1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện cứu tàu của Pháp tại Hoàng Sa

Trước khi bị thế lực ngoại bang dòm ngó và nhảy vào chiếm đoạt, từ năm 1909 trở về trước, Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành đơn vị hành chính của triều đình nhà Nguyễn, được tổ chức và quản lý chặt chẽ từ chính quyền Trung ương.

Do tầm nhìn chiếc lược sắc sảo, vua nhà Nguyễn đã xác định đây là các vị trí chiến lược quan trọng. Trong khi đó một số nhà buôn Trung Hoa và phương Tây gọi Hoàng Sa là vùng "đầy ma quỷ" và "buồn thảm".

 

May mắn là dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam vẫn còn lưu giữ được một số tài liệu quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, ngoài các bộ chính sử ghi chép tỉ mỉ, chúng ta còn lưu giữ được nhiều châu bản, tức các tấu sớ của các bộ, cơ quan địa phương tâu lên đã được nhà vua "ngự phê", "ngự lãm". Hệ thống các văn bản hành chính này đã minh chứng cho quá trình xác lập chủ quyền và quản lý chặt chẽ đối với Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.

 

Tấu trình cứu thuyền buôn của Pháp
 

Năm 1830, tức năm Minh Mạng thứ 11, một chiếc tàu buôn của Pháp gặp bão tại Hoàng Sa. Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ nhận được tin báo, lập tức sai thuyền tuần tiễu ra cứu người và cứu tàu. Ngay sau đó quan thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ làm bản tấu trình gởi lên nhà vua. Nguyên văn chữ Hán được dịch nghĩa như sau: "Thần là Nguyễn Văn Ngữ, chức thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc: Vào giờ Dần ngày 20 tháng này, chủ thuyền buôn Phú Lang Sa là Đô-ô-chi-li cùng tài phó Y Đóa và bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Lữ Tống (tức Philippines) buôn bán, việc đã tâu báo. Giờ Dần ngày 27, chợt thấy tài phó Y Đóa và 11 thủy thủ đi trên một chiếc thuyền nhẹ vào cửa tấn (cửa biển) nói hai ngày 21 tháng này thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn tám thước... Thần lập tức cho thuyền tuần tiễu ở cửa tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm.

 

Nay xin tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đi-ô-chi-li cùng phái viên, thủy thủ 15 người. Hiện đã đưa về tấn, người và vàng bạc đều an toàn... Thần xin soạn tập tâu, kính cẩn trình báo đầy đủ. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu".

 

Văn bản này có ấn (đóng dấu) của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng và Ngự tiền chi bảo.

 

Tấu xin quyết toán thực hiện công vụ, dân phu phục vụ Hoàng Sa

 

Thực hiện Dụ của nhà vua, các địa phương đều phải tham gia cung cấp phương tiện, nhân vật lực cho các chuyến đi vãng thám Hoàng Sa. Ngày 11/7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Bộ Hộ xin 5 ngày để kê cứu, thẩm tra các việc ở địa phương. Tấu của Bộ Hộ như sau: "Bộ Hộ tâu: Các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên đều dâng sớ trình bày giá gạo trong tháng và kèm theo bản tường trình về tình hình thời tiết năng mưa cũng như công việc nhà nông. Bộ thần cung kính xin ban chỉ...".

 

Một đoạn khác có nội dung sau: "Lại có sách của Sơn Tây phúc trình xin được quyết toán mọi chi tiền gạo để chế tác các nhãn hiệu Đằng bài (dây roi), Bài đao (dao), Phác đao ( dao mác)... Lại có sách tâu của tỉnh Quảng Ngãi trình bày việc vâng mệnh chi tiền gạo thuê dân phu đến xứ Hoàng Sa thực hiện công vụ, xin cho được quyết toán. Việc này Bộ thần xin trong 5 ngày để kê cứu rồi tấu trình lại...".

 

Bản tấu này đã được vua Minh Mạng "châu phê" như sau: "Biết rồi! Hãy tuân mệnh".

 

Do xác định "Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất hiểm yếu", vua Minh Mạng tỏ ra rất quyết đoán và theo sát mọi tình hình. Các tấu trình đều phải được nhà vua xem và "châu phê". Từ năm 1836, những chuyến đi vãng thám Hoàng Sa cũng như thời gian chuẩn bị, các địa phương tham gia, lộ trình đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch. Nhà vua "châu phê" rõ ràng: " Lại từ năm nay (1836) trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, cứ lệ ấy mà làm".

 

Tuy nhiên, năm 1838 do thời tiết xấu, chuyến vãng thám phải chậm lại. Bản tấu năm này như sau: " Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 là xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài đến hạ tuần tháng 4 vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. Bộ thần căn cứ vào sự thật tấu trình đầy đủ".

 

Gần như mọi diễn biến liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa nhà vua đều trực tiếp xem xét và có "châu phê" chỉ đạo, bất luận việc lớn hay việc nhỏ.

 

Binh lính thời nhà Nguyễn
Binh lính thời nhà Nguyễn
 

Tấu về kết quả chuyến vãng thám năm Minh Mạng thứ 19 (1838)

 

Dù xuất phát chuyến đi năm này bị trễ vì thời tiết, song kết quả đi về vẫn được tấu lên nhà vua đầy đủ, cụ thể. Bản tấu của Bộ Công ngày 21/6 ghi rõ: "Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này đã đến được 25 đảo thuộc vùng thứ 3. Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được vùng thứ 3. Còn một vùng phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, có 3 bức vẽ riêng từng vùng và một bức vẽ chung, cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.

 

Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được một sung đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về. Chúng thần dám xin làm tờ tâu trình đại thể. Thần Thang Huy Thuận vâng mệnh soạn thảo. Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt".

 

Tấu xin giảm tội cho viên giám thành "thiếu trách nhiệm"

 

Giám thành Trương Viết Soái nhiều lần được cử đi công vụ ở Hoàng Sa nhưng "không hoàn thành nhiệm vụ", bị phạt tội "trảm giảm hậu" (tội chém đầu) nhưng đợi đến mùa thu mới xét xử. Bộ Công tâu: "Các viên thủy sư Phạm Văn Biện do kinh phí sai phái, viên dẫn đường Vũ Văn Hạng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực do tỉnh sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn, đã có chỉ trách phạt, đánh đòn... Lần này trở về, trừ Phạm Văn Biện đã bị trách phạt không cần nghị bàn thêm, còn các viên binh dân chiếu theo lệ ban thưởng gia ân, nhưng việc ban thưởng do bề trên quyết định, bộ thần không dám nghị bàn. Duy có viên quan giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, đã được sai đi hiệu lực. Năm ngoái lại được sai phái đi hiệu lực ở Hoàng Sa, khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, vâng theo chỉ chuẩn cho giữ nguyên án phạt trảm giam hậu, lần này xét xử viên đó thế nào, xin tâu trình đợi chỉ".

 

Vua Minh Mạng vốn nghiêm khắc với quan quân. Nhưng với dân binh đi Hoàng Sa, nhà vua luôn ưu ái ban thưởng và cũng rất quan tâm trừng trị những ai không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, mức "trảm giam hậu" là khá nặng nên nhà vua đã giảm bớt tội, châu phê rằng: "Vi binh tái sĩ sai phái (Tức cho về làm lính, đợi sai phái tiếp). Nhiều tài liệu ghi chép khâm phục nhà vua biết trọng dụng nhân lực phục vụ cho Hoàng Sa bởi không phải ai cũng có thể tuyển được vào đội dân binh, quân binh đi biển xa vào thời ấy.

 

Những tấu, phúc tấu, chỉ dụ và "châu phê" của nhà vua chính là những văn bản hành chính quản lý thời trung cận đại của chính quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là minh chứng hùng hồn cho chủ quyền của nhà nước Đại Nam lúc ấy. Và đây cũng là bằng chứng lịch sử có giá trị đầy đủ về công pháp quốc tế không ai có thể phủ nhận hoặc ngụy tạo.

 

(Còn nữa)

 

Theo Duy Chiến

Vietnamnet

 

* Bài có sử dụng tư liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, người sáng lập và cố vấn Quỹ Văn Hóa Giáo dục tại TP.HCM.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm