Xét tuyển bổ sung: Trường lo lắng, thí sinh đỗ mà “đau”

(Dân trí) - Cuộc xét tuyển nguyện vọng bổ sung mới bắt đầu nhưng đã khiến cho nhiều trường căng thẳng và đặt mình vào cuộc "chơi xổ số”; nhiều thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng “đau” vì trường mơ ước của mình hạ điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng bổ sung.


Nhiều trường đại học căng thẳng trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Nhiều trường đại học căng thẳng trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Nguyện vọng bổ sung, tỷ lệ thí sinh “ảo” tăng gấp đôi đợt 1

Nhận định về đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, nếu các trường không có sự điều chỉnh phù hợp thì tỷ lệ ảo đợt 2 sẽ cao hơn rất nhiều so với đợt 1 vì mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Về lý thuyết tỷ lệ ảo sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo.

Được biết, trong số 396.496 thí sinh đã đăng ký, mới chỉ có 200.000 thí sinh nộp phiếu chứng nhận kết quả, vậy còn hơn 100.000 thí sinh nữa đi đâu? Đây là một câu hỏi đau đầu với các nhà tuyển sinh.

PGS.TS Lê Hữu Lập – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho hay, đây là một cuộc "chơi xổ số” với các trường đại học và thí sinh bởi tuyển sinh đợt bổ sung này “nguy hiểm” hơn rất nhiều đợt xét tuyển đầu; Thí sinh có nhiều nguyện vọng, sẽ lựa chọn theo ngành học, theo thương hiệu của các trường. Bên cạnh đó, theo thị trường hiện nay tỷ lệ cử nhân, kỹ sư thất nghiệp nhiều nên thí sinh cũng cân nhắc việc học đại học và chọn học nghề nhiều hơn.

Theo ông Lập, tâm lý thí sinh không thích xét tuyển nguyện vọng bổ sung, không thích nguyện vọng 2 nên chưa chắc trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung này có trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường tốp trên đã phải xét tới nguyện vọng bổ sung thì các trường tốp dưới càng “chết” nữa. Nếu trong trường hợp lấy điểm chuẩn thấp thì tỷ lệ chất lượng sẽ kéo theo. Do đó, các trường phải hết sức cẩn thận và phải chấp nhận tỷ lệ thí sinh “ảo” hoặc không tuyển đủ chỉ tiêu.

Phân tích về việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu trong xét tuyển đợt đầu, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, có khoảng 75% thí sinh đăng ký cùng lúc 2 trường ĐH. Điều này có nghĩa, tỷ lệ ảo là 75% vì thí sinh chỉ được chọn 1 trường để nộp phiếu chứng nhận kết quả. Đây là thực tế mà các trường đã “bỏ qua” trước khi xác định điểm trúng tuyển.

Chia sẻ với các trường về xác định thí sinh trúng tuyển “ảo”, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng, năm nay thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng = 2 trường x 2 nguyện vọng mỗi trường. Nếu chỉ tiêu là 100, về toán học phải gọi 400. Nhưng vì chọn 2 nguyện vọng trong 1 trường nên phải gọi ít nhất là 200 để tuyển 100. Những thí sinh nào khá giỏi thì chắc rằng họ đỗ cả 4 nguyện vọng nên giá trị “ảo” sẽ càng tăng lên. Về tổng thể là vậy. Mỗi trường dựa vào kinh nghiệm về uy tín về thương hiệu của mình mà điều chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển… Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trường hạ điểm chuẩn, thí sinh “đau”

Với việc xét tuyển năm nay, nhiều thí sinh rất “đau” bởi vì trường đăng ký nguyện vọng 1 hạ điểm chuẩn.

Năm nay, thí sinh P.T.V đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Kỹ thuật quân sự, nguyện vọng 2 vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Khi công bố điểm trúng tuyển, thí sinh P.T.V trượt Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng lại trúng tuyển Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Tuy nhiên, kết thúc xét tuyển đợt 1, Học viện Kỹ thuật quân sự lại xét tuyển nguyện vọng bổ sung, xét theo mức điểm thí sinh P.T.V đã đỗ vào Học viện.

Thí sinh P.T.V đến Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông xin rút hồ sơ nhưng không được vì theo quy chế thi, thí sinh không được rút hồ sơ, giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh P.T.V, gia đình đã rất tiếc và rất “đau” vì ước mơ vào trường quân đội không thực hiện được.

Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ông Vũ Văn San cho biết, nếu theo nguyện vọng và ước mơ của các em thì cũng tiếc nhưng không có cách nào khác vì đây là quy chế của Bộ GD&ĐT đã quy định. Học viện chỉ còn cách là động viên thí sinh yên tâm học vì ở đây các em có nhiều cơ hội nhận được học bổng, môi trường học tập chất lượng.

Tương tự như trường hợp thí sinh trên, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân… có rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển đến trường xin rút giấy chứng nhận kết quả thi để nộp sang trường quân đội. Bởi vì năm nay có tới 18 trường quân đội đều tuyển bổ sung. Tổng số chỉ tiêu tuyển bổ sung của các trường quân đội lên tới hơn 1.000 chỉ tiêu, chưa kể hệ dân sự.

Tuy nhiên, tất cả các thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi đều không được trả lại bởi đó là quy chế và có trả lại cho các em nhưng khi các em nộp vào trường khác, hệ thống phần mềm tuyển sinh mà Bộ quản lý cũng không nhận vì mã số trúng tuyển các em đã được nhập.

Việc các trường hạ điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung, GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, việc này cần phải cân nhắc thật cẩn trọng bởi hệ luỵ có thể sảy ra. Giả thiết khi các trường hạ điểm chuẩn thì các thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học. Nhưng chúng ta sẽ xử lý thế nào đối với các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 (của đợt 1), nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng khi điểm chuẩn thay đổi. Công bằng cần đặt ra, khi hạ điểm chuẩn ở đợt 2 đối với thí sinh ở cả 2 đợt xét tuyển. Bức xúc của phụ huynh, thí sinh có thể lại phát sinh từ việc hạ điểm chuẩn.

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc thí sinh đến xin rút hồ sơ là hiệu ứng tất yếu của quy định cho phép các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung trong quy chế tuyển sinh năm nay.
“Đây là luật chơi đã đặt ra và thí sinh buộc phải chấp nhận để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác. Sẽ không có một phương pháp tuyển sinh nào hoàn hảo nhất là trong bối cảnh hiện tại" - ông Triệu nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm