Sau khi thu học phí, giám đốc SAS "mất liên lạc": Học viên bức xúc!
(Dân trí) - Trung tâm ngoại ngữ SAS thu học phí của hàng ngàn học viên, nợ lương giáo viên rồi... đóng cửa. Đến nay, không ai, kể cả quản lý Sở GD-ĐT TPHCM cũng không liên lạc được với giám đốc.
Vay nợ đóng tiền học, lo mất trắng
Đến chiều tối 17/10, khoảng 150 học viên Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (SAS) cơ sở Thủ Đức đã cùng lập danh sách thống kê về bị trung tâm nợ học phí. Với số tiền của từng học viên từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/người, hiện trung tâm đã giữ học phí của học viên lên đến tiền tỷ.
Nhiều học viên bức xúc cho biết, họ vét đến đồng tiền cuối cùng, xin gia đình, thậm chí vay mượn để đăng ký theo học. Vậy nhưng, nộp tiền xong thì trung tâm không tổ chức dạy, thông báo tạm ngưng vì dịch bệnh và giờ họ nghe tin trung tâm đóng cửa.
L.P.L, sinh viên một trường ĐH trên địa bàn thành phố cho biết, cô gom tất cả tiền tiết kiệm lâu nay, nhịn ăn nhịn mặc và vay thêm bạn bè để đăng ký 3 khóa học tại trung tâm với số tiền trên 12 triệu đồng. Vậy nhưng, cô chỉ mới học được mấy buổi thì giờ bị "treo", không biết lấy tiền lại ở đâu.
Một phụ huynh ở Thủ Đức cho biết, chị đóng cho con theo học lớp S1,S2 từ tháng 9/2020. Chỉ mới học được vài buổi thì trung tâm nói cháu không theo kịp nên bảo lưu chờ khóa học sau.
"Vừa khai giảng khóa mới thì nghỉ dịch cho đến bây giờ. Tôi đã nhiều lần liên lạc đến trung tâm mong muốn có thể lấy lại tiền nhưng không được", người mẹ cho biết.
Đặc biệt, nhiều học viên vay trả góp một công ty tài chính kết nối với trung tâm để đóng tiền học phí. Dù lâu nay không học, hàng tháng họ vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi cho công ty.
Nhân viên, giáo viên đều... khóc!
Học viên SAS kết nối để phản ánh về việc bị trung tâm giữ tiền học phí sau khi Fanpage "SAS Thủ Đức - Hoang Dieu campus" và "SAS-District 9 Campus" bất ngờ đăng thông báo Trung tâm SAS Hoàng Diệu, SAS Lê Văn Việt chính thức ngừng hoạt động vào ngày 10/10.
Theo thông báo này, vào tháng 5/2021 toàn bộ nhân viên của chi nhánh tạm ngừng làm việc do ảnh hưởng của dịch covid-19 diễn biến phức tạp trên TPHCM; Toàn bộ tiền học phí của học viên khi đăng kí đã được nhân viên chuyển toàn bộ về cho công ty, cụ thể là ông Đỗ Văn Quản, giám đốc trung tâm SAS.
"Nhưng hiện giờ, toàn bộ nhân viên hệ thống cũng không một ai có thể liên lạc được với giám đốc. Và có rất nhiều thông tin cho rằng hiện giám đốc đã bán nhà tại Gò Vấp, TPHCM và bỏ trốn", quản lý trang SAS Thủ Đức - Hoang Dieu campus cho hay.
Thời gian qua, hàng loạt giáo viên, nhân viên của trung tâm SAS ở khắp các cơ sở tại TPHCM và nhiều tỉnh thành cũng phản ánh việc họ bị nợ lương nhiều tháng. Trong đó, có nhiều giáo viên nước ngoài bị nợ lương từ 40 - 50 triệu đồng.
Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, đến nay, Trung tâm ngoại ngữ SAS chưa báo về Sở về việc ngưng hoạt động mà chỉ mới báo cáo về việc bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đến ngày 16/10, cán bộ của Sở phụ trách mảng ngoại ngữ tin học nhiều lần gọi điện cho chủ đầu tư là ông Đỗ Văn Quản nhưng cũng không liên lạc được. Trước đó, vào cuối tháng 9, ông Đỗ Văn Quản có gửi công văn giải trình đến Sở GD-ĐT TPHCM về vấn đề nợ lương, nợ học phí.
Theo nội dung công văn, dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 và bùng phát trở lại vào năm 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến tài chính và hoạt động của trung tâm.
Trung tâm phải đóng cửa thực hiện quy định về giãn cách. Trong khi vẫn tốn các chi phí cố định và phát sinh dẫn đến trung tâm bị thâm hụt nghiêm trọng về tài chính nên chưa thể chi trả tiền lương đầy đủ cho giáo viên và nhân viên.
Về hướng giải quyết, khi đó, ông Đỗ Văn Quản cho biết, đối với học viên trung tâm sẽ chuyển học hình thức học tập phù hợp như trực tuyến hoặc trực tiếp tuân thủ đúng nguyên tắc và các quy định chỉ đạo về chống dịch.
Với lương giáo viên, nhân viên, Trung tâm sẽ có văn bản xin gia hạn và có tính thêm % lãi suất trong thời gian nợ lương. Ngoài ra, trung tâm cũng mong muốn sớm được hoạt động trở lại.
Trung tâm ngoại ngữ SAS thuộc Công ty Giáo dục Master English, đăng ký trụ sở chính ở đường Trần Thị Nghỉ, phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM.
Trung tâm này có khoảng 60 cơ sở ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Riêng tại TPHCM có 22 chi nhánh khác nhau, nhưng theo đăng ký, hiện 9 nơi hoạt động, 4 nơi đã giải thể và 9 nơi chưa có quyết định hoạt động giáo dục.