(Dân trí) - Để sở hữu những chậu cây cảnh có giá tiền tỷ, Phạm Ngọc Hùng trải qua hơn 4 năm nghiên cứu trong phòng lab để lai tạo đột biến, sử dụng hóa chất và chiếu xạ, rồi bỏ công sức nuôi trồng.
9X kiếm tiền tỷ, trải lòng góc khuất phía sau nghề "đếm lá tính tiền"
Để sở hữu những chậu cây cảnh có giá tiền tỷ, Phạm Ngọc Hùng trải qua hơn 4 năm nghiên cứu trong phòng lab để lai tạo đột biến, sử dụng hóa chất và chiếu xạ, rồi bỏ công sức nuôi trồng. Trải qua nhiều thất bại, nhiều lần tưởng như công sức "đổ xuống sông bể", cuối cùng 9X đã thành công tạo ra những giống cây đột biến mới, có giá trị cao.
Trong khoảng từ 3 năm trở lại đây, thú chơi cây cảnh lá (kiểng lá) đột biến đã thu hút đông đảo người Việt. Chỉ cần tìm kiếm theo từ khóa trên Facebook, có thể dễ dàng thấy hàng loạt nhóm kín với hàng chục nghìn người tham gia trao đổi, chia sẻ, và giao dịch về loại cây cảnh không hoa, nhưng vẫn được người chơi "săn lùng" chẳng kém gì những chậu lan đột biến.
Những cây cảnh lá được rao bán thông thường có giá từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng/lá. Trong đó, phổ biến nhất là monstera (trầu bà Nam Mỹ) với rất nhiều dòng từ bình dân đến cao cấp. Đối với những dòng đột biến như hồng hạc hay mint, mỗi lá cây có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng. Tuy nhiên, nét đặc biệt của thú chơi cảnh lá là chỉ có lá ngẫu nhiên xuất hiện đột biến, và cũng có lá không. Do vậy, dân trong ngành thường gọi vui là "đếm lá tính tiền".
Nói về giới chơi cảnh lá tại Việt Nam, không ai là không biết tới Phạm Ngọc Hùng - founder trẻ tuổi của startup Xanh xanh Urban Forest, người nổi tiếng với không chỉ sưu tầm, mà còn ứng dụng khoa học kĩ thuật để nhân giống và tạo ra những giống cây cảnh lá mới, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Khởi nghiệp từ con số "0"
Vào một buổi chiều cuối năm, Hùng gọi cho những người bạn, hồ hởi khoe "chiến tích" mới sưu tầm được là hai chậu cảnh lá với giá xấp xỉ 150 triệu đồng. Tuy nhiên theo anh chàng, nếu bỏ công chăm sóc một thời gian nữa, giá trị của hai chậu cây này có thể sẽ tăng lên gấp nhiều lần, vì nhiều khả năng sẽ mọc thêm những lá đột biến.
Lần đầu nhìn thấy những lá cây đột biến, ắt hẳn nhiều người sẽ cho rằng đây ắt hẳn là cây "lỗi", lá bị hỏng, khiến xuất hiện nhiều vệt màu trắng, vàng, đen... tùy theo từng chủng loại, và đặc biệt là chẳng có gì hấp dẫn. Thế nhưng đối với người chơi cây cảnh, chính sự khác biệt "chẳng giống ai" này đã tạo nên những "cung bậc" giá khác nhau, chủ yếu dựa trên mức độ quý hiếm của từng loại đột biến.
Đơn cử như cây trầu bà Nam Mỹ đột biến dòng mint hiện nay có thể được bán với giá hơn 1 tỷ đồng/cây. Trong đó, những cây lá màu trắng điểm trên nền xanh giá cực đắt, có thể lên tới 2,5 - 4,5 tỉ đồng/cây loại 6-8 lá.
Với một người chơi như Hùng, sau khoảng hơn 4 năm, ước tính "gia tài kiểng lá" của anh chàng có thể dao động từ 4 đến 5 tỷ đồng tùy vào từng thời điểm của thị trường. Tuy nhiên, đằng sau đó là rất nhiều công sức lặn lội sưu tầm, ứng dụng nghiên cứu, cấy mô cho những cây cảnh lá, rồi nuôi chúng lớn để tới ngày được "đếm".
Không bất ngờ khi thú chơi cảnh lá vốn dĩ khởi điểm dưới dạng là các đề tài nghiên cứu, sưu tầm của các nhà thực vật học. Lý do là vì cây đột biến có tỷ lệ xuất hiện trong tự nhiên rất thấp. Từ đó, phải ứng dụng công nghệ nghiên cứu nhân giống để tạo ra những giống cây mới, cũng như tăng tỷ lệ thành công có kiểm soát lên rất nhiều. Xuất phát từ các đề tài này, cây cảnh lá đột biến bắt đầu mở rộng ra đại chúng từ khoảng năm 2009 - 2010 đến nay, cùng với xu thế đưa phong cách Tropical vào trong các bộ sưu tập thời trang trên thế giới.
Đến nay, đã có rất nhiều nhà khoa học tạo ra giống cây mới từ các phòng thí nghiệm, dựa trên nhiều công đoạn như chọn giống, lai giống, cấy mô... từ một cây xanh ban đầu, bắt đầu chọn lọc và làm xuất hiện các thể Var (hay thể đột biến) như đốm, lấm chấm, dải màu, nửa thân lá...
Ý tưởng sáng lập startup Xanh Xanh Urban Forest của Phạm Ngọc Hùng bắt đầu từ sau một chuyến du lịch Thái Lan vào năm 2017. Lúc bấy giờ, Hùng nhận thấy đây là một lĩnh vực rất tiềm năng, nhưng ở Việt Nam lại chưa có ai khai phá. Người biết đến cảnh lá đột biến khi ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số là Việt Kiều mang theo cây của họ trồng ở nước ngoài về Việt Nam.
So với cây lan đột biến, vốn chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á (như Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan), cảnh lá là thị trường rộng hơn rất nhiều, trải dài từ các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... cho tới châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên dưới góc độ của một chuyên gia, Hùng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể là nơi cung cấp tốt dòng cây kiểng lá cho thị trường thế giới bởi yếu tố nhân giống, khí hậu, nhân lực, thanh khoản... đều tốt.
Là cựu sinh viên trường Đại học Nông nghiệp, Hùng có lợi thế là có kiến thức về nuôi trồng, nhân giống, cũng như có thể mượn phòng nuôi cấy mô và có vườn nhân giống của trường để triển khai đề tài của mình.
Hùng lập tức liên kết với 2 anh, chị là Tiến sĩ đang giảng dạy trong trường, ban đầu tạo ra các loài lai xa (PV: lai giữa 2 loài khác nhau trong cùng chi và giữa 2 chi khác nhau). Sau đó, nhóm tiến tới các nghiên cứu trong phòng lab như tạo đột biến, sử dụng hóa chất và chiếu xạ để tạo ra những đột biến mới.
Ý thức rằng mình đang đứng trước cơ hội để mang theo "thị trường tiền tỷ" về Việt Nam, nhưng Hùng càng làm, càng hiểu vì sao nhiều người chọn trở thành một thương nhân nhỏ lẻ thay vì nghiên cứu, xuất khẩu đối với giống cây này.
Tỷ lệ thành công chỉ dưới 10%
Không giống như hoa lan hay lá chuối, tỷ lệ sống của cảnh lá rất thấp. Đây là điều được Hùng nhận thấy ngay từ khi bắt đầu chặng đường của mình.
Có thời điểm, anh chàng nuôi cấy được khoảng 500 cây thuộc giống Monstera Thái từ các hạt mầm. Sau khi ra rễ, cây bắt độc mọc và có dấu hiệu sinh trưởng. "Đối với các loài cây khác, là đã có thể cảm thấy không cần lo lắng", Hùng chia sẻ. Thế nhưng bắt đầu đến hết tuần thứ 2, cây bỗng trở nên yếu, rồi chết hàng loạt. Toàn bộ số cây giống cứ thế ..."đi toong".
Một lần khác, Hùng nuôi cấy ra 400 cây, nhưng có đến 90% là cây chết. Lúc bấy giờ, ước tính mỗi cây Monstera tính ra có giá trị khoảng 1,2 triệu, thì thiệt hại của nhóm nghiên cứu đã lên tới cả tỷ đồng sau 2 lần thất bại. Ai cũng chán nản.
Đó là thời điểm vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi Hùng tập hợp được một nhóm nghiên cứu để trải qua quá trình làm RND (nghiên cứu và phát triển), chi phí rất tốn kém, nhưng không có tín hiệu cho thấy bao giờ mới thành công.
Hiểu được tính chất khó khăn của công việc, Hùng vẫn động viên mọi người trong nhóm cùng cố gắng và tiếp tục thử nghiệm. Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm của Hùng nuôi cấy 700 cây, nhưng cũng chỉ sống được gần 200 cây, tỷ lệ xấp xỉ 30%.
"Đến lúc cầm từng cây chết đi, cảm giác trong lòng rất buồn không chỉ vì nó là cây do chính mình nuôi nấng, mà còn không biết mình sai từ đâu", Hùng chia sẻ. "Trả học phí là điều tất nhiên. Dù mình có đọc, tìm hiểu hoặc nghe kinh nghiệm từ ai đấy, nhưng đến lúc bập vào rồi mới thấy".
Theo Hùng, giai đoạn quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất trong nhân giống là lúc đưa chồi non của cây giống vào ống nghiệm, để nuôi dưỡng cho cây phát triển trong điều kiện bình thường.
Lúc này, chỉ cần một sai sót nhỏ, có thể là do chồi bị nhiễm khuẩn, hay do thao tác phòng lab không kỹ, có thể khiến chồi bị nhiễm nấm, bị hỏng, và toàn bộ công sức "đổ xuống sông bể". Ngoài ra, thao tác cấy chuyển chồi cây từ môi trường này sang môi trường khác cũng cần có độ chính xác và tỉ mỉ.
Khi từng bước tăng được tỷ lệ sống của cây, Hùng lại vấp vào một khó khăn nữa, đó là cây giống mẹ sau khi ươm rất nhiều lần, đã đến giai đoạn cây không "đẻ" nữa, hay nói cách khác là hệ số nhân trở nên rất chậm. "Mặc dù tin vào khoa học, nhưng đúng là không biết bao giờ mới là đích đến", Hùng nhớ lại cảm xúc khi ấy.
Trong suốt hơn 2 năm thử nghiệm nhiều phương pháp, cải tiến trong quá trình nuôi trồng, cũng như khử trùng môi trường làm việc, giá thể kỹ hơn, cây mô đã được "huấn luyện" để trở nên cứng cáp dần. Đến nay khi đã khép kín được quy trình, tỷ lệ sống của các mô từ trước đây khoảng 10-15%, thì nay đã tăng lên trên 90%, nhóm nghiên cứu cho biết.
"Đãi cát tìm vàng"
Trực tiếp tham gia công việc của một nhà nghiên cứu khoa học, nhưng lại không được coi là một đề tài nghiên cứu được tài trợ, Hùng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tuy nhiên nhờ sự giúp sức của bạn bè, đồng nghiệp, Hùng đến nay đã xây dựng được 3 phòng lab tại Hà Nội, 1 khu trưng bày hoa và cây cảnh rộng 760 mét vuông, cũng như sử dụng nhà ở và khu đất rộng 1200 mét vuông tại Hưng Yên làm trung tâm vận hành.
Để đến với thành quả trên, Hùng trải qua hơn 4 năm "sống bằng đam mê". Chàng trai mê cây cứ lê la hết từ vườn này đến vườn khác, từ Hà Nội tới Hưng Yên, Hải Phòng... đặc biệt là ở khu vực Văn Giang thường nhập rất nhiều cây nội thất trồng trong nhà lưới.
Cũng chính trong những lần "đi dạo" này, anh chàng đã tìm được những cây đột biến, lẫn trong những cây thường mà ít người để ý. Hùng coi đây là thú vui tao nhã giống như đi "đãi cát tìm vàng" của mình, vừa để kiếm tiền, vừa thỏa mãn niềm đam mê khám phá.
Trong đó, một số cây của Hùng sưu tầm được, như cây mini monstera đã thu được tiền tỷ, dù có giá mua rất "bèo". Ngoài ra, có 2 cây monstera red Congo, 1 cây monstera green Congo với giá trị mỗi cây thời điểm trưởng thành trị giá khoảng 200 triệu/cây, cũng được mua với giá chỉ vài triệu đồng. Cũng có lần, 9X lựa được nhiều giống cây đột biến từ hạt, khi mà đa số tưởng như chỉ "vô giá trị".
Chính những niềm vui ấy đã giúp cho Hùng thêm quyết tâm và nghị lực để tiếp tục bước đi trên con đường như đã định sẵn của chàng trai gốc Hưng Yên kể từ khi "chân ướt chân ráo" bước qua cánh cửa Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Thị trường rộng mở đón Việt Nam
"Chưa bao giờ cánh cửa phát triển ngành này của Việt Nam lại trở nên rộng mở như hiện nay". Đây là nhận định của Hùng khi nói về cơ hội của thị trường cảnh lá đột biến, quý hiếm.
Theo chàng trai 9X, chắc chắn với tốc độ nhân giống nhanh thì Việt Nam có thể trở thành nguồn cung cho thế giới trong tương lai không xa. Thực tế là chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều giống quý được quy tụ về Việt Nam, và hiện đã có thêm nhiều đơn vị nghiên cứu tập trung về cây cảnh lá.
Hùng chia sẻ: "Khi nói chuyện với các đối tác nước ngoài, mình nói có thể sản xuất được "cái này, cái kia", thì họ cực kỳ bất ngờ khi Việt Nam có thể làm được những điều như thế. Bản thân mình thấy Việt Nam hoàn toàn làm được".
Theo chuyên gia này, cần phải nhanh chóng thúc đẩy mô hình vận hành, nâng cao chất lượng, đưa ra tiêu chuẩn tốt nhất để từ khi nhận được cơ hội phát triển ở các thị trường là ngay lập tức có thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, cũng cần sự chung tay của nhiều các công ty, startup để hình thành nên một phong trào, một cộng đồng cây cảnh vững mạnh ở Việt Nam. "Đừng e sợ các "ông lớn", vì ông lớn chưa chắc đã có cây độc nhất. Đôi khi ở vườn nào đó cũng có thể có dạng cây đột biến tự nhiên hiếm có, mang lại giá trị cao", Hùng nhấn mạnh. "Nếu ở Việt Nam có nhiều người chơi hơn, thì tỷ lệ giống đặc biệt sẽ xuất hiện ở Việt Nam sẽ tăng lên.
Hùng thông tin cho biết bản thân đang xây dựng trung tâm thương mại cây cảnh lá tại Hà Nội. Trung tâm này có nhiệm vụ kết nối các đơn vị nghiên cứu, mua bán trong lĩnh vực cây cảnh lá, hướng tới mục tiêu biến Việt Nam trở thành quốc gia có thể xuất khẩu được cây này, đồng thời thu hút thế giới tìm đến Việt Nam để sưu tầm, khám phá những cây đẹp, cây quý có giá trị cao.