Vì sao Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, bắt tạm giam?

(Dân trí) - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác". Vậy hành vi vi phạm của bị can được xác định cụ thể như thế nào?

Nguồn tin riêng của PV Dân trí cho hay, xuất phát từ nhu cầu về sử dụng văn bằng, chứng chỉ trong xã hội rất lớn, đặc biệt trong bộ phận cán bộ, công chức nhà nước để phục vụ hoàn thiện hồ sơ đào tạo sau đại học, thi công chức, nâng ngạch…, trường Đại học Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy một cách tràn lan, không tuân thủ theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Vì sao Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, bắt tạm giam? - 1

Bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô.

Ban lãnh đạo Đại học Đông Đô đã liên kết ồ ạt với các trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài để tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận. Mức thu đối với đối với các lớp học ngày thường là 27.690.000 đồng/học viên; đối với các lớp học buổi tối, thứ 7 và chủ nhật mức thu là 29.820.000 đồng/học viên. Đây là số tiền thực nộp về phòng tài vụ của nhà trường, có hóa đơn chứng từ, các đối tác tuyển sinh được nhận phí môi giới là 30%/học viên.

Lợi dụng chủ trương này, một số cán bộ chủ chốt của nhà trường đã thông đồng, chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các trung tâm trên để thu lập hồ sơ của những người có nhu cầu lấy nhanh bằng đại học chính quy nhưng không tham gia học, thu lợi bất chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng là đăng thông tin tuyển sinh trên mạng internet, khi người có nhu cầu đến tìm hiểu thông tin thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo “cấp tốc” thông qua cán bộ của Đại học Đông Đô chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó hoặc tổ chức một lớp riêng cho số học viên này.

Để hợp thức hóa sai phạm, Đại học Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3-6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Tiêu cực đã thả nổi thông qua “cò giáo dục” với mức dao động 40-50 triệu đồng/học viên.

Nguồn tin cũng cho biết thêm, khi trao đổi với Bộ GD-ĐT thì đơn vị này khẳng định chưa cấp phép cho Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2, việc cấp phép phải được Bộ xem xét trên cơ sở các trường có hồ sơ xin phép đào tạo và được phê duyệt.

Như vậy trường Đại học Đông Đô không được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình cho khoảng 3.000 học viên trên cả nước. Điều đáng nói, xuất phát từ chủ trương đào tạo cấp tốc với mục đích trục lợi của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu, từ đầu năm 2018 đến nay trường Đại học Đông Đô đã cấp khống hàng trăm văn bằng 2 đại học chính quy ngành Ngôn ngữ Anh cho các học viên mà không phải qua thi tuyển, không tham gia đào tạo, thu lợi bất chính với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, trong các năm 2015 và 2016, trường Đại học Đông Đô không tổ chức tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 nhưng vẫn ban hành các văn bản: Công văn gửi Bộ GD-ĐT về việc đăng ký tuyển sinh đào tạo văn bằng đại học thứ hai năm 2015; Quyết định về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai các năm 2015, 2016; Các quyết định về việc thành lập Hội đồng tuyển sinh, Ban thư ký, Ban đề thi, Ban chấm thi năm 2016. Kết quả xác minh ban đầu khẳng định các tài liệu trên có dấu hiệu bị làm giả nhằm hợp thức hóa sai phạm.

Tội “Giả mạo trong công tác” bị xử lý thế nào?

Điều 359 Bộ Luật hình sự quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngày 30/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa, sinh năm 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, sinh năm 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô; Phạm Vân Thùy, sinh năm 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô; Lê Thị Lương, sinh năm 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô.

S.H