Xóa bỏ biên chế giáo dục: Hoàn toàn ủng hộ nhưng...

(Dân trí) - Là viên chức ngành giáo dục tôi hoàn toàn ủng hộ và thực hiện theo yêu cầu đổi mới, dẫu vậy tôi rất mong những mối lo ngại của những giáo viên như tôi cũng được các cơ quan hữu quan quan tâm thích đáng.


Nếu việc xóa bỏ công chức, viên chức ngành Giáo dục được tiến hành thì các quy trình quản lí nhà nước, các văn bản pháp qui qui định về quyền hạn trách nhiệm của các cá nhân và tập thể cũng sẽ được ban hành. (Ảnh: minh họa)

Nếu việc xóa bỏ công chức, viên chức ngành Giáo dục được tiến hành thì các quy trình quản lí nhà nước, các văn bản pháp qui qui định về quyền hạn trách nhiệm của các cá nhân và tập thể cũng sẽ được ban hành. (Ảnh: minh họa)

Gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt qua trao đổi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, tôi và các đồng nghiệp được hiểu rõ hơn về ý tưởng xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên.

Định hướng và lộ trình thay đổi này chắc chắn đã được tính toán và xem xét kĩ lưỡng từ các nhà hoạch định chính sách. Cá nhân tôi nghĩ rằng với các trường tự chủ về tài chính, các trường có thương hiệu, các trường ở những vùng có điều kiện thì việc này sẽ tạo ra những đột phá về nhiều mặt như:

1. Giúp các nhà trường tự chủ hơn về đội ngũ, có quyền lựa chọn đội ngũ phù hợp với điều kiện để phát triển nhà trường.

2. Sức ép yêu cầu đổi mới phương pháp, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với mỗi nhà giáo sẽ cũng là động lực cho các nhà giáo nỗ lực hơn để hoàn thành tốt yêu cầu mới về đổi mới giáo dục.

3. Người học có lẽ sẽ có thêm quyền lựa chọn người dạy có phẩm chất và năng lực tốt hơn.

4. Gánh nặng ngân sách sẽ được phần nào giải tỏa, việc xã hội hóa giáo dục sẽ được đẩy mạnh.

5. Xét về toàn cục, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng việc đổi mới này có thể sẽ gây sốc cho rất nhiều công chức ngành giáo dục, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên ở những vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, hay những vùng dân trí còn hạn chế.

Ở rất nhiều trường phổ thông, như báo chí cũng đã từng thông tin, việc lộng quyền của lãnh đạo các nhà trường vẫn còn là vấn đề mà rất nhiều người "biết đấy nhưng không dám đấu tranh".

Vậy khi trao quyền tự chủ cho một hoặc một số người trong việc tuyển dụng, hợp đồng, chi trả cho giáo viên, quyết định hướng đi của một cơ sở giáo dục liệu có bảo đảm sự công bằng, minh bạch và vì mục tiêu giáo dục.

Như chúng tôi, những viên chức ngành Giáo dục đang được tuyển dụng bởi cấp UBND Tỉnh, được quản lí bởi Hiệu trưởng các nhà trường, mạc dầu cũng luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà không khỏi có lúc vẫn còn lo lắng.

Trên thực tế, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường phổ thông ngay chỉ bổ nhiệm và thăng cấp cho đến ngày hưu trí nếu không có vi phạm nghiêm trọng. Dù hàng năm các lãnh đạo này phải trải qua việc lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại, nhưng hầu như không có trường hợp nào bị miễn nhiệm (chẳng lẽ đội ngũ lãnh đạo của chúng ta tốt đến vậy?).

Đối với những người "làm công ăn lương" theo biên chế nhà nước như tôi ngoài việc hoàn thành, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng còn phải lo lắng về các mối quan hệ Thủ trưởng - Nhân viên...

Bản thân tôi ý thức rõ việc đổi mới này là một chủ trương lớn, và nếu lộ trình này muốn được thực hiện thì phải được sự đồng ý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu việc xóa bỏ công chức, viên chức ngành Giáo dục được tiến hành thì các quy trình quản lí nhà nước, các văn bản pháp qui qui định về quyền hạn trách nhiệm của các cá nhân và tập thể cũng sẽ được ban hành.

Là viên chức ngành giáo dục tôi hoàn toàn ủng hộ và thực hiện theo yêu cầu đổi mới, dẫu vậy tôi rất mong những mối lo ngại của những giáo viên như tôi cũng được các cơ quan hữu quan quan tâm thích đáng. Tôi hi vọng đây sẽ là trang mới tốt đẹp của ngành Giáo dục và Đạo tạo nước nhà.

Đỗ Văn Bình - Giáo viên trường THPT Liễn Sơn, huyện Lập thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bài viết góp ý của độc giả về Chủ trương xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!