Xung quanh "bài văn lạ":
"Em Thanh đã có cái nhìn lệch!"
Nói về "bài văn lạ" đang gây xôn xao dư luận, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng học sinh không cảm nhận được giá trị văn học, lỗi một phần là ở chính các thầy, cô giáo dạy văn. Nhưng, học sinh không phải là vô can…
Trước hết, tôi đánh giá cao sự thẳng thắn trong việc bày tỏ ý kiến riêng của em Phi Thanh về cách ra đề thi môn Văn cho học sinh giỏi văn lớp 11, thông qua một đề thi cụ thể. Thay vì làm bài, em đã trình bày ý kiến riêng, với những nhận xét thẳng thắn, khiến dư luận xã hội và công luận báo chí đặc biệt quan tâm.
Không những thế, từ nhận xét về một đề thi, em còn mở rộng ý kiến của mình, phê phán những chỗ bất cập của chương trình dạy văn ở cấp học phổ thông hiện nay, mà từ lâu nay đã trở thành một vấn đề nóng của dư luận xã hội.
Bản thân tôi từng được mời luyện thi cho các em học sinh giỏi quốc gia tại Hà Nội và chấm bài thi môn Văn cho thí sinh thi đại học khối C và D, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp những bài thi “đặc biệt”, hoặc cách ứng xử như của em Thanh đối với tác giả và tác phẩm văn học và tôi cũng đã từng phải suy nghĩ về vấn đề này.
Trên thực tế, việc học sinh thích tác phẩm văn học này, không hứng khởi với tác phẩm kia là chuyện bình thường. Bởi lẽ, một tác phẩm văn học vốn chỉ được viết bằng ngôn ngữ văn chương, với tính chất “phi vật thể” của hình tượng ngôn từ đặc trưng cho văn học, đã nghiễm nhiên tạo ra một khoảng rộng lớn vô hạn cho sự tưởng tượng của người đọc.
Vậy nên, tác phẩm văn chương chỉ có một, nhưng với người đọc, rất có thể, mỗi người lại có một tác phẩm văn học của riêng mình. Tác phẩm đó khác nhau là do mỗi người có khả năng “hấp thụ” khác nhau.
Qua quá trình giảng dạy, coi thi và chấm thi môn văn học, tôi nhận thấy, thông thường, học sinh không thích, hoặc cảm thấy khó hiểu những tác phẩm văn học được viết bằng chữ Hán dịch ra tiếng Việt, hoặc các phẩm được viết bằng chữ nôm, và nói chung là những tác phẩm văn học trung đại.
Cái khó nhất của học sinh đi thi giỏi văn có lẽ chính là vấp phải những tác phẩm văn học trung đại. Lý do ư? Rất đơn giản, nó rất khác với văn học hiện đại thế kỉ XX. Do vậy, nói chung, tâm lý học sinh vẫn thích đề thi rơi vào các tác phẩm văn học hiện
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái là Hội viên hội Nhà văn Việt Nam, Giảng viên môn Văn hoá - Văn học, khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQGHN). |
Góc nhìn ... lệch
Theo tôi, trường hợp của em Thanh cũng không phải ngoại lệ. Tôi băn khoăn vì chưa được đọc toàn bộ bài luận được xem là “không bình thường” của Thanh, mà mới chỉ được đọc đoạn trích. Tuy nhiên, với những gì em thể hiện, tôi thấy Thanh là người có năng khiếu văn học và dám bộc lộ góc nhìn riêng của mình. Chỉ có điều, thật đáng tiếc, góc nhìn đó lại hơi... bị lệch.
Thời bằng tuổi em, tôi đã từng rất cảm động, tự hào khi đọc "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi. Đọc "Tuyên ngôn Độc lập" của Bác Hồ, tôi và các bạn tôi đã cùng rơi nước mắt vì thấy văn chương của Bác viết thật hay và hào sảng, cảm động.
Qua trường hợp xử lí bài thi học sinh giỏi văn của em Phi Thanh, có thể thấy, học sinh đang thiếu vắng tình cảm tự nhiên đối với người xưa, những người nông dân châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ đã đổ máu dựng nước và giữ nước cho chúng ta có cuộc sống trong thời bình ngày hôm nay.
Và cả sự thiếu vắng tình yêu tiếng Việt. Về sự thiếu vắng này, không thể chỉ đổ lỗi cho các thầy cô dạy môn văn được...
Phải chăng, học sinh cũng phải tự xem lại mình, trên tinh thần lành mạnh: "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”.
|
Và, tuy mới chỉ là những học trò, chưa hề nếm trải cuộc kháng chiến chống Pháp, và cố nhiên, chưa hề đặt chân đến vùng đất Nam Bộ, thời đó còn bị chia cắt Bắc - Nam, nhưng lòng dạ thơ ngây của bọn học trò Hà Nội chúng tôi vẫn tràn đầy tình thương cảm, biết ơn những người nghĩa quân nông dân áo vải Nam Bộ đã hi sinh cho tự do độc lập và trở thành hình tượng văn chương đầy cảm động trong bài văn tế hào hùng của nhà văn mù Nguyễn Đình Chiểu.
Chưa cần thầy cô phải dạy, do rất yêu mến văn chương Việt, tiếng Việt, ham đọc, có năng khiếu về thưởng thức tác phẩm văn học, và tìm thấy trong văn học những tình cảm làm phong phú, giàu có cho đời sống nội tâm của chính mình, nên chúng tôi đã có những tình cảm yêu mến tự nhiên đối với những tác phẩm văn học không phải dễ cảm thụ này của Nguyễn Đình Chiểu.
Và khi xem lại phần viết trong sách Văn học lớp 11 của tác giả Nguyễn Đình Chú viết về Nguyễn Đình Chiểu, tôi thấy nguyễn Đình Chú viết công phu, có lý có tình, chú giải cẩn thận những từ khó hiểu, giải thích tường minh những lớp nghĩa trong các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu, đánh giá chính xác giá trị văn chương trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu bằng một sự hiểu biết, tinh thần trân trọng và tình cảm tri ân đáng quý với con người và tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, trong sự phân tích, bình luận và chọn lựa các đoạn trích “Lẽ ghét thương” trong "Lục Vân Tiên", "Xúc cảnh” trong "Ngư Tiều Y thuật vấn đáp” và tác phẩm quan trọng: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc".
Vì vậy, tôi nghĩ một học sinh giỏi văn như em Thanh, sẵn có tình yêu văn chương và tiếng Việt như em Thanh, thì chỉ bằng vào những phẩm chất ấy của chính em Thanh, em chưa cần nghe giảng bài, mà chỉ cần tự mình đọc tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, hoặc là tự đọc phần viết của Nguyễn Đình Chú trong sách văn học lớp 11 thôi, cũng đủ để tự em thấy mến yêu và xúc động một cách tự nhiên trước vẻ đẹp văn chương trong những tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu.
Vì bản thân em là học sinh giỏi văn và việc đọc tác phẩm văn học là một cuộc đối thoại âm thầm và đơn chiếc, rất cần đến những tình cảm sâu sắc nội tâm của người đọc. Và có lẽ phải là như thế, em Thanh mới có thể trở thành học sinh giỏi Văn.
Rất tiếc, em Thanh đã không cảm nhận được vẻ đẹp này. Em viết rằng thực sự em không hề thích tác phẩm này, vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu.“Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương” . Em không thấy nó hay, cũng không thấy nó đẹp. Rồi Thanh đưa ra lý do “Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình...”
Quả tình tôi rất kinh ngạc khi em Thanh không có một tí rung động nào trước “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đặc biệt với những lý do em đưa ra. Đúng! Có thể em không thích tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, em thấy mình xa lạ với nó về thời gian, không gian, tư tưởng..., khi lịch sử mà nó thể hiện đã lùi xa vào quá khứ, nhưng em không thể xa lạ với cái tình người, sự thương tiếc, thương cảm, đau xót, khắc khoải... của một nhà văn Nam Bộ thấm đẫm trên từng con chữ của bài văn tế những người nghĩa sĩ Cần Giuộc Nam Bộ đã bỏ mình vì nước.
Tôi ngờ rằng, em Thanh ít đọc, ít nghĩ ngợi, chưa yêu cái đọc đến mức tự mình coi mình là một chủ thể đọc và có ý kiến riêng về cái đọc ấy. Và thêm nữa, chính em đã bị lệch, khi rất duy lí trong thưởng thức tác phẩm văn chương.
Đành rằng, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu chưa phải là hoàn hảo về văn chương, nhưng đó không phải là tác phẩm lịch sử, mà là những tác phẩm văn học tiêu biểu và có giá trị đích thực của văn học Việt Nam cuối TK19, mà không có những tác phẩm ấy, thì không có những tác phẩm văn học tiêu biểu nối tiếp của văn học Việt Nam hiện đại thế kỉ XX.
Và cũng chính nhờ vào bản sắc Nam Bộ đậm đặc trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu mà những tác phẩm ấy vẫn sống và đang sống trong lòng độc giả không chỉ của một vùng đất Nam Bộ mà thôi.
Tôi muốn nói: Em có quyền không thích tác phẩm này hay tác phẩm khác và có quyền không tuân thủ theo cách dạy cơ học giáo điều, nhưng phải chăng em tự cho mình cái quyền dửng dưng vô cảm trước những cái đẹp của văn chương đã được định giá và kiểm chứng qua thời gian, như những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu và cách viết, cách xây dựng hình tượng đầy tình thương xót, lòng tri ân đối với những nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông?
Tôi bỗng nhớ đến một câu nói của một hiền triết nào đó, rằng: “Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”. Vì thế, đọc văn học là đưa mình vào một thế giới mới của nghệ thuật ngôn từ và người đọc hoàn toàn không bị bắt buộc trải qua thực tế giống như nhà văn mô tả trong tác phẩm mới cảm thụ được vẻ đẹp văn chương chữ nghĩa của nó.
Nếu vịn vào lý do này để nói em không thích, không thấy thương cảm là không đúng. Lỗi này trước hết là do chính văn hóa đọc và vốn văn chương của em còn hạn chế. Bởi, nếu đọc nhiều, suy tư nhiều về văn chương, và từ văn chương, suy ngẫm về cuộc đời và con người, em sẽ hiểu được không chỉ cái nghĩa bề mặt đương nhiên của chữ, mà em còn có thể tìm thấy cả bóng chữ nữa, và có thể, cũng như tôi, khi đọc được tác phẩm văn học hay, tôi sẽ còn muốn đọc đi đọc lại nó trong những đoạn khác nhau của cuộc đời, và thấy rằng có khi đi hết cả cuộc đời mình, chưa chắc tôi đã đi hết được chiều sâu vô cùng của tác phẩm văn học đâu...
Cho nên em cần xem xét lại bản thân mình, với tính cách là một chủ thể đọc văn chương, em sẽ thấy mọi việc sẽ khác. Thay vì hỏi : "Lỗi tại em, hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc", hay là tại sự xa cách giữa hai thế hệ thầy cô và em, thì em hãy hỏi bản thân mình xem đã có ứng xử một cách có văn hoá với văn chương chưa và đã tự mình thiết kế cho mình một văn hoá đọc chưa, bởi không phải đọc cái gì cũng tạo thành văn hoá đọc và không phải cứ dựa trên sự thích hay không thích một cách đầy cảm tính như thế, là đã có văn hoá đọc văn chương đâu.
Có một phần lỗi của các thầy, cô giáo dạy văn...
Mặc dù, cái việc thích hay không thích của em, mà em viết trong bài thi của em, một phần cũng có lỗi của các thầy, cô giáo dạy văn học hôm nay.
Hiện nay, lối giảng văn một chiều, thầy đọc, trò chép, học sinh chỉ được phép nói lên cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà không có quyền được... chê, như em Thanh nhận xét, đã thực sự làm triệt tiêu tính sáng tạo, trí tưởng tượng và tình yêu mến tự nhiên đối với văn chương của các bạn trẻ.
Về điểm này, tôi thấy, Thanh không phải không có lý. Tại sao học sinh cứ phải nghe tất cả những gì các thầy, các cô bắt buộc phải thấy hay, trong khi không thuyết phục được các em, khi các em không thấy hay? Học sinh không phải và không thể là bản sao của các thầy, cô, nhất là trong môn học trừu tượng, giàu tính sáng tạo, tưởng tượng như văn học, vốn được coi là nghệ thuật của ngôn từ!
Giảng văn không phải là bảo học sinh thích cái nọ, không thích cái kia, mà là truyền cảm sự cảm thụ văn học. Người thầy phải trao truyền một cách đầy hứng khởi cho các em niềm đam mê văn học với những giá trị chân - thiện - mỹ mà bao giờ cũng thật đầy đặn trong các tác phẩm văn học hay.
Thế nhưng rất tiếc, từ thực trạng học sinh, sinh viên hiện nay đang ngày “dị ứng” với văn học, đã càng chứng tỏ, phần lớn (tôi không nói là tất cả) lối giảng văn của các thầy, cô bây giờ đang góp phần “giết chết” khả năng rung động của học sinh. Người thầy không thể không có trách nhiệm khi không biết giảng thế nào cho học sinh của mình yêu văn học, yêu con người, yêu đất nước... Và người thầy cũng phải chịu trách nhiệm về những bài thi môn văn của học sinh đầy rẫy những lỗi văn hoá về tiếp nhận văn chương và viết tiếng Việt.
Về vấn đề này, tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đó nhiều lần lên tiếng. Nhưng xem ra, chưa thấy có hồi âm? Và có lẽ hồi âm cần phải đến từ hai phía, mới thật công bằng, và mới có thể cải thiện được tình hình đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết về câu chuyện đáng buồn này: Đó là phía những thầy cô dạy văn và cả phía những học sinh, sinh viên học văn nữa!
TS Nguyễn Thị Minh Thái (Tiền phong)