Vụ sinh viên văng tục, đòi "solo" với thầy giáo: Có nên xử lý sinh viên?

(Dân trí) - Mặc dù thầy giáo tha thứ và sẵn sàng nhận sinh viên này quay lại học tập, tuy nhiên theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần có hình thức kỷ luật phù hợp để làm gương cho sinh viên khác.

Liên quan đến vụ việc sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic văng tục, đòi "solo" với thầy giáo trong giờ học online gây xôn xao dư luận, LS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận xét: Cuộc đối thoại trong clip khiến nhiều người khá bất ngờ, thậm chí sốc bởi thái độ vô lễ, thiếu chuẩn mực của nam sinh viên này đối với thầy giáo.

Thầy giáo nhân văn

Cũng theo LS Cường, trong khi sinh viên dùng nhiều lời lẽ tục tằn thô lỗ để xúc phạm, thầy giáo có thái độ ứng xử rất bình tĩnh và chuẩn mực, hoàn toàn không gây kích động đối với sinh viên.

"Trong trường hợp thầy giáo xin tha thứ cho sinh viên trên đây, tôi cho rằng thầy giáo rất nhân văn.

Tuy nhiên, hành vi xúc phạm này, nếu cơ quan chức năng xác định rõ không phải là người mắc bệnh tâm thần gây ra, mà do nhận thức và cảm xúc thì cần có hướng xử lý phù hợp để làm gương cho sinh viên khác.

Việc này cũng giúp giáo dục ý thức tôn sư trọng đạo, đồng thời đó là nguyên tắc theo quy định của pháp luật, có hành vi vi phạm thì phải xử lý kỷ luật", LS Cường khẳng định.

Được biết sau khi sự việc xảy ra, sinh viên đã liên hệ trực tiếp với giảng viên để xin lỗi và mong muốn được đồng hành cùng thầy trong môn học này, tiếp tục được hoàn thành chương trình học tại trường. Gia đình sinh viên cũng gửi lời xin lỗi giảng viên và nhà trường, bày tỏ nguyện vọng cho bạn một cơ hội sửa sai.

Về phía giảng viên, thầy hiểu rằng các bạn trẻ có những phút bốc đồng, phạm phải sai lầm. Thầy giáo tha thứ cho hành động của sinh viên và sẵn sàng đón nhận bạn quay trở lại lớp học.

"Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ căn cứ biên bản tường trình, đề nghị của giảng viên, sinh viên, ban cán sự lớp để xem xét và xử lý sự việc. Nhà trường đánh giá cao kỹ năng xử lý tình huống của giảng viên, đồng thời sẽ tăng cường truyền thông cho giảng viên, sinh viên về kỹ năng học tập, văn hóa ứng xử nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, môi trường học đường", đại diện nhà trường chia sẻ. 

Theo một giảng viên ĐH trên địa bàn Hà Nội xin giấu tên, quả thật nghe xong đoạn hội thoại của sinh viên, ông rất bức xúc vì những lời lẽ xúc phạm của một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Tuy nhiên, người ta thường bảo "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại", tôi mong rằng, với hành động nhân văn của thầy giáo trên đây, sinh viên trên có thể lấy đó làm cơ hội sửa sai, lấy đó làm bài học cho cả quãng đời sau này, không phải để tự hào", giảng viên này nói. 

Vụ sinh viên văng tục, đòi solo với thầy giáo: Có nên xử lý sinh viên? - 1

Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần xử lý kỷ luật sinh viên này để làm gương cho người khác (Ảnh: Minh họa). 

Cần có mức kỷ luật phù hợp

Hiện trên mạng xã hội có nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên xử lý sinh viên này để làm gương không, nếu có thì xử lý ở mức nào là phù hợp.

LS Cường cho rằng, ở đây sinh viên đã xin lỗi, thầy giáo cũng chấp nhận bỏ qua nên nhà trường cần xét trên nhiều yếu tố để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, với kỷ luật của nhà trường.

Để xử lý ở mức độ nào, trước hết nhà trường và cơ quan chức năng cần làm rõ hoàn cảnh, nhân thân và khả năng nhận thức của sinh viên này có bình thường hay không, có bị tác động bởi yếu tố hoàn cảnh, lối sống, đạo đức, văn hóa hay không để có hình thức giáo dục phù hợp.

"Là một sinh viên nhưng nam sinh này không tôn trọng người dạy, không tôn trọng thầy cô giáo thì rất khó để có thể giáo dục.

Bởi vậy nam sinh này sẽ bị xử lý kỷ luật và phải được quan tâm giáo dục kỹ lưỡng hơn những người khác để không những tiếp thu kiến thức mà còn phát triển, hình thành nhân cách tốt hơn trong thời gian tới", LS Cường nói.

Cùng với đó, LS Đặng Văn Cường cho biết, dựa vào đoạn hội thoại có thể thấy, sinh viên này đã vi phạm Điều 6 Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT: "Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác".

Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, sẽ có các hình thức xử lý, kỷ luật sau.

Khiển trách: là hình thức kỷ luật áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất, mức độ của hành vi nhẹ, hậu quả gây ra ở mức độ thấp, không gây thiệt hại nhiều

Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng.

Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.

Sinh viên có hành vi vi phạm quy chế, kỷ luật mà bị xử lý kỷ luật từ mức độ cảnh cáo trở lên thì bị lưu lại hồ sơ quản lý sinh viên và thông báo cho gia đình sinh viên. Nếu bị kỷ luật dưới hình thức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc bị buộc thôi học thì cơ sở giáo dục phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình sinh viên biết để phối hợp quản lý, giáo dục.