Vụ “thầy cho trò tái hiện cảnh nóng” kiện nhà trường: Một dấu lặng buồn!

Hoài Nam

(Dân trí) - Vụ việc "thầy cho học trò tái hiện cảnh nóng" kiện nhà trường đã khép lại, vụ án bị đình chỉ, không bản án nào được đưa ra. Nhưng để lại là một dấu lặng rất buồn...

Kiên quyết không hòa giải 

Trước khi chính thức bước vào phiên tòa thứ 3 - cũng là phiên cuối cùng trong vụ án "thầy giáo cho học trò tái hiện cảnh nóng" Phạm Quốc Đạt kiện Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TPHCM), chủ tọa phiên tòa hỏi lần nữa câu bà đã nhiều lần đặt ra trong các phiên trước: Hai bên có mong muốn, đề xuất phương án hòa giải nào không?

Vụ “thầy cho trò tái hiện cảnh nóng” kiện nhà trường: Một dấu lặng buồn! - 1

Luật sư phía thầy Phạm Quốc Đạt tranh cãi tại tòa 

Những người dự tòa như nín thở. Vụ việc được đưa ra tòa tròn 1,5 năm, mở đến phiên tòa thứ 3, nhiều người vẫn hy vọng có một cuộc hòa giải cho cả hai. Phía nhà trường và giáo viên cùng nhìn nhận lại sự việc vốn không đáng bị đẩy đi quá xa như thế này.

Không!

Bên nguyên đơn là ông Phạm Quốc Đạt và bên bị đơn là Trường THPT Võ Trường Toản đều dứt khoát trả lời tòa! Cả hai đã không cho nhau, đã không cho chính mình một cơ hội. 

Tòa đóng án, hết thời hạn khiếu nại 

Vụ án dân sự này chính thức bị đình chỉ, không có một bản án, kết quả nào được đưa ra vì tính chất sự việc không thuộc thẩm quyền của tòa.

Sự việc này trước hết phải được giải quyết theo Luật Khiếu nại, ông Phạm Quốc Đạt có thể khiếu nại lên cơ quản lý cao hơn, ở đây là Sở GD&ĐT TPHCM. 

Vụ “thầy cho trò tái hiện cảnh nóng” kiện nhà trường: Một dấu lặng buồn! - 2

Ngày 15/9, ông Phạm Quốc Đạt rời tòa trước khi tòa công bố quyết định đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Đạt lại kiên quyết đi theo con đường khởi kiện ra tòa. Khi vụ án bị tòa đình chỉ thì cũng đã hết thời hạn để có thể khiếu nại sự việc. 

Vụ án không được xử, không bản án nào được tuyên đồng nghĩa với việc thầy Phạm Quốc Đạt đã "thua" ở trong vụ kiện này. Các yêu cầu của ông không được xem xét. 

Tại phiên tòa, trước câu hỏi "Vì sao không chọn khiếu nại?", luật sư của ông Phạm Quốc Đạt cho biết, do bị chèn ép, gây khó dễ ở trường nên ông Đạt không muốn phản hồi lên cơ quan quản lý cao hơn. 

Ông mong muốn một đơn vị thứ ba độc lập ngoài hệ thống giáo dục đánh giá sự việc một cách khách quan nhất. 

Một quyết định còn bỏ ngỏ 

Tại phiên tòa, vấn đề được đặt ra việc nhà trường điều chuyển ông Đạt (theo quyết định kỷ luật) từ một giáo viên sang làm công tác thư viện, trong khi ông không có chuyên môn trong lĩnh vực này có hợp lý hay không?

Rồi thành phần họp hội đồng kỷ luật, cách thức chọn hình thức kỷ luật (lấy theo tỷ lệ bầu cao nhất), thời gian ra quyết định... kỷ luật ông Đạt, theo luật sư nguyên đơn là "có vấn đề", mang cảm tính cá nhân.

Vụ “thầy cho trò tái hiện cảnh nóng” kiện nhà trường: Một dấu lặng buồn! - 3

Vẫn chưa có đơn vị chuyên môn nào đánh giá việc thầy Đạt cho học trò tái diễn cảnh nóng trong tác phẩm văn học là gây hậu quả nghiêm trọng hay không

Nhà trường phản bác rằng họ làm theo đúng quy trình, bản chất sự việc. Việc chuyển ông Đạt sang phụ trách công tác thư viện theo nhà trường, công việc ở đây chỉ là xếp sách, kiểm tra mã sách... mọi viên chức trong nhà trường đều có thể đảm nhiệm.

Về việc ông Đạt cho học trò tổ chức hoạt động sân khấu hóa, tái diễn cảnh nóng trong tác phẩm văn học khi chưa thông qua tổ bộ môn, chưa được nhà trường phê duyệt, nhà trường khẳng định là phản cảm, không phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc phổ thông trung học hay không, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Nhưng thực tế đến nay, chưa một đơn vị chuyên môn nào thẩm định, việc cho trò tái hiện "cảnh nóng" này có phù hợp với hoạt động chuyên môn hay gây hậu quả nghiêm trọng hay không. 

Vụ án bị đình chỉ, thời gian khiếu nại đã hết, xem như quyết định này của nhà trường vẫn được giữ nguyên. 

Những người theo dõi vụ việc ít nhiều đều mang cảm giác nặng lòng, xót xa. 

Việc hoạt động sân khấu hóa trong dạy học của ông Đạt suy cho cùng là nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong dạy học của một người thầy. Trong quá trình này, giáo viên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, rất cần sự hỗ trợ, góp ý từ nhà trường thay vì kỷ luật. 

Phía giáo viên, trước phản ứng từ người học, từ đồng nghiệp, nhà trường, cũng rất cần động thái cầu thị "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhất là khi mình có sai phạm. 

Ngay từ đầu hai bên đã có thể dung hòa bằng sự thiện chí, tinh thần xây dựng. Không nhất thiết phải có quyết định kỷ luật nhiều tranh cãi kia hay những phiên tòa rùm beng. Không phải là chuyện đúng hay sai mà là hai bên đều đã quá tay!

Vụ “thầy cho trò tái hiện cảnh nóng” kiện nhà trường: Một dấu lặng buồn! - 4

Hai bên từ chối hòa giải tại tòa

Ngày 15/9, trước khi phiên tòa tuyên đình chỉ vụ án, ông Phạm Quốc Đạt rời phiên tòa ra về.

Ông nói với một số phóng viên: "Lâu nay, tôi đến trường đi dạy rất áp lực, giờ có khi nào sẽ căng thẳng hơn nữa? Năm rồi, đã một năm tôi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, nếu thêm năm nay nữa... ". 

Ông lo lắng, theo Luật Viên chức 2010, đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong trường hợp viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ.

Trước tòa, ông Đạt và nhà trường đã từ chối cho nhau, cho chính mình một cơ hội. Phiên tòa khép lại, mong dấu lặng buồn này sẽ được giải tỏa với sự thiện chí giữa hai bên, cùng cho nhau những cơ hội của những người đang làm công tác giáo dục. 

Tháng 3/2019, ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Võ Trường Toản, TPHCM khởi kiện nhà trường sau khi trường ra quyết định kỷ luật 01, kỷ luật viên chức đối với ông với hình thức cảnh cáo. 

Ngoài ra, ông Đạt cũng bị đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm chuyển sang phụ trách thư viện với thời gian 12 tháng. 

Theo nhà trường, ông Phạm Quốc Đạt có một số sai phạm trong chuyên môn, có lời nói, có phát ngôn xúc phạm danh dự uy tín của người khác... Trong đó, có tổ chức hoạt động sân khấu hóa môn Văn, cho học sinh tái diễn kịch tái hiện một số tác phẩm như "Quan âm Thị Kính", "Bỉ vỏ" với những phân cảnh nhạy cảm, gây hậu quả nghiêm trọng.