo khu vực, tỉnh thành nhưng cũng có nhóm ở quy mô... toàn quốc.
Trong những hội nhóm này, các thành viên đua nhau chia sẻ bí kíp làm sao để bắt, bẫy được chim rừng. Nhiều người livestream (phát sóng trực tiếp) quá trình bẫy chim, một số lại quay lại video về đăng tải lên mạng xã hội để "chia sẻ kinh nghiệm".
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng phần lớn đây là những loài chim hoang dã.
"Tình trạng người dân đánh bắt, buôn bán chim trời diễn ra công khai. Tại các nhà hàng, chúng ta có thể dễ dàng gọi những món ăn chế biến từ các loài chim này, song chính quyền địa phương vẫn chưa mạnh tay xử lý", chuyên gia Hào cho biết.
Theo chuyên gia, nhiều năm nay liên tục diễn ra tình trạng săn bắt chim trời, đặc biệt là vào những đợt di cư của chúng. Điều này làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mất môi trường sống, đẩy nhiều loài chim vào sự đe dọa tuyệt chủng.
"Khi chúng ta tận diệt chim trời, làm biến mất thiên địch sẽ dẫn đến các loài côn trùng như sâu, bọ phát triển nhanh", chuyên gia Hào cho biết thêm. "Từ đó, ta sẽ phải dùng thuốc trừ sâu nhiều hơn. Đây chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư".
Trên thế giới, nhiều loài chim cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa từ nạn săn bắn và đánh bẫy của con người.
Chim hồng hoàng mũ cát (tên khoa học: Rhinoplax vigil) là một trong những thí dụ điển hình, khi từ năm 1975, chúng đã được xếp vào danh sách các loài hoang dã dễ bị tổn thương.
Loài chim này đặc biệt vì có cái mào bằng sừng lớn, đặc, gắn liền với mỏ. Bởi vậy, mỏ mào hồng hoàng mũ cát từ lâu đã trở thành món đồ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, có giá trị cao tại thị trường Châu Á.
Hiện nay, chim hồng hoàng mũ cát đã rơi hẳn xuống mức "cực kỳ nguy cấp" theo IUCN. Các nhà bảo tồn vô cùng bất an trước thực trạng săn trộm hồng hoàng mũ cát ngày càng gia tăng. Họ cũng hết sức hoang mang vì không biết loài chim quý hiếm này còn được bao nhiêu cá thể trong tự nhiên.
Chim sẻ hót, thuộc Bộ Sẻ, là một nạn nhân khác khi chúng bị tận diệt vì được coi là món ngon ở Ý, Ai Cập, đảo Síp, và một số quốc gia khác. Vẹt thì bị bắt và buôn bán để làm thú cưng, dẫn tới mối đe dọa lớn đối với nhiều giống loài vẹt trên thế giới.
Điều đáng nói là việc săn bắn này đã được xem là bất hợp pháp trong suốt nhiều thập kỷ, thế nhưng nó vẫn tiếp diễn, bất chấp nỗ lực can thiệp của các tổ chức bảo tồn chim trên thế giới.
Hoạt động nông nghiệp
Việc có quá nhiều người trên hành tinh đồng nghĩa với việc cần phải sản xuất một lượng lớn thực phẩm. Và do đó, nông nghiệp là lựa chọn hàng đầu.
Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF), 38% bề mặt đất của Trái Đất hiện được dành cho việc trồng trọt và chăn nuôi.
Việc chuyển đổi đất từ môi trường sống tự nhiên sang đất nông nghiệp đang diễn ra nhanh nhất ở vùng nhiệt đới. Thật không may, đó lại là nơi sinh sống của hầu hết các loài chim nằm trong danh mục bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo thống kê, hoạt động mở rộng đất nông nghiệp của con người đã đe dọa tổng số 74% các loài chim trên thế giới. Trong đó bao gồm 1.087 loài trong Sách Đỏ, thuộc danh mục cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương.
Một số loại cây trồng có sức tàn phá mạnh nhất ở vùng nhiệt đới là cà phê, đường, dầu cọ, ca cao và đậu nành.
Do đó, để bạn có thể nhâm nhi, thưởng thức một tách cà phê, thì bên ngoài kia, hàng triệu héc-ta rừng đã bị tàn phá mỗi năm, không chỉ gây phá hủy môi trường sống của động vật, côn trùng và chim, mà còn gây nên tình trạng mất cân bằng khí hậu.
Không chỉ trồng trọt, mà cả chăn nuôi cũng góp phần lấy đi môi trường sống của các loài chim. Điều này đến từ việc con người ăn quá nhiều chất đạm, khiến cho việc sản xuất chất đạm động vật chiếm khoảng 1/3 diện tích đất đai.
Vùng đất đó từng là môi trường sống tự nhiên của các loài chim.
Tàn phá rừng
Tiếng chim hót trong rừng có lẽ là âm thanh tinh túy của thế giới tự nhiên. Điều này xuất phát từ thực tế rằng 2/3 số loài chim trên thế giới phụ thuộc vào môi trường sống trong rừng.
Thế nhưng kể từ năm 1900, một nửa diện tích rừng trên hành tinh đã bị phá hủy. Điều này đã góp phần trực tiếp vào việc tàn phá nơi ở của các loài chim.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong số các loài thuộc Danh sách Đỏ bị đe dọa nhiều nhất, có 734 loài chim - chiếm khoảng một nửa - đang bị suy giảm do nạn khai thác gỗ.
Nhiều người ắt hẳn sẽ đặt câu hỏi rằng, hầu hết các loài chim đều có thể bay mà phải không? Thế nên, khi môi trường sống bị đe dọa, chúng chỉ cần đơn giản là bay đến một vùng đất mới, có đúng không?
Vấn đề không đơn giản như vậy. Nhiều loài chim rừng đòi hỏi môi trường rừng còn nguyên vẹn và tương đối nguyên sơ. Trong khi, các loài khác không bay, hoặc không có khả năng di chuyển đến một khu rừng mới.
Lấy thí dụ như Crax fasciolata - một loài chim giống gà trong họ Cracidae - thường sống ở khu vực miền trung Nam Mỹ.
Mặc dù có cánh, nhưng chúng không bay, và không di chuyển qua những khu vực rộng lớn đã bị chặt phá rừng. Hệ quả là quần thể của loài chim này ngày càng nhỏ hơn do môi trường sống của chúng bị chia cắt.
Chúng ta có thể cứu thiên nhiên?
Giận dữ, ghê sợ, buồn bã. Đây là những cảm xúc mà bạn có thể sẽ trải qua khi đọc bài viết này, và biết rằng chúng ta chính là nguyên nhân khiến cho hàng nghìn loài chim bị đe dọa mỗi năm.
Điều đáng nói là không chỉ chim, mà phần lớn sự sống trên hành tinh này đều đang bị đe dọa với tốc độ đáng kinh ngạc. Theo các tổ chức bao tồn hoang dã, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thức tỉnh, và cứu lấy sự sống bị đe dọa.
Câu chuyện này cũng không chỉ bao gồm sự u ám và diệt vong.
Hiện vẫn có vô số người yêu động vật trên khắp thế giới đang làm việc chăm chỉ để giúp đỡ các loài chim. Vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm, và những thay đổi tích cực đang diễn ra mọi lúc.
Thế nhưng câu hỏi là liệu chúng ta có thể, và có kịp cứu lấy thiên nhiên trước khi mọi thứ đi quá xa đến nỗi không thể cứu vãn?